Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao Đông Á ASEAN - EAS lần thứ 6 do Bộ GD&ĐT Việt Nam đăng cai.
Các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao Đông Á ASEAN - EAS lần thứ 6 do Bộ GD&ĐT Việt Nam đăng cai.

Nhìn nhận quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục tại Việt Nam với cả thuận lợi và thách thức, kết quả và hạn chế, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra cảnh báo, chia sẻ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Những bước tiến quan trọng

- Ông nhìn nhận thế nào về hội nhập quốc tế trong giáo dục tại Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam đã có những bước đi chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả hai phương diện. Một mặt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế truyền thống về giáo dục theo cơ chế phi thương mại. Mặt khác, triển khai thực hiện thương mại dịch vụ giáo dục theo các cam kết đã ký trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).

Về hợp tác quốc tế giáo dục, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ; ký kết trong giai đoạn 2016 - 2020 gần 100 thỏa thuận và điều ước quốc tế cấp Chính phủ và cấp Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và vị thế Việt Nam trên thế giới.

Số lượng học bổng do chính phủ nước ngoài cấp cho Chính phủ Việt Nam đã tăng gần 4 lần từ năm 2013 - 2019. Các trường đại học công lập quốc tế (Việt - Đức, Việt - Pháp, Việt - Nga, Việt - Nhật, Việt - Anh) được thành lập. Hàng trăm chương trình đào tạo liên kết đã triển khai; đến nay có vài vạn du học sinh từ khoảng 70 quốc gia trên thế giới học tập tại Việt Nam.

Điểm đáng quan tâm, dù Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình hơn 10 năm nay nhưng ngành Giáo dục vẫn nhận được nhiều dự án ODA, trong đó có những dự án lớn và đặc biệt quan trọng như: Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình phát triển các trường sư phạm (ETEP), Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP)…

Về hợp tác khu vực, Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong triển khai các hoạt động phối hợp với các nước ASEAN để tiến tới thực hiện lộ trình xây dựng không gian giáo dục đại học ASEAN.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

Về thương mại dịch vụ giáo dục, theo quy định của GATS, chúng ta đã mở cửa thị trường giáo dục, chủ yếu giáo dục đại học, theo cả bốn phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục. Đó là cung ứng xuyên biên giới, tiêu thụ ngoài nước, hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân.

Về cung ứng xuyên biên giới, tức là đào tạo theo chương trình nước ngoài, Việt Nam đã phát triển mạnh đào tạo theo chương trình liên kết với hơn 400 chương trình; đã mở rộng đào tạo theo chương trình nhượng quyền với 35 chương trình tiên tiến. Riêng đào tạo qua mạng đang diễn ra tự phát, chưa có quy định pháp lý.

Về tiêu thụ ngoài nước, châu Á hiện là khu vực gửi sinh viên du học nước ngoài nhiều nhất. Riêng ở Việt Nam năm 2021, Bộ GD&ĐT cho biết đang phối hợp quản lý gần 200 nghìn du học sinh Việt Nam của tất cả các diện đi học tại nước ngoài và trực tiếp quản lý khoảng 6 nghìn du học sinh, trong đó 4 nghìn diện Hiệp định và 2 nghìn theo các đề án của Chính phủ.

Về hiện diện thương mại, tức là thành lập cơ sở giáo dục bằng vốn đầu tư nước ngoài thì từ năm 2000, Việt Nam đã ban hành và không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp lý khuyến khích sự hiện diện thương mại của các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài theo cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, dưới các hình thức văn phòng đại diện, cơ sở liên kết và cơ sở 100% vốn nước ngoài.

Vì thế, tính đến năm 2021, cả nước có gần 500 dự án FDI, đến từ trên 30 quốc gia/vùng lãnh thổ, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng số vốn lên tới gần 5 tỉ USD. Số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm khoảng 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Về hiện diện thể nhân, tức là người nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam, thì luật pháp nước ta khuyến khích, tạo điều kiện để người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài giảng dạy, hợp tác, chuyển giao công nghệ giáo dục. Thực tế, thời gian qua, hàng nghìn nhà giáo dục nước ngoài và Việt kiều đã đóng góp đáng kể trong tiến trình đổi mới giáo dục Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020 - 2023. Ảnh: Moet

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020 - 2023. Ảnh: Moet

Một số vấn đề cảnh báo

- Từ thực tiễn giáo dục Việt Nam, theo ông, có những xu hướng và phương thức hội nhập nào chưa thực sự phù hợp, thiếu hiệu quả cần cảnh báo?

- Hội nhập quốc tế về giáo dục là một tiến trình phức tạp. Về bản chất đó là tiến trình quốc tế hóa giáo dục theo cả cơ chế thương mại và phi thương mại. Vì giáo dục ngày nay được quan niệm vừa là lợi ích công, vừa là dịch vụ khả mại. Vì thế, cả hai cơ chế đều cần thiết cho yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước và đang diễn ra chủ yếu theo 4 phương thức dịch chuyển xuyên biên giới của các nhân tố cơ bản: Người học, nhà giáo, chương trình giáo dục và cơ sở giáo dục.

Vấn đề cơ bản là chúng ta cần giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa hai cơ chế để phát huy tốt nhất các cơ hội mà hội nhập đem lại. Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy cách làm của Việt Nam một mặt ưu tiên hợp tác quốc tế về giáo dục, mặt khác chủ động, tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục. Nhờ thế, chúng ta đạt được những kết quả tích cực như nêu trên. Dĩ nhiên, nếu xét về hiệu quả thì có nhiều vấn đề cần nhận dạng đầy đủ.

Trên từng phương thức hội nhập quốc tế, cũng có những vấn đề cần cảnh báo. Cụ thể, trong cung ứng xuyên biên giới là việc đào tạo theo các chương trình qua mạng đang diễn ra tự phát, chưa có quy định pháp lý. Trong du học là hiện tượng chảy máu chất xám, chảy ngoại tệ, chất lượng khó kiểm soát. Trong hiện diện thương mại là sự hình thành và phát triển thị trường giáo dục với những mặt trái. Trong hiện diện thể nhân là những vấn đề nảy sinh về an ninh, an toàn và việc làm khi nước ta mở cửa đón các nhà giáo dục nước ngoài theo cơ chế thương mại.

Có thể nói, chúng ta đã có bước phát triển tốt về hội nhập quốc tế theo chiều rộng. Tuy nhiên, xét về chiều sâu cần nhận dạng và đánh giá nghiêm túc những vấn đề được cảnh báo nêu trên để bảo đảm hội nhập quốc tế về giáo dục, thực sự góp phần nâng cao mức độ công nhận của quốc tế đối với bằng cấp, chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực của Việt Nam.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BTC Hội nghị cung cấp

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BTC Hội nghị cung cấp

Giải pháp trước thách thức

- Cho đến nay, cơ hội và thách thức mà hội nhập quốc tế đem lại đối với giáo dục Việt Nam như thế nào, theo ông?

- Các thách thức và cơ hội của tiến trình hội nhập quốc tế về giáo dục đã phân tích nhiều trong các diễn đàn, hội thảo và tài liệu nghiên cứu, quốc tế cũng như trong nước. Tựu trung cơ hội ở chỗ, chúng ta sẽ khai thác tốt hơn các nguồn lực nước ngoài (bao gồm: Tài chính, con người, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm). Thách thức chủ yếu ở sự phát triển của thị trường giáo dục mà kéo theo nó là các hiện tượng gian lận thương mại, bằng cấp giả, chất lượng không tin cậy, mất công bằng xã hội, xâm nhập văn hóa, đảo lộn giá trị…

Cho đến nay, thách thức về thị trường giáo dục càng trở nên phức tạp và khó lường khi giáo dục thế giới đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với việc đẩy mạnh giáo dục mở, giáo dục số. Các phương thức cung ứng giáo dục xuyên biên giới nêu trên giờ đây có thể hoàn toàn thực hiện trên mạng Internet với sự hình thành của các kho tài nguyên giáo dục mở (OER), các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC).

Thách thức còn ở chỗ giáo dục mở đang diễn tiến theo mô hình trung tâm - ngoại vi. Nghĩa là, ở trung tâm là các đại học lớn các nước phát triển, ngoại vi là các đại học những nước đang phát triển. Trung tâm đóng vai trò chi phối và dẫn dắt. Vì thế có nguy cơ dẫn tới một thứ chủ nghĩa thực dân mới, tức là tri thức tạo ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội của các nước phát triển áp đặt vào các nước đang phát triển với những ưu tiên kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa khác biệt.

Đây là thách thức đã cảnh báo ở những nước đang phát triển khi tiến trình quốc tế hóa giáo dục không dừng ở giáo dục truyền thống mà bao gồm giáo dục mở, giáo dục số. Thách thức này thêm cấp thiết khi ChatGPT nói riêng, trí tuệ nhân tạo nói chung, đang đặt ra những hiểm họa tiềm tàng trong hội nhập.

- Ông có thể chia sẻ một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong giáo dục đối với Việt Nam?

- Đã có một số nghiên cứu giải pháp về vấn đề này. Chẳng hạn, cuối năm 2020, Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam”, thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia đã có những kiến nghị:

Phân bổ ngân sách đầu tư mang tính đột phá cho hệ thống giáo dục đại học (hiện thấp gần nhất so với khu vực); tiếp tục thu hút FDI lĩnh vực giáo dục đại học thông qua khuyến khích mở các chi nhánh giáo dục quốc tế; phát triển trung tâm giáo dục quốc tế; thiết kế chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục Việt Nam tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế; định hướng hệ thống đại học tham gia xếp hạng trong nước và quốc tế phù hợp; tăng cường sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả quốc tế; xây dựng các đại học tầm cỡ thế giới; xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng đại học trong nước.

Thực ra, những giải pháp cơ bản đã chỉ ra trong hai văn bản quan trọng. Một là Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo QĐ 2448 ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hai là Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo QĐ 40 ngày 7/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm hội nhập kinh tế; chính trị, quốc phòng, an ninh; văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ đánh giá nào về thực hiện hội nhập quốc tế về giáo dục theo các văn bản trên. Vì vậy, tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất lúc này là khẩn trương tổ chức đánh giá việc thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục trong mối quan hệ nhất quán với Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020. Chỉ khi đó mới có cơ sở thực tiễn tin cậy để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam.

Riêng trong phạm vi của phỏng vấn này, tôi cho rằng giải pháp ưu tiên là tăng cường quản lý thị trường giáo dục được hình thành từ tiến trình hội nhập quốc tế. Mục đích của giải pháp nhằm nhận dạng đầy đủ và khắc phục các thách thức, hạn chế, tồn tại nêu trên, qua đó bảo đảm chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội trong hội nhập quốc tế về giáo dục.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Trên từng phương thức hội nhập quốc tế, cũng có những vấn đề cần cảnh báo. Cụ thể, trong cung ứng xuyên biên giới là việc đào tạo theo các chương trình qua mạng đang diễn ra tự phát, chưa có quy định pháp lý. Trong du học là hiện tượng chảy máu chất xám, chảy ngoại tệ, chất lượng khó kiểm soát. Trong hiện diện thương mại là sự hình thành và phát triển thị trường giáo dục với những mặt trái”.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.