Nhiều nhân tố, nhiều tài năng văn nghệ
Sau 1 tuần tranh tài, ngày 4/4, Hội diễn văn nghệ ngành GD&ĐT TPHCM năm 2021 với chủ đề “Tự hào thành phố mang tên Bác” đã khép lại với giải Nhất toàn đoàn thuộc về Trường THPT Trần Phú và Phòng GD&ĐT Quận 1.
Hội diễn do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp cùng Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM tổ chức, với sự hỗ trợ từ UBND Quận 10, Trung tâm văn hóa Hòa Bình. Sự kiện thu hút 58 đội đến từ các trường THPT, phòng GD&ĐT, trường TC–CĐ, trung tâm GDNN, TTGDTX.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất tập thể khối Phòng GD&ĐT cho Phòng GD&ĐT Q.1; Giải Nhất tập thể khối THPT thuộc về Trường THPT Trần Phú; Giải Nhất song ca thuộc về Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm; Giải Nhất tam ca thuộc về Phòng GD&ĐT Q.5 và Phòng GD&ĐT Q.Bình Tân; Giải Nhất tốp ca thuộc về Phòng GD&ĐT Q.1; Giải Nhất hợp ca thuộc về Phòng GD&ĐT Q.Bình Tân; Giải Nhất hợp xướng thuộc về Phòng GD&ĐT Q.1; Giải Nhất tốp múa thuộc về Phòng GD&ĐT Q.10 và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Giải tiết mục hát về giáo viên hay nhất thuộc về Phòng GD&ĐT Q.1; Giải tiết mục hát về TPHCM hay nhất thuộc về Trường THPT Trần Phú…
Theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Trưởng Ban tổ chức, hội diễn năm nay có 348 tiết mục với trên 5.000 người tham gia. Hầu hết các tiết mục đều thể hiện đúng yêu cầu và xây dựng chương trình với những chủ đề: Ca ngợi những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; ca ngợi đất nước, Đảng và Bác Hồ; truyền thống cách mạng của dân tộc qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập; Ca ngợi tình cảm yêu thương gắn bó với mái trường, tình thầy trò, tình bạn thân thiết, lòng yêu nghề, yêu trường lớp của đội ngũ thầy cô giáo, các em học sinh trong suốt 46 năm sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT TPHCM...
“Bên cạnh sự đa dạng về thể loại, cách thức thể hiện độc đáo, Ban Tổ chức ghi nhận nhiều tiết mục được đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu, tập luyện nghiêm túc, tạo ra được sự bất ngờ lớn cho Ban Giám khảo và người xem.
Hội diễn cũng đạt được yêu cầu về sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả là thầy cô giáo, các em học sinh – sinh viên, các bậc phụ huynh trong suốt 7 ngày diễn ra. Từ trong Hội diễn, Ban Tổ chức đã phát hiện được nhiều nhân tố, nhiều tài năng văn nghệ trong đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên học sinh, sinh viên để có kế hoạch bồi dưỡng, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trong nhà trường” - Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ.
Một số đơn vị như Phòng GD&ĐT Q.1, Phòng GD&ĐT Q.Thủ Đức, Trường THPT Trần Phú… có số lượng thành viên tham gia trên 200 người.
Đầu tư công phu
Một thành viên Ban tổ chức thông tin thêm, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hội diễn bị hoãn nhiều lần nhưng số lượng đơn vị tham là 58 tăng 9 đơn vị so với năm 2020. Điều này chứng tỏ các đơn vị vẫn giữ lửa nhiệt tình, nhằm đa dạng sân chơi cho các GV, HS.
Bên cạnh đó, sự đầu tư cho hội diễn cũng là một điều đáng ghi nhận. “Các đơn vị năm nay chuẩn bị chu đáo từ bố cục chương trình bám sát chủ đề của Hội diễn, chú ý đầu tư trang phục đẹp, phù hợp nội dung bài hát - phù hợp môi trường giáo dục, chuẩn bị đạo cụ công phu: đẹp về hình thức, sáng tạo, phù hợp bối cảnh nội dung bài hát.
Đa số các đơn vị đều mời đạo diễn chương trình để tư vấn về kịch bản chương trình, dàn dựng sân khấu. Chính vì thế chất lượng chương trình giữa các đơn vị nội thành - ngoại thành không còn cách biệt nhiều.
Một số trường như THPT Nguyễn Văn Tăng, THPT Trần Hữu Trang, THPT Võ Văn Kiệt, THPT Bà Điểm, THPT Phạm Văn Sáng, Phòng GD&ĐT Nhà Bè, PGD&ĐT huyện Bình Chánh . . . mới lần đầu tham gia Hội diễn, phần lớn ở phu vực ngoại thành, nhưng đạt nhiều thành tích cao…” - ông Duy Phương (thành viên Ban tổ chức) chia sẻ.