Hồi ức của dũng sĩ tham gia bắn rơi 6 máy bay

GD&TĐ - Chàng thanh niên Nguyễn Đình Duyên (Quỳ Hợp, Nghệ An) xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách.

Dù trong thời chiến hay thời bình, ông Duyên đều là con người mẫu mực, có trách nhiệm.
Dù trong thời chiến hay thời bình, ông Duyên đều là con người mẫu mực, có trách nhiệm.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chàng thanh niên Nguyễn Đình Duyên (Quỳ Hợp, Nghệ An) đã xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội lập nhiều chiến công hiển hách.

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Ông Nguyễn Đình Duyên (SN 1948, trú bản Hốc, xã Châu Đình) sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Châu Đình (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Đầu năm 1968, khi vừa bước sang học kỳ II của lớp 7, ông viết đơn xung phong nhập ngũ.

Sau 2 tháng huấn luyện cấp tốc tại Đoàn 22, Quân khu IV, ông Duyên được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 16, thuộc Sư đoàn 320. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Tiểu đoàn 16 của ông Duyên tham gia giai đoạn 2 của “Chiến dịch Mậu Thân”, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong khoảng thời gian này, khẩu súng máy 12,7mm giúp ông Duyên liên tiếp lập nhiều chiến công.

Ngắm những kỷ vật, cựu chiến binh Nguyễn Đình Duyên nhớ lại, năm 1968, đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ bám cao điểm 425 (phía Tây tỉnh Quảng Trị) tập kích quân địch đổ bộ bằng trực thăng. Là xạ thủ số 1 súng máy 12,7mm, khi hàng tá máy bay của địch sà xuống đồi, ông Duyên cùng đồng đội đồng loạt nhắm bắn, xả đạn liên tục.

Bị tập kích bất ngờ, quân địch không kịp trở tay, nhiều máy bay “ăn đạn”, bốc cháy dữ dội. Tổn thất nghiêm trọng, địch quyết định nã pháo vào cao điểm 425 nhằm tiêu diệt tổ đội súng máy của quân ta.

“Khi bị tập kích pháo, chúng tôi chỉ biết nằm im, nhưng vẫn giữ lấy khẩu 12,7mm sẵn sàng nã đạn nếu địch tiến tới. Tận dụng vài phút pháo ngừng bắn, chúng tôi ôm súng lúc này đang nóng bỏng tay rút khỏi trận địa. Khẩu súng nặng hơn 10kg cộng với bệ đỡ nặng chừng 35kg. Dù nặng nhưng chúng tôi vẫn vác chạy qua 2 - 3 ngọn đồi mà không biết mệt”, ông Duyên hào hứng kể lại.

Theo lời ông Duyên, sau trận đánh, ông cùng khẩu đội bắn rơi tại chỗ 6 máy bay trực thăng của địch. Không lâu sau đó, từ trận đánh ấy, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay” và “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Hai trong số 5 người con của ông Duyên bị nhiễm chất độc màu da cam từ cha.

Hai trong số 5 người con của ông Duyên bị nhiễm chất độc màu da cam từ cha.

Bạc vai áo trận

Không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước, tay súng cừ khôi Nguyễn Đình Duyên còn vào sinh ra tử, tham gia nhiều trận đánh quan trọng, ác liệt khác nữa. Tiêu biểu là năm 1971, ông tham gia “Chiến dịch đường 9 - Nam Lào”, cùng Tiểu đoàn 16 nhận nhiệm vụ chốt cầu Cha Ki, tỉnh Savannakhet, Lào.

Tháng 11/1971, Sư đoàn 320 vào chiến trường Tây Nguyên và sau đó tham gia chiến dịch “Chiến trường rực lửa” và giải phóng nhiều địa bàn rộng lớn. Đến năm 1973, ông Duyên được điều động về công tác tại Phòng Chính trị thuộc Sư đoàn 320, sau đó tiếp tục tham gia “Chiến dịch mùa xuân 1975”.

Trong chiến dịch này, đơn vị của ông Duyên tham gia chiến đấu đánh vào căn cứ Đồng Dù, căn cứ của Trung đoàn dù 25 của Ngụy. Tối 28/4/1975, Sư đoàn 320 vào chiếm lĩnh trận địa, theo kế hoạch, 4 giờ sáng ngày 29/4 thì nổ súng, đến 8 giờ phải làm chủ toàn bộ căn cứ Đồng Dù.

“Lúc này, lực lượng của địch đông, mạnh và kháng cự rất quyết liệt, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trận đánh giằng co, đến khi quân ta tấn công quyết liệt thì quân địch hoang mang. Một số ra đầu hàng, còn một số bỏ chạy. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, chúng tôi làm chủ được căn cứ Đồng Dù, sau đó tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn”, ông Duyên kể lại.

Sau giải phóng, chiến sĩ Nguyễn Đình Duyên cấp tốc quay lại Tây Nguyên cùng đồng đội tham gia trận đánh lực lượng FULRO. Đầu năm 1978, Sư đoàn 320 của ông tiếp tục vào chiến trường Tây Ninh đánh quân Pol Pot. Đến cuối năm 1978, ông cùng đồng đội tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, Campuchia khỏi nạn diệt chủng.

Vượt qua nỗi đau chiến tranh

Năm 1989, sau khi quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia trở về nước, ông Duyên cũng xin xuất ngũ. Thời điểm này, ông mang quân hàm trung tá.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Duyên có 5 người con. Những năm tháng “xa nhà đi chiến đấu” để lại trong ông di chứng chất độc da cam. Hai trong số 5 người con của ông bị nhiễm chất độc từ bố.

Người con trai đầu sinh năm 1979 bị cong 1 cánh tay, con trai thứ 2 sinh năm 1984 bại liệt tứ chi, không thể đi được. Vượt lên nỗi đau chiến tranh, ông Duyên cùng vợ gánh vác việc gia đình, nuôi các con ăn học khôn lớn.

Trong những năm sống tại quê hương, ông vẫn luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, không ngừng tham gia các tổ chức hội tại địa phương và được nhân dân tin tưởng, bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông tham gia nhiều vị trí công tác xã hội như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Châu Đình, Bí thư, Xóm trưởng xóm Hốc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Hợp liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Từ năm 2012 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quỳ Hợp.

Ở cương vị nào ông Duyên đều là người sống mẫu mực, nhiệt huyết, chan hòa và không ngừng học hỏi.

Với nhiều cống hiến trong thời chiến và thời bình, cựu chiến binh Nguyễn Đình Duyên vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng 2 trong quá trình tham gia tình nguyện tại Campuchia, 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 1 Huân chương Kháng chiến hạng 2 và 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Ông Đặng Thế Quế, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Hợp, cho biết, ông Duyên là một cựu chiến binh kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, luôn nêu gương, phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ trong đời thường.

“Trong kháng chiến, đồng chí Duyên đã lập được nhiều chiến công, được tặng thưởng 13 huân chương, huy chương các loại, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong thời bình, đồng chí luôn tiên phong trong các hoạt động tại địa phương, gần gũi, giúp đỡ mọi người. Đồng chí là người đã tích cực hiến đất, tài sản để xây dựng nông thôn mới. Đây là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ học tập và noi theo”, ông Quế nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đặt Vé máy bay giá rẻ tại BestPrice.vn