Dân làng chài Sê San ở Kon Tum đã… an cư

GD&TĐ - Nhiều người dân từ nơi khác tới làng chài Sê San ở Kon Tum đã dần an cư, lạc nghiệp, con cái được tới trường.

Làng chài Sê San bình yên, thơ mộng.
Làng chài Sê San bình yên, thơ mộng.

Chiều buông, in bóng xuống lòng hồ mênh mông, làng chài Sê San (xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) mang nét đẹp bình yên, thơ mộng trên cao nguyên đại ngàn. Bố mẹ an cư đã mở ra cánh cửa đến trường cho những đứa trẻ làng chài.

An cư, lập nghiệp

Anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi), nước da rám nắng chạy chiếc thuyền có đủ mái che, chỗ ngồi và áo phao cập bến đón du khách. Rời bến thuyền khoảng 10 phút, làng chài Sê San hiện lên huyền ảo với những nhà bè nổi mang bóng dáng miền sông nước Nam Bộ.

Gắn bó với lòng hồ Sê San chỉ mới một năm nay, mỗi ngày anh Minh đi thả lưới bắt cá. Những khi có khách du lịch, anh Minh lại phụ trách chạy thuyền đón đoàn từ bờ lên nhà nổi.

Anh Minh kể, trước kia cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng bôn ba khắp nơi để làm thuê. Chẳng có công việc cố định, nên mỗi khi đi đâu vợ chồng lại dắt díu theo hai người con. Do đó, các con của anh đều nghỉ học sớm, phụ cha mẹ làm thuê trang trải cuộc sống.

“Những năm trước, ở An Giang mưa lũ thường xuyên nên nhà tôi chẳng năm nào là không bị thiệt hại. Đến vùng đất mới, tôi thấy thời tiết không quá khắc nghiệt, chẳng còn lo bão lũ về nên mong ổn định cuộc sống. Vợ chồng tôi dự định tích góp, vay mượn thêm để mua chiếc thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách”, anh Minh nói.

Ngoài công việc thả lưới bắt cá, anh Nguyễn Văn Minh phụ trách chạy thuyền đón du khách lên nhà nổi.

Ngoài công việc thả lưới bắt cá, anh Nguyễn Văn Minh phụ trách chạy thuyền đón du khách lên nhà nổi.

Cũng vì miếng cơm manh áo, năm 2010, vợ chồng chị Hà Thị Diễm Bé (41 tuổi) mang theo hành lý là vài bộ quần áo lên huyện biên giới Ia H’Drai sinh sống. Những ngày đầu, chẳng đăng kí tạm trú tạm vắng nên cả nhà cứ chạy đi chạy lại hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Sau một thời gian, chính quyền huyện Ia H’Drai đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp gia chị đình an cư, lập nghiệp.

“Ở miền Tây gia đình chẳng có đất ruộng nên chỉ đánh cá mùa nước nổi, còn mùa khô đi làm thuê được 100.000 đồng/ngày. Với số tiền ít ỏi ấy chẳng đủ lo cho 4 miệng ăn. May mắn khi lên Kon Tum các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp đất, xây nhà.

Giờ đây vợ chồng mình mở dịch vụ tham quan, ăn uống… nên cuộc sống mới bớt vất vả. Nếu trước kia gia đình tiếp tục bám trụ lại quê nhà chắc vẫn cơ cực, con cái cũng chẳng được đi học. Giờ mình chỉ mong điện được kéo ra làng chài để bà con ổn định, phát triển du lịch”, chị Diễm Bé nói.

Chị Hà Thị Diễm Bé bắt cá dưới nhà nổi để tiếp đón du khách.

Chị Hà Thị Diễm Bé bắt cá dưới nhà nổi để tiếp đón du khách.

Ông chủ miền sông nước

Nhận cuộc điện thoại từ nhóm khách ở tỉnh Gia Lai, anh Nguyễn Thành Nhân (SN 1982), xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tận tình chỉ đường, gửi định vị khu làng chài của mình để du khách vào tham quan, thưởng thức ẩm thực.

“Nhóm khách ở Gia Lai mới được bạn bè giới thiệu nên gọi điện cho tôi để đặt chỗ và một vài món ăn. Chắc khoảng 30 phút nữa là họ đến, tôi sẽ chạy ra bến thuyền để đưa khách vào tham quan, thưởng thức ẩm thực và nghỉ lại qua đêm, nếu muốn”, anh Nhân cho hay.

Trải qua cuộc sống khốn khó ở tỉnh An Giang với bữa no, ngày đói, năm 2011 gia đình 4 người quyết định lên huyện biên giới Ia H’Drai lập nghiệp. Quen sinh sống trên sông nước nên anh Nhân làm nhà nổi ở lòng hồ Sê San để đánh bắt, nuôi thuỷ hải sản.

Anh Nguyễn Thành Nhân nhận điện thoại từ đoàn du khách đặt thuyền tham quan.

Anh Nguyễn Thành Nhân nhận điện thoại từ đoàn du khách đặt thuyền tham quan.

Mỗi lần khách ghé thăm thường đề nghị thưởng thức một vài món ẩm thực đặc trưng. Thế rồi, nhà có gì hai vợ chồng anh Nhân lại vào bếp chế biến. Lâu dần, khách đến nhiều hơn nên mọi người gợi ý gia đình mở quán ăn, nâng cấp nhà thành điểm đến du lịch.

“Ban đầu, nhà mình chẳng nghĩ sẽ kinh doanh nên khách yêu cầu gì thì làm đó, nhiều hôm tính toán xong bị lỗ vì chỉ ước chừng. Lâu dần, thấy mọi người thích thú dịch vụ này nên mình mở rộng các gian nhà để đón du khách. Hiện nay, mình chủ yếu làm dịch vụ đưa, đón tham quan lòng hồ Sê San, thác Mơ và phục vụ các món ẩm thực”, anh Nhân nói.

Theo anh Nhân, mỗi tháng gia đình đón khoảng 100 - 200 lượt khách, những đợt cao điểm lên đến 300 - 400 lượt khách tham quan. Sau nhiều năm gắn bó, đến nay gia đình anh đã có 4 nhà nổi, có thể tiếp đón tổng cộng 200 khách/lần.

Bánh tráng cá cơm là món đặc sản ở làng chài Sê San.

Bánh tráng cá cơm là món đặc sản ở làng chài Sê San.

Người dân mưu sinh trên lòng hồ Sê San.

Người dân mưu sinh trên lòng hồ Sê San.

Thời gian tới gia đình anh Nhân dự định mua thêm thuyền hơi, phao để du khách có thể trải nghiệm ăn uống quanh lòng hồ thuỷ điện Sê San. Gia đình cũng sẽ đầu tư thêm 3 phòng lưu trú đầy đủ tiện nghi để du khách được nghỉ ngơi, trải nghiệm khi ở lại qua đêm.

“Nhờ lên vùng đất Ia H’Drai nên cuộc sống gia đình mới đổi thay. Đặc biệt hai người con của mình có điều kiện tiếp tục được đến trường học chữ. Hiện con gái đầu đang là sinh viên năm 2, còn con út đang học lớp 12. Trước kia nếu gia đình cứ bám víu ở quê nhà chắc con cái đã thất học và vợ chồng cũng chẳng thành ông, bà chủ như bây giờ”, anh Nhân cười nói.

Điểm đến du lịch

Du khách đến tham quan làng chài Sê San.

Du khách đến tham quan làng chài Sê San.

Lòng hồ thủy điện Sê San 4 có diện tích mặt nước hơn 5.100ha, trải dài khoảng 30km.

Đây là khu vực có mặt nước ổn định, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào với nhiều loại cá đặc sản. Xung quanh còn có các suối, thác đổ về lòng hồ thủy điện tạo nên hệ sinh thái nước ngọt đa dạng với nhiều đảo lớn, nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, địa phương đã triển khai quy hoạch khu dân cư làng chài Sê San, kéo điện lưới, xây dựng bến tàu, quy hoạch vườn cây ăn trái, trồng hoa để tạo cảnh quan. Chính quyền cũng hướng dẫn các hộ dân đón tiếp, phục vụ khách du lịch đảm bảo an toàn, vệ sinh, chu đáo và thân thiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, người dân làng chài Sê San chủ yếu quê ở miền Tây Nam Bộ.

Trước năm 2012 người dân làng chài sống lênh đênh trên mặt nước lòng hồ Sê San, không đăng ký hộ khẩu tạm trú, thường trú. Do đó, mỗi lần lực lượng chức năng kiểm tra hành chính người dân phải chạy qua khu vực lòng hồ phía Kon Tum và ngược lại.

Từ năm học 2012, khi các trường trên địa bàn được thành lập, học sinh được tiếp nhận về học tập. Kể từ đó người dân phần nào yên tâm lao động sản xuất và có hướng muốn về tỉnh Kon Tum an cư lạc nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ