Vẹn nguyên hồi ức ngày thống nhất

GD&TĐ - Đã 46 năm trôi qua nhưng hồi ức về tiếp quản trường học tại Sài Gòn - TPHCM sau ngày đất nước thống nhất vẫn còn in đậm trong tâm trí của những nhà giáo tham gia các ban tiếp quản.

Lối vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khi mới tiếp quản sau ngày 30/4/1975.
Lối vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khi mới tiếp quản sau ngày 30/4/1975.

Sự biến đổi kỳ diệu

Bước sang tuổi 100 nhưng nhà giáo Trần Hữu Khối (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp IV, nay là Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) vẫn nhớ khoảng thời gian đầu tiếp quản Trường ĐH Nông Lâm Súc Sài Gòn (nay là Trường ĐH Nông Lâm TPHCM).

“Ngày 2/5/1975, Tổng cục Nông nghiệp miền Nam Việt Nam tổ chức ban điều hành quân quản, lần lượt gồm các đồng chí Trương Công Tín, Điền Văn Hưng, Tống Đức Khang, Lê Ngọc Điệp, Trần Như Nguyện, với nhiệm vụ tiếp quản Trường ĐH Nông Lâm Súc Sài Gòn. Buổi sáng hôm đó, công nhân viên chức của trường, dưới sự lãnh đạo của Khoa trưởng Lê Văn Ký, tập trung trước văn phòng để đón tiếp Ban điều hành quân quản. Công việc bàn giao được thực hiện nhanh gọn, đem lại kết quả như mong muốn, nhờ hai bên đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước.

Ngày hôm sau (3/5/1975), bộ máy tổ chức trường đã làm việc bình thường” - nhà giáo Trần Hữu Khối nhớ lại.

Theo nhà giáo Trần Hữu Khối, kết thúc công tác tiếp quản, Ban điều hành đã thực hiện thắng lợi 3 công tác chủ yếu là: Tiếp nhận cơ sở vật chất kỹ thuật, biên chế công nhân viên chức, sinh viên.

Nhà giáo Trần Hữu Khối (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) tại tư gia. Ảnh: C.Chương
Nhà giáo Trần Hữu Khối (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) tại tư gia. Ảnh: C.Chương

Thời điểm tháng 5/1975, Trường ĐH Nông Lâm Súc Sài Gòn chưa hoàn toàn định hình mà đang trong quá trình phát triển nên cơ sở vật chất kỹ thuật rất nghèo nàn. Trường có hai cơ sở nằm cách xa nhau: Cơ sở 1 tại 45 Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) trang thiết bị không có gì đáng kể. Cơ sở 2 ở Thủ Đức có nông trại và những công trình đang xây dựng dở dang.

Sinh viên Nông Lâm Súc lúc bấy giờ có 2 khối: Trường công và trường tư. Khối trường công có khoảng 900 SV Trường ĐH Nông Lâm Súc. Khối trường tư có khoảng 1.000 SV của các ĐH La-xan, Minh Đức, Cao Đài, Hòa Hảo. Những SV được tiếp nhận đều tham gia đợt sinh hoạt chính trị để có những kiến thức cơ bản về cách mạng, nội dung, phương thức đào tạo của trường ĐH cách mạng.

Sau đó, SV nào đã hoàn thành chương trình đào tạo đều được học thêm các môn Triết học, Kinh tế, Chính trị và được tổ chức thi tốt nghiệp ra trường. SV nào đang học dở dang thì học thêm phần còn lại của chương trình đào tạo mới. Năm 1976, trường tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên sau giải phóng.

Vũ khí là một cây AK

Nhà giáo Đinh Xuân Lộc (hiện 87 tuổi) là một trong những người đầu tiên về tiếp quản Trường ĐH Giáo dục Thủ Đức (nay là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông từng giữ chức Trưởng khoa Khoa học cơ bản và cũng là người gắn bó, chứng kiến từng giai đoạn chuyển mình đi lên của ngôi trường này.

“Đoàn tiếp quản về trường ngày 2/5/1975, gồm năm thành viên do thầy Tạ Quang Niệm làm trưởng đoàn. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy khi đoàn tiếp quản về, các thầy cô giáo trong trường đã đón đoàn tại phòng A.110. Giải phóng, đất nước được độc lập, tất nhiên ai cũng vui mừng. Nhưng các thầy cô còn lại ở trường vẫn có không ít hoang mang, lo ngại. Đoàn tiếp quản đã giải thích ý nghĩa của Ngày Giải phóng miền Nam, một ngày trọng đại của dân tộc.

Nhà giáo Đinh Xuân Lộc trong một dịp về thăm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: C.Chương
Nhà giáo Đinh Xuân Lộc trong một dịp về thăm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: C.Chương

Nhiệm vụ rất lớn của các thành viên trong đoàn tiếp quản ngày ấy là phải làm sao cho các thầy cô giáo yên tâm công tác. Ký túc xá trường lúc đó chỉ là khu chữ H (khu phòng học B bây giờ). Lúc đó có khoảng 20 sinh viên còn ở lại. Sau khi gặp gỡ, giải thích ý nghĩa ngày giải phóng, các thầy cô đã thành lập đội tự vệ của trường là những sinh viên do anh Năm Trường làm đội trưởng. “Mặc dù khi vào tiếp quản trường, vũ khí duy nhất mà chúng tôi mang theo chỉ là một cây súng AK, nhưng đoàn đã rất tin tưởng và giao hẳn cho các em sinh viên” - nhà giáo Đinh Xuân Lộc kể lại.

Những ngày đầu sau giải phóng, khó khăn là điều không tránh khỏi. Theo lời nhà giáo Đinh Xuân Lộc, khi đoàn tiếp quản về, gặp rất nhiều súng ống đạn dược nằm rải rác khắp trường. Các thầy cô và sinh viên phải dọn dẹp, thu lượm để chở ra cho huyện đội Thủ Đức. Không may, trong một lần đẩy xe đạn đến huyện đội, chiếc xe bị xóc làm một quả lựu đạn phát nổ và một em sinh viên đã bị thương. “Đó là một kỷ niệm rất buồn, đánh dấu một giai đoạn vô cùng khó khăn của lịch sử, sau chiến tranh nhưng nguy hiểm vẫn luôn đe dọa con người…” - thầy Lộc chia sẻ.

Theo nhà giáo Đinh Xuân Lộc, các thầy cô cũ của trường và thầy cô trong Ban Quân quản hòa hợp với nhau rất nhanh, tuy vẫn còn một số vướng mắc trong vấn đề ý thức tư tưởng. “Trong một dịp ngồi nói chuyện với thầy cô cũ của trường bằng tiếng Pháp. Các thầy cô rất hoang mang và lo lắng về chuyện những người mới tiếp quản trường đánh giặc có thể giỏi, nhưng liệu có quản lý giáo dục được hay không? Tôi đã hiểu được, và vui vẻ trả lời bằng tiếng Pháp rằng: Các thầy cô tin tưởng chúng tôi đánh giặc giỏi là tốt rồi, còn chuyện quản lý giáo dục sau này khi công tác để đưa trường này đi lên, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn”.

Nhà giáo Đinh Xuân Lộc chia sẻ ông rất vui khi sau 46 năm, quy mô trường phát triển ngày một mạnh hơn. “Hồi ấy, trường chúng tôi là Đại học Giáo dục nên số khoa rất ít và số sinh viên ở mỗi khoa cũng không nhiều. Quy mô giảng dạy lúc ấy cũng hạn hẹp, hầu hết là đào tạo cho thầy cô đang trực tiếp giảng dạy ở các trường. Sau này trường sáp nhập thêm Trường Trung học Việt Đức và Trường Sư phạm V thành Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lớn mạnh như ngày nay. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dần trở thành trường đại học có quy mô lớn trong khu vực…”, ông chia sẻ.

Điểm thuận lợi là Khoa trưởng Lê Văn Ký và hầu hết giáo sư, giảng sư, giảng nghiệm viên cơ hữu đều hợp tác chặt chẽ với chế độ mới, tích cực góp công khôi phục và đẩy mạnh công tác của nhà trường. Nhiều cán bộ cao cấp, giáo sư, giảng sư nổi tiếng hoạt động có hiệu quả với chất lượng cao cho đến lúc về hưu hoặc từ trần…  - Nhà giáo Trần Hữu Khối

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ