Dự lễ khai mạc có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ; GS.TSKH Bùi Văn Ga -Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thi.
Hội thi của đổi mới
Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Trong những năm qua, công tác tổ chức thi giảng viên giỏi môn GDQPAN các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh sinh viên được lãnh đạo BGDĐT, Bộ Quốc phòng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đánh giá chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên GDQPAN, qua đó từng bước đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy GDQPAN trong các cơ sở GDQPAN sinh viên, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt môn học GDQPAN trong các nhà trường.
Công tác chỉ đạo, tổ chức Hội thi, Ban Chỉ đạo và Hội đồng thi giảng viên giỏi môn GDQPAN các trường đại học, cao đẳng toàn quốc lần thứ IV năm 2014 có nhiều đổi mới như:
- Nếu trước kia các Hội thi giảng viên giỏi toàn quốc đều tổ chức tại các Học viện, trường sỹ quan, thì lần này là lần đầu tiên tổ chức Hội thi giảng viên giỏi cấp đại học toàn quốc tại Trường Quân sự thành phố Cần Thơ. Nhưng độ chính quy, mẫu mực được thí sinh và đại biểu xác nhận là không thua kém và có những mặt tổ chức tốt hơn.
- Chấm điểm công khai các bài giảng lý thuyết, thực hành, ấn định kết quả sau khi nhận xét phân tích của Ban giám khảo, có sự thống nhất của thí sinh sau nhận xét và không hạn chế thí sinh tham khảo trong quá trình tổ chức thi tại các tiểu ban thi để học hỏi rút kinh nghiệm về phương pháp.
- Điểm hiểu biết được ba tiểu ban chấm độc lập trên cơ sở bài thi trắc nghiệm của thí sinh, do đó kết quả công khai trung thực, phản ánh đúng thực chất nhận thức, đây là điều kiện đầu tiên, vì thí sinh phải đủ điểm nhận thức cơ bản thì mới tính đến thành tích khác.
- Giảng dạy thực hành, kỹ năng của người thầy GDQPAN là điểm ưu tiên tuyệt đối, để chống giảng chay, nặng lý thuyết, yếu thực hành. Hội thi đã chọn giám khảo có thực tế nhiều năm trong học viện, nhà trường quân đội, có kỹ năng thực hành tốt để chấm thực hành, thực hành chiến thuật, điều lệnh, bắn súng là phẩm chất cơ bản của giảng viên GDQPAN được coi trọng hàng đầu trong Hội thi.
Kết quả tích cực
Sau 7 ngày Hội thi (từ 1 - 7/10/2014) với sự cố gắng nỗ lực của các thí sinh và đánh giá khách quan của các giám khảo, kết quả cụ thể các môn thi như sau:
Môn thi hiểu biết chung về GDQPAN: Bài thi là phần kiến thức chung về chuyên môn và những hiểu biết về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các nội dung, văn bản chỉ đạo về công tác GDQPAN trong ngành GD - ĐT, là một thử thách đầu tiên của các thí sinh tham dự Hội thi.
Phần kiến thức chung trong đề thi được đánh giá là khó, nhưng đã có 81/91 thí sinh tham gia đạt điểm 7 trở lên, đặc biệt có 4 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 10/10, đó là các thí sinh: Hoàng Xuân Vinh và Trần Anh Thịnh - Trung tâm GDQPAN sinh viên Hà Nội 2 (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2); Lê Dương Khiết và Nguyễn Xuân Dự - Học viện Tài chính.
Môn thi giảng dạy: Trong nội dung giảng dạy mỗi thí sinh dự thi đều phải thực hành giảng dạy 1 tiết và được lựa chọn một trong 04 nội dung thi trong chương trình (phần đường lối quân sự của Đảng và công tác quốc phòng, an ninh; điều lệnh; kỹ thuật; chiến thuật).
Các thí sinh dự thi đã có sự chuẩn bị chu đáo về bài giảng, giáo án, thể hiện sự đầu tư lớn về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng một cách khoa học, hiệu quả.
Nhiều thí sinh đã có những đột phá trong cách soạn bài giảng, đạt được các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của môn học GDQPAN, nắm vững nội dung chương trình và thực hiện đúng phương pháp, vận dụng linh hoạt các hình thức trong giảng dạy, tạo các tình huống phù hợp, hấp dẫn sinh viên.
Số tiết dạy có sự vận dụng phương pháp linh hoạt, sáng tạo chiếm tỷ lệ cao trong Hội thi. Kết quả có 87/91 thí sinh đạt từ 8,5 điểm trở lên, trong đó có 7 thí sinh đạt điểm xuất sắc 9,5 điểm trở lên.
Môn thi bắn súng AK bài 1b và súng ngắn K54 bài 1: Đây là môn khó khăn nhất trong Hội thi, bài thi này là môn điều kiện, nếu không đạt thì sẽ không đủ điều kiện được công nhận giảng viên giỏi, cho dù kết quả môn thi hiểu biết chung và môn thi giảng dạy đạt kết quả cao.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thời gian bắn kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý thi đấu của các thí sinh, nhất là các thí sinh xếp vào những đợt bắn cuối cùng.
Nhưng với sự cố gắng nỗ lực của từng thí sinh, kết quả của môn thi bắn súng tiểu liên AK đã đạt kết quả cao, có 63/91 thí sinh đạt 25 điểm trở lên, trong đó có 7 thí sinh đạt điểm giỏi, đặc biệt thí sinh Trần Hải Chung - Trung tâm GDQPAN Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt 48/50 điểm.
Điển hình trong khắc phục khó khăn thi đua đạt thành tích xuất sắc có các tập thể: Trung tâm GDQPAN Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm GDQPAN Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh; Khoa GDQPAN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Khoa GDQPAN Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Bộ môn GDQPAN trường Đại học An Giang; Bộ môn GDQPAN Trường Cao đẳng cộng đồng Sóc Trăng; Nguyễn Tiến Sơn - Trung tâm GDQPAN Trường Quân sự QK7; Đinh Trọng Tuấn - Trung tâm GDQPAN Hà Nội I;
Các cá nhân đạt thành tích xuất sắc: Nguyễn Sỹ Hiệp - Khoa GDQPAN trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn Thanh Sơn - Bộ môn GDQPAN trường Đại học Tài nguyên Môi trường…
Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức đã thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao tặng 18 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐTcho 9 tập thể và 9 cá nhân đạt thành tích xuất sắc, đồng thời công bố Quyết định và cấp Giấy chứng nhận đạt Danh hiệu giảng viên dạy giỏi môn học GDQPAN toàn quốc lần thứ IV năm 2014 cho 75/91 giảng viên dự thi.
Những bài học kinh nghiệm
Bên cạnh các kết quả xuất sắc đạt được trong Hội thi, Ban Tổ chức cũng yêu cầu các Đoàn, các giảng viên tham gia dự thi năm nay cần rút kinh nghiệm một số vấn đề sau:
- Một số đơn vị triển khai kế hoạch của BGDĐT về tổ chức Hội thi giảng viên giỏi môn GDQPAN năm 2014 còn chậm, chưa đăng ký trước danh sách giảng viên dự thi cho Ban Tổ chức, không đủ thí sinh tham gia theo quy định, cá biệt có đơn vị không tham gia Hội thi.
- Có giảng viên chưa chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, còn nặng về cung cấp kiến thức kỹ năng, chưa tạo không khí tích cực sôi nổi cho sinh viên khi tham gia học tập.
Tuy còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm, nhưng về cơ bản Hội thi đã thành công tốt đẹp.
Công tác chuẩn bị cho Hội thi được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn. Đơn vị đăng cai là Trường Quân sự thành phố Cần thơ, đã chuẩn bị tốt các điều kiện và phục vụ chu đáo, đạt hiệu quả, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các đại biểu, cán bộ quản lý, giảng viên về tham dự và được Ban Tổ chức đánh giá rất cao.
Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ Hội thi; tổ chức, triển khai theo đúng kế hoạch và tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo BGDĐT.
Hội thi được sự quan tâm, giúp đỡ của Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ, Trường Quân sự Quân khu 9, Trường Quân sự thành phố Cần Thơ, Trường đại học Trần Đại Nghĩa, đã cử các giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục và đào tạo tham gia Ban Giám khảo. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Thư ký Hội thi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan.
Hội thi giảng viên giỏi là một trong những biện pháp có hiệu quả cao trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên GDQPAN cũng như chất lượng dạy - học trong các trường đại học, cao đẳng.
Đây cũng là một cơ hội cho cán bộ, giảng viên và các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Việc đổi mới trong tổ chức chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các nội dung, giúp cho hiểu biết GDQPAN của đội ngũ giảng viên được mở rộng hơn, chất lượng được nâng lên rõ rệt, số giờ dạy có sự vận dụng phương pháp linh hoạt, sáng tạo chiếm tỷ lệ cao.
Hội thi là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường, tạo ra không khí thi đua sôi nổi, chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên GDQPAN, góp phần thiết thực triển khai Luật GDQPAN, Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.