Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đăng Hợp, Phó vụ Trưởng Vụ thi đua khen thưởng (Bộ GD&ĐT) cùng lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng ban của các sở GD&ĐT 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Kết quả tích cực bên cạnh khó khăn vướng mắc
Đánh giá chung của Hội nghị cụm thi đua số 4 cho thấy, ngành giáo dục của 7 tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt được những kết quả nổi bật từ đầu năm học tới nay.
Cụ thể như đã tham mưu có hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền địa phương để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động của ngành. Chỉ đạo, tổ chức rà soát sắp xếp, tinh giản, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu người học.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đảm bảo đúng quy định. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc dạy và học trong năm học mới trong điều kiện các tỉnh bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Tổ chức linh hoạt (trực tiếp và trực tuyến) các hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn.
Cùng đó đã tích cực tổ chức biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai các nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cốt cán, đại trà CT GDPT 2018 cho đội ngũ; Bước đầu triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong nhiệm kỳ 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025 góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, ngành giáo dục cụm 4 đã và đang đối diện với những khó khăn, vướng mắc cơ bản như:
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học và các hoạt động giáo dục của các địa phương.
Chất lượng và tiến độ thực hiện đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông, công tác tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương bị chậm tiến độ; việc sinh hoạt chuyên môn, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tế, cho học sinh chưa thực hiện được đầy đủ theo kế hoạch.
Việc triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ yếu bằng hình thức trực tuyến; giáo viên ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới và tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới.
Đối với giáo viên, cán bộ quản lý công tác tại các trường, điểm trường vùng khó khăn, việc cập nhật kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế. Đối với công tác bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL, GV hằng năm gặp khó khăn về kinh phí biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, GV các cấp học.
Mặt khác, việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp chưa đạt kết quả cao do các yếu tố khách quan như: số điểm trường, số lớp, giao thông đi lại khó khăn; khoảng cách xa; vẫn còn phòng học tạm, thiếu các công trình phụ trợ, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học còn thiếu.
Dẫn đến cơ sở vật chất ở một số trường, điểm trường còn thiếu; một số cơ sở giáo dục chưa có phòng học bộ môn, phòng chức năng gây khó khăn cho GV trong việc tổ chức các hoạt động cho HS; nhiều điểm trường lẻ không có mạng Internet hoặc chất lượng đường truyền kém, thiếu thiết bị nên khó khăn trong việc ứng dụng CNTT, khai thác tài liệu bổ trợ trong dạy học…
Việc tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được đối tượng hạn chế về trình độ, năng lực, mới chỉ tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi đơn vị sự nghiệp công lập. Việc bố trí giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ở các trường quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn do địa bàn dân cư thưa thớt, sống không tập trung.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ còn chưa thực sự cân đối (thừa GV một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; thiếu giáo viên môn văn hóa, Tin học, Tiếng Anh). Một số GV chưa tiếp cận kịp thời với những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, thiếu sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học. Việc triển khai Chương trình tiếng Anh 10 ở cấp Tiểu học còn gặp nhiều khó khăn .
Phần lớn GV lớp 1 thực hiện CT và SGK mới chưa thật tự tin trong quá trình giảng dạy môn Tiếng Việt. Các lớp 1 có HS dân tộc đều phải tổ chức dạy tăng cường môn tiếng Việt từ 2 đến 4 tiết/tuần; kết quả giáo dục kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Việt của học sinh dân tộc một số trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn chưa có sự chuyển biến tích cực.
Công tác xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến tuy đã được quan tâm triển khai thực hiện, nhưng hiệu quả tuyên truyền nhân rộng ở một số đơn vị chưa cao do mạng lưới trường, lớp phân tán, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.
Đề xuất từ cơ sở
Qua tập trung thảo luận các vấn đề như: Thống nhất Kế hoạch hoạt động của cụm thi đua năm học 2021-2022; Đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong học kỳ 1; các nội dung của phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021-2022 trong cụm thi đua; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học; giải pháp đã thực hiện hiệu quả…; Hội nghị đã nhận được các đề xuất, kiến nghị từ ngành GD&ĐT các địa phương cụm 4.
Các đề nghị liên quan đến Bộ GD&ĐT như: Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hệ thống trường phổ thông có nhiều cấp học về thực hiện các hoạt động, chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên…
Nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cần sát với thực tiễn các vùng miền, đảm bảo những nơi vùng sâu, vùng xa không thể sáp nhập trường vẫn có đủ GV đứng lớp, không nên quy định định mức GV theo số HS tối thiểu như những khu vực thuận lợi.
Phối hợp với Bộ Nội vụ có giải pháp cụ thể đảm bảo đủ định mức GV theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT ban hành CT GDPT, nhất là cấp tiểu học nhằm đảm bảo đủ định mức để tuyển dụng vị trí GV ngoại ngữ và tin học giảng dạy theo đúng chương trình quy định.
Ban hành quy định về trả lương viên chức theo phân loại được quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức sao cho mức lương tương xứng với trình độ đào tạo đầu ra của sinh viên để thu hút đội ngũ vào ngành nhất là vị trí GV môn ngoại ngữ và Tin học.
Vấn đề về bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiết bị tối thiểu, thiết bị dùng chung đảm bảo thực hiện đổi phương CT GDPT. Quan tâm đầu tư phòng ở, trang thiết bị cho các trường học có học sinh nội trú, bán trú… cũng được đề xuất.
Sở GD&ĐT Điện Biên đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành bổ sung chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các bản không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 có địa hình giao thông đi lại khó khăn, không thể đi về trong ngày tham gia học tập ăn nghỉ tại trường...
Sở GD&ĐT Lào Cai đề xuất Bộ GD&ĐT đã chọn tỉnh Lào Cai làm điểm về chuyển đổi số trong giáo dục; Phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi giai đoạn 2021- 2025 - thì hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, ban hành Kế hoạch để tỉnh có căn cứ tổ chức triển khai, thực hiện…
Cùng đó cũng đề nghị tiếp tục duy trì các trường PTDTNT đối với các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Kéo dài thời gian hưởng các chế độ chính sách đối với các xã khu vực II và khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thêm 2 năm liền kề sau khi được công nhận, mức hỗ trợ bằng 70% mức hỗ trợ của xã đặc biệt khó khăn…
Hội nghị đã thống nhất được nhiệm vụ chung năm học 2021 – 2022 và những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai (Đơn vị được giao làm Trưởng cụm thi đua) cho rằng: Năm học 2021-2022 tiếp tục là một năm học khó khăn đối với ngành GD&ĐT cả nước khi dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh phải tổ chức học trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến rất ít tỉnh được tổ chức dạy học trực tiếp.
Tuy nhiên, đến thời điểm tổ chức Hội nghị cụm thi đua số 4, ngành giáo dục 7 tỉnh đã rất quyết tâm, nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học học 2021-2022...