Hơn 200 hộ dân vùng giáp ranh Kon Tum - Quảng Nam 'vẫy vùng' trong… khốn khó

GD&TĐ - Hàng chục năm qua, 234 hộ dân ở xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) gặp nhiều khó khăn khi sinh sống ở vùng giáp ranh.

Khu vực chồng lấn là nơi 234 hộ dân sinh sống, canh tác.
Khu vực chồng lấn là nơi 234 hộ dân sinh sống, canh tác.

Cuộc sống ở làng… 4 không

Xã Đăk Nên cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 120km, đường đi là những lối uốn lượn quanh rừng.

Để đến được khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, từ trung tâm xã Đăk Nên phải đi thêm 20km đường lởm chởm đất đá. Di chuyển bằng xe máy cũng chẳng dễ dàng gì khi tuyến đường đang được cải tạo, sửa chữa.

Chiều buông, ông Nguyễn Xuân Bốn (65 tuổi, dân tộc Ca Dong) cùng vợ là bà Hồ Thị Liên (58 tuổi) ngồi trước hiên nhà chặt cây quế để lấy vỏ. Hàng chục năm qua, cũng như những hộ gia đình khác, ông Bốn có hộ khẩu ở thôn 3 (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhưng lại sinh sống, canh tác trên vùng đất thuộc địa giới của xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Việc chồng lấn khiến gia đình ông Bốn gặp nhiều khó khăn trong đời sống và sản xuất.

Trước kia, nơi đây là làng 4 không “không đường, không điện, không trường, không trạm”. Lúc bấy giờ lũ trẻ trong làng được gia đình gửi xuống xã Trà Vinh để học chữ, có khi cả tuần hoặc một tháng mới đón về, dù nhà cách trường chỉ hơn 10km.

Để có ánh sáng, người dân chủ yếu dùng đuốc, còn nhà nào khá giả mới có đèn dầu sử dụng. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật nặng… người dân lại dùng võng để gánh xuống trung tâm xã Trà Vinh chữa trị.

“Xưa kia chẳng có đường, chủ yếu đi những lối nhỏ xuyên rừng. Đường xấu, nhiều đoạn xe máy cũng chẳng thể di chuyển được nên người dân đa phần đi bộ. Do đó, khi gia đình có việc gì cấp thiết mới đưa nhau xuống xã Trà Vinh, còn lại bà con quanh năm trên nương rẫy”, ông Bốn chia sẻ.

Ông Bốn nói rằng, vùng đất này trước kia được gọi là thôn Đăk Rõ, bởi có dòng suối Rõ. Nơi đây là ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Ấy vậy mà, trong quá trình đo đạc đã xảy ra sai sót nên dẫn đến việc đường địa giới hành chính không trùng khớp với thực tế quản lý…

“Hộ khẩu ở một tỉnh, đất sinh sống và canh tác lại thuộc tỉnh khác nên chúng tôi chẳng thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng hoặc chuyển nhượng… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của gia đình. Trong khi đó, chúng tôi không thể bỏ đến nơi khác định cư vì đã gắn bó với nơi này hàng chục năm qua”, ông Bốn tâm sự.

Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Bốn đã sống ở vùng giáp ranh Kon Tum - Quảng Nam.

Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Bốn đã sống ở vùng giáp ranh Kon Tum - Quảng Nam.

Bao giờ an cư?

Hàng chục năm trước, ông bà, cha mẹ của ông Hồ Văn Vân (43 tuổi) hành trang lên mảnh đất này sinh sống.

Từ những ngày đường sá chưa có, đến nay cơ sở hạ tầng đã được đầu tư một phần nên xe cộ có thể di chuyển.

Hiện tại, điện chẳng có nên những hộ dân nơi đây phải tự tạo ra nguồn năng lượng từ các tua bin nước nhỏ lắp dưới dòng chảy của suối.

Ông Vân nói rằng, nhà ông có vài khu rẫy để trồng mì và quế, mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, đường xấu nên việc đầu tư, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Không những thế, đường đến trường của con ông và lũ trẻ trong làng vẫn còn lắm chông chênh.

“Trước kia, đường xấu nên người con đầu cố gắng lắm mới học được hết lớp 9 rồi nghỉ. Giờ đây, đường sá được quan tâm, sửa chữa nên 2 người con của tôi mới có thể đến trường.

Tuy nhiên là từ lớp 3 - 9 các con phải xuống xã Trà Vinh, cách nhà hơn 10km để học. Còn lên đến cấp THPT phải xuống trung tâm huyện Nam Trà My xa hơn 20km… vì vậy mà đường đến trường của con em vùng này vẫn còn lắm gian nan”, ông Vân tâm sự.

Việc chồng lấn địa giới hành chính ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Hồ Văn Vân.

Việc chồng lấn địa giới hành chính ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Hồ Văn Vân.

Ông Vân cho hay, chặng đường này còn gần hơn rất nhiều so với việc đi đến huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum. Bởi khoảng cách từ nơi bà con sinh sống đến trung tâm huyện là hơn 80km.

Chính vì vậy, ông Vân mong muốn vẫn được mang hộ khẩu và sinh sống trên mảnh đất Quảng Nam.

“Từ nhiều đời qua, cha ông tôi là người dân của tỉnh Quảng Nam. Do đó, tôi mong rằng mình vẫn tiếp tục là người của tỉnh Quảng Nam như những thế hệ đi trước bởi vì phong tục tập quán giữa 2 tỉnh là khác nhau. Hy vọng rằng, địa giới hành chính sẽ sớm được thống nhất để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”, ông Vân nói.

Tương tự, ông Hồ Văn Cường (42 tuổi) mấy năm qua cũng chật vật khi không được cấp sổ đỏ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và lo cho các con ăn học.

Nhiều năm trước, ông Cường cũng theo cha mẹ lên mảnh đất này khai hoang và trồng quế để nuôi sống gia đình. Thế nhưng, cuộc sống bấp bênh, chẳng thể vay vốn phát triển kinh tế nên gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho hay, khu vực giáp ranh là nơi sinh sống của 234 hộ dân với 1.034 nhân khẩu.

Theo ông Hải, hiện tại xã quản lý về đất đai và các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên về con người thì thuộc xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Chính vì vậy, gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, theo dõi về tình hình an ninh trật tự.

“Hiện tại, xã Đăk Nên có diện tích khoảng 11.000ha, nếu phải nhường 6.000ha mà người dân vùng giáp ranh đang sinh sống, canh tác cho tỉnh Quảng Nam thì địa phương không còn đủ đất cho bà con sản xuất”, ông Hải nói.

Về vấn đề này, những năm qua 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Vụ việc đã được báo cáo Bộ Nội vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh tại thôn 3 (xã Trà Vinh) với xã Đăk Nên.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, quan điểm của tỉnh là sớm có phương án thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nếu người dân thôn 3 (xã Trà Vinh) đồng ý về xã Đăk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Còn việc điều chỉnh địa giới hành chính, cơ quan chức năng 2 tỉnh đang khảo sát thực tế về đất đai và nguyện vọng của người dân để có hướng đề xuất, phân chia hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vữa xây tường lều tang lễ của Quốc vương Ghezo được trộn bằng dầu đỏ, máu người và máu động vật. Ảnh: Ancient-origins.net

'Cung điện máu' Abomey

GD&TĐ - Thời phong kiến, Bénin có tên là Vương quốc Dahomey, được thành lập vào khoảng năm 1600 và phát triển mạnh nhờ vào buôn bán nô lệ.

Minh họa/INT

Mariah Carey: 'Sau ánh hào quang'

GD&TĐ - Nữ diva từng trải qua tuổi thơ khó khăn. Khi nổi tiếng, cô từng bị chồng kiểm soát tiền bạc, kìm kẹp cuộc sống riêng.