Dân tộc Xuồng sinh sống ở xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đó là một tộc người có nhiều nét văn hóa độc đáo, khác lạ ở Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo lời kể của già làng Nùng Y Hoo, người Xuồng ở bản Thăm Noong đặc biệt kính trọng ngôi miếu thiêng có thờ chiếc sọ đá - một linh vật bảo vệ sự bình yên cho bản làng.
Nói về nguồn gốc của chiếc sọ đá, ngay cả những người già nhất hiện còn sống ở bản người Xuồng cũng không biết nó có tự bao giờ.
Chiếc sọ đá vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều khá đặc biệt là chiếc sọ đá còn mang họ người: họ Lương.
Theo những thông tin khá mơ hồ của người dân, trước đây bản Thăm Noong vốn là nơi trú ngụ của người dân tộc Giấy.
Nhưng sau một vài biến cố, họ đã di cư đến một vùng đất mới để sinh sống và lập nghiệp.
Trong quá trình di dời, người Giấy đã vô tình quên mất việc chiếc sọ bằng đá mà họ trước đó đã thờ cúng như một linh vật thiêng để bảo vệ buôn làng.
Sau khi người Xuồng chuyển đến vùng đất này được 1 - 2 đời, họ bàn nhau tu tạo lại ngôi miếu đặt chiếc sọ đá. Từ đó, bản Thăm Noong luôn được sống ấm no, vui vẻ.
Thấy bản làng người Xuồng ngày càng làm ăn phát đạt, một số người Giấy đã có âm mưu tới cướp chiếc sọ đá mang về bản mình.
Giữa đêm tối, 4 thanh niên người Giấy cao to, lực lưỡng đã lẻn vào ngôi miếu thiêng nằm sâu trong bản người Xuồng.
Kỳ lạ là họ phải dùng hết sức lực mới nhấc được chiếc sọ người bằng đá chỉ to ngang cái ấm đun nước.
Không những thế, càng đi xa ngôi miếu, tảng đá càng nặng hơn. Cuối cùng, sau khoảng 500m, họ đã phải bỏ chiếc sọ đá lại và tháo chạy vì sợ thần linh trừng phạt.
Sáng hôm sau, những người Xuồng đi làm nương phát hiện chiếc sọ thiêng nằm giữa đường đi nên đã mời thầy cúng đến làm lễ rước linh vật về ngôi miếu cũ.
Chiếc sọ đá ngả màu xanh được đặt chính giữa ngôi miếu nhỏ lợp bằng lá rừng, xung quanh bày biện đồ thờ cúng.
Tảng đá chỉ nhỏ đúng bằng một cái đầu người và có đầy đủ hai hốc mắt, răng, cùng trán nhô và bóng.
Ảnh minh họa
Chiếc sọ đá tự bao đời nay vẫn vậy, luôn được xem là một linh vật thiêng liêng của buôn làng người dân tộc Xuồng.
Nếu trong buôn xảy ra mâu thuẫn gay gắt tới mức chính quyền không giải quyết được, họ thường tìm đến ngôi miếu thiêng để cầu mong thánh thần chỉ lối.
Sau những lần như vậy, những người tưởng chừng không bao giờ nhìn mặt nhau nữa lại trở lại sống hòa thuận, cùng nhau trò chuyện, tâm sự và hiểu nhau hơn.
Theo một cán bộ văn hóa xã Tát Ngà, ngôi miếu thờ cúng chiếc sọ bằng đá xanh của bản người Xuồng có ý nghĩa rất riêng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Nhờ những chuyện kỳ bí xung quanh tảng đá này, nhiều người đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên tránh tuyên truyền mê tín dị đoan và có suy nghĩ sai lệch về những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng trong phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số.