“Hôi của” hay là cướp tài sản?

GD&TĐ - Gần đây, nhiều vụ “hôi của” khi xe ô tô bị tai nạn diễn ra. Các vụ “hôi của” sau khi xảy ra đều bị người dân, xã hội lên án phản đối rất kịch liệt. Tuy nhiên, tình trạng này không giảm, mà đâu đó vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí nó đang trở thành một hiện tượng xã hội nhức nhối!

Đã có không ít vụ tai nạn giao thông mà tài sản đổ ra đường bị nhiều người đến “hôi” (ảnh minh họa)
Đã có không ít vụ tai nạn giao thông mà tài sản đổ ra đường bị nhiều người đến “hôi” (ảnh minh họa)

Trước đây là vụ cháy xe tải ở Quy Nhơn (Bình Định) các loại hàng hóa như nước mắm, bột giặt, mì tôm, sữa... trên xe bị người dân xông vào lấy mang đi. Hay vụ tai nạn xảy ra tại Tân Lạc (Hòa Bình) xe tải đâm vào vách núi, khiến hai người tử vong. Nhân lúc chiếc xe gặp nạn, một số người dân trong khu vực đã lao vào hôi của gây bức xúc cho nhiều người...

Không thể không phẫn nộ, xót xa khi thấy cảnh lái xe phải quỳ gối, kêu khóc, van xin đừng lấy đi hàng hóa mà mình nhận chở thuê nhưng những kẻ “hôi của” vẫn không chút mảy may động lòng thương cảm, cứ thản nhiên lấy đi hàng hóa trước sự bất lực của tài xế. Có vụ những người dân hôi của tranh giành, đánh nhau gây thương tích để cướp hàng hóa bất chấp sự ngăn cản của lực lượng công an!

Có thể khẳng định, đây là hành động hết sức phản cảm, trái luân thường, đạo lý của dân tộc. Điều đáng nói ở đây là phản ứng của xã hội, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật đối với hành vi này chưa thật sự đúng mức, thực thi pháp luật không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Vì thế, tình trạng “hôi của” khi xe tải gặp tai nạn lâu lâu vẫn tiếp diễn.

Theo quan điểm cá nhân tôi, hành vi “hôi của” như vậy chẳng khác gì cướp giật! Đây hoàn toàn không chỉ là việc hôi của đơn thuần mà là hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối với các vụ việc trên phải xử lý hình sự về tội công nhiên cưỡng đoạt tài sản, thậm chí là tội cướp tài sản, với các hình phạt tù và phạt tiền thật nghiêm khắc.

Có thể khẳng định rằng, dù tài sản đổ xuống đường, bị hư hại sau các vụ tai nạn giao thông nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của chủ hàng hoặc lái xe. Những người này vẫn đang trực tiếp quản lý, trông coi tài sản của mình, dù có thể hàng hóa tràn ra đường, rơi xuống vực...

Do đó, người nào lấy tài sản của các tài xế, chủ hàng đã cấu thành tội ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản hoặc tội cướp tài sản. Bởi lẽ, hành vi ngang nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai. Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống đỡ được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, đối với hành vi “hôi của” khi xe tải chở hàng bị tai nạn mà chúng ta thường gặp, báo chí phản ánh thực chất là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc cướp tài sản. Khi thực hiện các hành vi này, những kẻ “hôi của” đã cấu thành tội phạm ngang nhiên chiếm đoạt tài sản nếu tài sản bị chiếm đoạt trên 2 triệu đồng, riêng với tội cướp tài sản thì cấu thành tội phạm không cần giá trị tài sản chiếm đoạt. Thậm chí, có thể xem xét tăng nặng hình phạt khi những kẻ “hôi của” trong trường hợp này đã lợi dụng sự khốn khó, tai nạn của nạn nhân để phạm tội.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh điều tra, xử lý đối với những người lợi dụng các vụ tai nạn giao thông để chiếm đoạt trái pháp luật tài sản của người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ