Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho hay, tính đến 16 giờ ngày 22/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 36.082 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Chi tiết 36.082 người được tiêm tại 16 tỉnh/TP trong các ngày từ 08-22/3/2021 như sau:
- Tỉnh Hải Dương: 17.248 người
- TP. Hà Nội: 6.545 người
TP. Hải Phòng: 376 người
- Tỉnh Hưng Yên: 2.665 người
- Tỉnh Bắc Ninh: 2.533 người
- Tỉnh Bắc Giang: 2.904 người
- Tỉnh Hòa Bình: 887 người
- Hà Giang: 176 người
- Điện Biên: 244 người
- TP. Đà Nẵng: 117 người
- Tỉnh Khánh Hòa: 105 người
- Tỉnh Gia Lai: 380 người
- TP. Hồ Chí Minh: 926 người
- Bà Rịa Vũng Tàu: 87 người
- Bình Dương: 645 người
- Tỉnh Long An: 244 người
Bộ Y tế khuyến cáo sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện đầy đủ thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vắc xin COVID-19 tiếp theo về đến nước ta.
Không chủ trương các công ty tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19
Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và của Việt Nam đến thời điểm hiện tại diễn ra chiều ngày 22/3, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm.
Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.
Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu.
Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.