(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo quy định về quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ (KHCN) cấp bộ của Bộ GD&ĐT, áp dụng đối với các ĐH, học viện, trường ĐH và CĐ, các viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ GD&ĐT, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, được xét chọn hoặc được giao thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về KHCN cấp bộ của Bộ GD&ĐT.
Mục tiêu của các nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về KHCN cấp bộ nhằm tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu tiếp cận nhanh với các nghiên cứu khoa học mà các nước đã hoặc đang tiến hành nghiên cứu; hình thành và phát triển những tập thể, nhóm nghiên cứu ổn định; nuôi dưỡng các nhóm nghiên cứu trẻ thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo hướng/chủ đề nghiên cứu quan trọng với sự hỗ trợ nghiên cứu của các đối tác nước ngoài, làm cơ sở hình thành các nhóm nghiên cứu tiềm năng; xây dựng các hướng nghiên cứu ổn định, lâu dài; tận dụng kinh nghiệm tri thức và điều kiện môi trường làm việc của đối tác nước ngoài để hỗ trợ đào tạo sau đại học; hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu đội ngũ cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý.
Thời gian tối đa để thực hiện một chủ đề nghiên cứu là 9 năm, số giai đoạn tối đa của một chủ đề nghiên cứu là 3.
Các cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương phải có các tiêu chuẩn: Là cán bộ có trình độ từ ĐH trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ. Có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với chủ đề nghiên cứu của nhiệm vụ. Tại thời điểm xét chọn không là chủ nhiệm đề tài/nhiệm vụ hoặc dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ của Bộ GD&ĐT, hoặc đang bị xử lý theo quy định.
Nội dung dự thảo còn đề cập đến những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương như: việc xác định nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương; hồ sơ xét chọn và việc xét chọn; hội đồng xét chọn; trình tự làm việc của hội đồng; thẩm định nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương; phương thức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ đối với việc thực hiện và quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương; kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ; đánh giá kết quả; xử lý kết quả đánh giá; khen thưởng và xử lý vi phạm…
Lập Phương