Hồi ức của “thầy giáo U90” về ngày tiếp quản Thủ đô

GD&TĐ - 65 năm trôi qua, những ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhà giáo Nguyễn Đức Thuần. Kỷ niệm, câu chuyện của nhà giáo như những minh chứng sống động để chúng ta hiểu hơn về GD Thủ đô trong những ngày sau giải phóng.

Các GV tiếp quản Trường Chu Văn An năm học 1954 – 1955. 	Ảnh: Nhân vật cung cấp
Các GV tiếp quản Trường Chu Văn An năm học 1954 – 1955. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tự hào tiến về Thủ đô

Sau giải phóng, nhà giáo Nguyễn Đức Thuần là GV các trường: Chu Văn An, Trưng Vương. Ông từng phụ trách ngành GD chuyên nghiệp Thủ đô những năm 1964 – 1969. Trong những ngày mùa Thu lịch sử, ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô lại ùa về trong ông, vẹn nguyên và tươi mới như ngày nào.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thuần kể lại: Sau năm 1954, ông từ Khu học xá Trung ương về tham gia cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên nhưng giữa chừng thì được lệnh tập trung học tập để về tiếp quản vùng mới giải phóng. Sau một tháng học tập tình hình chung và các yêu cầu nhiệm vụ tiếp quản, ông được phân công vào đội hành chính vào Hà thành trước khi quân Pháp rút lui. Ngày 2/10/1954, ông cùng các đồng đội, đồng nghiệp vào thành phố qua cầu Long Biên bằng xe của lính Pháp lái, có Ủy ban Giám sát quốc tế đi cùng.

“Xe chúng tôi đến xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn làm giấy thông hành. Chờ mãi đến hơn 4 giờ chiều, thủ tục hành chính mới hoàn tất. Cảm giác đầu tiên là vinh dự vì được thay mặt đoàn quân chiến thắng tiến vào Thủ đô làm nhiệm vụ chuẩn bị để ngày 10/10/1954 chính thức bàn giao Thủ đô cho Chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi đi đến đâu cũng được hoan nghênh chờ đón. Ngay cả khi đi qua các đồn bốt, lính Pháp cũng hoan nghênh. Còn nhân dân Thủ đô thì reo hò và nhấn mạnh “các anh mau mau mà về giữ trật tự cho dân yên ổn làm ăn” – nhà giáo Nguyễn Đức Thuần nhớ lại và cho biết: Sau này ông mới hay tin, phía Pháp không muốn đoàn ta vào thành phố ban ngày nên cố tình làm chậm các thủ tục hành chính.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thuần kể tiếp: Các ông nhận nhiệm vụ, rồi chia nhau đi các trường lập biên bản hiện trạng khi bàn giao. Ông được nhận nhiệm vụ đi cùng một sĩ quan Pháp đến các trường ở phía Bắc. Lúc đó là Trường Nguyễn Công Trứ ở phố Hàng Than, Trường Đỗ Hữu Vị ở Cửa Bắc và Trường Mạc Đĩnh Chi.

Đến đâu ông cũng được lãnh đạo nhà trường tiếp đón và báo cáo tình hình tài sản, cơ sở vật chất, đội ngũ GV còn ở lại. Tất cả được ghi thành biên bản để báo cáo lên cấp trên và hướng dẫn chờ đón đoàn quân trở về tiếp quản rồi chuẩn bị khai giảng năm học mới. Mọi việc đều hoàn tất đúng thời hạn, xong trong ngày 9/10/1954. Đêm 9/10/1954, ông được phân công tham gia hỗ trợ bảo vệ Cơ sở Bảo tồn Bảo tàng ở phố Cao Bá quát.

Thi đua dạy tốt – học tốt

Nhà giáo Nguyễn Đức Thuần thời trẻ.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà giáo Nguyễn Đức Thuần bồi hồi nhớ lại: “Tôi trở về từ vùng kháng chiến, tham gia cải cách ruộng đất và được trở lại làm nghề giáo. Trong suốt những năm tháng đứng lớp, tôi thấy mình thật may mắn và tự hào khi được đứng trên bục giảng của hai ngôi trường nổi danh đất Hà thành: Chu Văn An và Trưng Vương.

Ấn tượng đầu tiên với tôi trong suốt những năm công tác ở Trường Chu Văn An là được gặp Bác Hồ. Dù bận trăm công nghìn việc, chiều 18/12/1954, Bác vẫn đến thăm trường. Bác vào trường theo cổng phụ; thăm nhà vệ sinh, nhà ăn tập thể trước rồi mới dự lớp học và nói chuyện với thầy, trò. Những điều Bác nói luôn được thầy trò Trường Chu Văn An khắc sâu, ghi nhớ mãi: Nước ta đã được độc lập, học bây giờ khác trước, học không phải để đi làm quan, học để làm tốt mọi việc mà Tổ quốc cần, ở bất cứ nơi nào...

Thầy trò chúng tôi sôi nổi bàn về mục đích, động cơ học tập, khắc sâu lời dạy của Người. Có HS học xong đã xung phong lên miền núi dạy học; có người xung phong đi bán báo Đảng mà lúc đó đang rất cần; nhiều người ngoài giờ học đã xung phong đi dạy xóa nạn mù chữ, dạy bổ túc văn hóa cho nhân dân khu lao động”.

Năm học 1956 - 1957, nhà giáo Nguyễn Đức Thuần được điều chuyển từ Trường Chu Văn An về dạy ở Trường Trưng Vương và gắn bó đến năm 1959. “Tôi có may mắn được kết nạp vào Đảng đợt đầu tiên của trường. Điều đó đã thúc đẩy tôi rèn luyện. Cuối năm học, tôi được bầu là chiến sĩ thi đua và được công nhận là đảng viên xuất sắc” – nhà giáo Nguyễn Đức Thuần tự hào nói.

Trong phong trào thi đua xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, tổ bộ môn Sinh - Hoá của nhà giáo Nguyễn Đức Thuần đã làm được nhiều việc đáng kể. Các thầy, cô đã xây dựng được vườn trường thực hành bộ môn Sinh học trong điều kiện diện tích đất rất hạn hẹp. Tổ chức cho GV dạy thí điểm thành công bài học ngay tại vườn thực hành. Ngoài ra, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá bộ môn Sinh học ngoài trời, góp phần GD hướng nghiệp rất tự nhiên. Tổ chức thực hành bộ môn Hoá kết hợp lao động sản xuất như: Làm bông nhân tạo từ rơm, đúc nồi nhôm, thìa nhôm thủ công tận dụng các đồ nhôm cũ hỏng thu gom lại...

Nhiều hoạt động GD, thực hành lao động có hiệu quả và được Bác Hồ khen ngợi, động viên khi đến thăm trường. “Tôi nhớ mình được phân công chuẩn bị tặng phẩm biếu Bác. Tôi chọn một bàn thấm do xưởng mộc của nhà trường làm ra và một nồi nhôm do thầy trò đúc. Bác nhận, Bác khen và hỏi đã làm được bao nhiêu cái nồi nhôm? Khi nghe trả lời được 42 nồi, Bác trả lại và nói: Bao giờ nhà trường thực hành sản xuất ra 420 cái nồi thì Bác nhận. Thoảng cảm thấy buồn nhưng lại hiểu ngay điều Bác mong là: Học tập phải kết hợp với lao động sản xuất, làm ra được càng nhiều hàng hoá cho xã hội càng tốt” – nhà giáo Nguyễn Đức Thuần xúc động kể lại.

Là GV Thủ đô từ thời kỳ tiếp quản Thủ đô 10/10/1954, đã qua công tác tại nhiều trường khác nhau, qua nhiều thời kỳ, nay đã thuộc diện “U90” nhưng lúc nào nhà giáo Nguyễn Đức Thuần cũng đau đáu về sự nghiệp GD –ĐT của Thủ đô nói riêng và của nước nhà nói chung. Ông luôn mong muốn ngành GD sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về mục tiêu dạy người kết hợp với dạy chữ. Cần GD cho thế hệ trẻ để khi lớn lên các em biết lấy tự học là chính và có khả năng tự học để vươn lên trong cuộc sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.