Chuyện tình thời chiến
Ông Đậu Xuân Sơn (SN 1932) và bà Nguyễn Thị Nghĩa vốn sinh ra ở xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), nhưng lớn lên trong cảnh chiến tranh hoạn lạc nên ông bà chưa từng gặp nhau.
Chỉ đến khi ra chiến trường, qua những lần nói chuyện, hỏi thăm nhau, ông Sơn mới biết mình cùng quê với bà Nghĩa.
Bên chén trà đặc, ông Đậu Xuân Sơn bồi hồi nhớ lại câu chuyện của cuộc đời mình.
“Tôi sinh ra trong gia đình khó khăn nhất vùng. Mẹ qua đời khi tôi còn rất nhỏ, trong khi đó, ba tôi lại bị cảnh mù lòa.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cảnh đi ở đợ cho nhà người giàu, hay những lần dắt ba mò mẫm đi ăn xin khắp nơi.
Cũng may, trong những năm tháng khổ cực ấy, có một người đàn bà cùng quê đã thương tình, dắt díu bố con tôi về ở cùng”.
Ông Sơn kể lại câu chuyện cuộc đời mình
Năm 16 tuổi, khi cha qua đời, với khát khao được khoác trên mình bộ quần áo bộ đội, ông Sơn đã tình nguyện tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh (Quảng trị).
Trong những năm tháng chiến đấu, ông Sơn tình cờ gặp bà Nghĩa, lúc đó đang là y sỹ của bệnh xá xã Quảng Lưu.
“Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với những năm tháng khổ cực khi sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lớn lên, tôi may mắn được học chữ, rồi được cử đi học lớp quân y. Ra trường, tôi trở về quê hương cống hiến sức lực, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương”.
Chính sự đồng điệu trong trái tim của hai con người có chung hoàn cảnh, nhiệt huyết đã làm trái tim ông bà đến gần nhau từ lúc nào không hay.
Khi tình yêu chín muồi, họ quyết định nghĩ đến chuyện trăm năm. Đám cưới thời chiến diễn ra một cách bình dị và chóng vánh trong niềm hạnh phúc dạt dào của đôi bạn trẻ.
“Cưới nhau vẻn vẹn được 10 ngày, ông ấy phải trở về đơn vị để lên đường chiến đấu. Còn tôi ở lại địa phương, tiếp tục công việc chữa bệnh cứu người”.
Trong khi đó, ông Sơn theo đơn vị vào Nam chiến đấu, đóng quân tại tỉnh Phú yên.
Nhưng trong một lần hành quân chiến đấu, đơn vị của ông bị địch tập kích, buộc phải sơ tán nhiều nơi. Trong đó có nhiều người bị thương nặng, nhiều người hy sinh tại chiến trường ác liệt.
10 năm chờ chồng, nuôi con
Vợ chồng ở hai đầu nỗi nhớ, bà Nghĩa ngày đêm mong ngóng tin tức của chồng, nhất là khi biết mình đang mang trong người giọt máu của ông.
Nhưng niềm vui, sự hạnh phúc quá đỗi ngắn ngủi khi bà hay tin ông hy sinh: “Năm 1965, có một người đồng đội của ông Nghĩa từng hoạt động ở chiến trường Phú Yên gặp tôi và cho biết, ông Nghĩa đã hy sinh”.
Nhận tin chồng, bà như chết lặng, nhưng vì đứa con trong bụng, vì giọt máu của ông, bà đã cố gắng gượng sống tiếp những năm tháng còn lại.
Đứa con trai đầu chào đời, bà đặt tên con là Thủy với ý nghĩa, dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi chăng nữa, bà vẫn một lòng chung thủy, son sắt với tình yêu mà ông bà đã giành cho nhau.
Cuộc sống của người vợ mất chồng, con vắng cha cứ thế trôi qua trong âm thầm, lặng lẽ. Bà đau đớn mỗi lần thấy con trai hỏi ba đâu, nhưng để con đỡ tủi thân, bà nói dối, ba đi chiến đấu xa chưa về...
Thấy bà Nghĩa sáng tối lủi thủi một mình, trong khi đó, biết bao nhiêu người đàn ông “ngấp nghé” có ý định hỏi cưới, mẹ chồng kế của bà Nghĩa cũng đã nhiều lần khuyên nhủ con dâu đi bước nữa, nhưng bà Nghĩa đều nhất mực từ chối.
“Có nhiều lúc, trong lòng cũng cảm thấy cô đơn, vẫn mong có một bờ vai vững chắc để mình đỡ khổ, con mình có cha. Nhưng lúc đó, không hiểu tại sao trong lòng tôi chỉ nghĩ đến ông ấy, tôi vẫn tin tưởng có một ngày ông ấy trở về...”, bà Nghĩa tâm sự.
Về phần ông Sơn, sau trận càn quét ác liệt của quân địch, ông may mắn thoát chết, rồi ông gia nhập vào một đơn vị khác để tiếp tục chiến đấu ở chiến trường miền nam.
“Tôi nhớ và muốn về nhà thăm vợ lắm, nhưng khi đó chiến tranh quá ác liệt, tôi liên tiếp tham gia nhiều trận đánh khác nhau. Ngày ấy, những lá thư tôi viết về cho vợ cũng bị thất lạc nên bà không biết được tin tức tôi còn sống”, ông Sơn bùi ngùi cho biết.
Chiến tranh kết thúc, năm 1975, ông Sơn lên đường trở về nhà. Trong lòng đầy hồi hộp, ông chỉ mong tàu chạy thật nhanh để ông được về nhà gặp vợ sau bao nhiêu năm xa cách, nhớ nhung.
Cuộc sống hạnh phúc của ông bà sau ngày đoàn tụ
Trở về nhà sau 10 năm xa cách, ông Sơn thấy lũ con nít chừng 9-10 tuổi đang chơi trong sân nhà, ông tình cờ hỏi một đứa trẻ đen nhẻm, có đôi mắt thông minh về người chủ nhà thì nó trả lời, cha cháu đi bộ đội, mẹ cháu đi họp dưới huyện chưa về, còn bà nội cháu đang nấu cơm dưới bếp.
Nhìn thấy đứa trẻ với đôi mắt thơ ngây và cách trả lời lém lỉnh, ông Sơn không hề hay biết, đó chính là con trai của mình.
Thả chiếc ba lô dưới nền đất, ông chạy vào trong bếp để tìm mẹ. Nước mắt rưng rưng, ông cất tiếng chào: “Thưa mẹ, con đã về đây rồi”. Thấy người đàn ông mặc quần áo bộ đội, bà cất giọng: “Chú là ai? Ngày mô cũng có nhiều bộ đội tới đây, mẹ không nhớ chú là ai cả”.
Nghe thấy giọng mẹ, ông Sơn nước mắt lưng tròng: “Mẹ ơi, con là Sơn, con của mẹ đây mà”. Ông Sơn vừa nói dứt lời, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc nức nở trong tột cùng hạnh phúc. Lúc đó, đứa con trai ở ngoài sân thấy vậy cũng chạy lại ôm chầm lấy ông Sơn...
Ngày ông Sơn về, đúng lúc bà Nghĩa đang họp dưới huyện. Nghe tin có người báo chồng mình trở về, bà như không tin nỗi vào tai mình. Bà vội lên đường trở về nhà trong sự hồi hộp, thấp thỏm đến “nghẹt thở”...
“Về đến nhà, tôi thấy có nhiều người đến tập trung ở trong nhà. Họ đến để tận mắt chứng kiến ông Sơn trở về sau 10 năm nhận tin hy sinh.
Còn tôi, nhìn thấy chồng, tôi quá xúc động, đứng lặng người, sau 10 phút tôi mới lấy lại bình tĩnh và hỏi ông ấy: “Anh về rồi đấy à?”, chỉ chờ có thế, hai vợ chồng ôm nhau khóc giàn giụa. Với tôi lúc đó, hạnh phúc quá bất ngờ, không có gì có thể diễn tải hết cảm giác của tôi lúc đó”, bà Nghĩa xúc động nhớ lại.
Bà Tiến (70 tuổi), trú thôn Tam Đa nhớ lại: “Nghe tin ông Sơn trở về, người đang làm ruộng, người đang gánh rau cũng thả hết ngoài đồng, chạy vào xem con người bằng da, bằng thịt của ông ấy.
Câu chuyện tình yêu của ông bà như cổ tích giữa đời thường, nhiều người dân sống xung quanh thầm cảm phục nghị lực, lòng thủy chung và niềm tin son sắt của bà Nghĩa dành cho ông Sơn”.
Sau ngày đoàn tụ, ông bà có với nhau thêm 2 người con, ông bà đặt tên là Ngân và Nga, như nhắc nhở đến giai điệu tình yêu tuyệt vời của ông bà giữa thời đạn bom, chiến tranh.