Hội cầu đinh

GD&TĐ - Bài thơ mở đầu bằng lời trách của chàng trai: “Nay làng mở hội cầu đinh/Hẹn rồi sao để một mình anh đi”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nay làng mở hội cầu đinh *

Hẹn rồi sao để một mình anh đi.

Sân đình cờ phướn uy nghi

Trong đình bô lão nói gì trên mâm

Cánh loa đài nhịn cả năm

Giờ hò, giờ hát ầm ầm thâu đêm

Người đi trẩy hội như nêm

Lấn chen ngỡ tưởng xô nghiêng cổng đình

Nếu không có hội cầu đinh

Làm sao hai đứa chúng mình gặp nhau

Liêu xiêu chân bước lên cầu

Tay trước bắt chạch, tay sau bắt tình

Không gió – sao cầu rung rinh

Không sóng – sao nước rập rình như say

Em cười: “Anh đến là hay

Nhịn đi! Xin hẹn ngày này năm sau...”

Một năm cũng thể là lâu

Hội làng nay mở người đâu thấy về

Cầu đinh rơi một câu thề

Một người trôi giữa bốn bề người ta.

Phạm Trường Thi

Lời bình của Đặng Toán

Một lời trách móc khá nhẹ nhàng, kiểu trách lấy lệ, bởi cái không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt đã như hút lấy mọi sự chú ý.

Trong sân đình thì “cờ phướn uy nghi”, loa đài hò hát “ầm ầm thâu đêm”. Phía bên ngoài thì “Người đi trẩy hội như nêm/Lấn chen ngỡ tưởng xô nghiêng cổng đình”.

Hội cầu đinh cũng giống như bao nhiêu lễ hội khác trên mọi miền đất nước, ngoài phần lễ, thì phần hội sẽ vô cùng náo nhiệt bởi vô số trò chơi dân gian hấp dẫn.

Ở câu chuyện thơ, tác giả chỉ đề cập đến duy nhất trò ôm nhau bắt chạch của các đôi trai gái. Đây là một trò chơi rất khó.

Chạch là loại cá da có nhiều nhớt, trơn, rất khó bắt, nhất là lại chỉ được dùng có một tay. Bởi vậy người tham gia trò chơi vừa phải có sự dẻo dai, khéo léo, vừa có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý thì mới mong đoạt được phần thưởng của làng.

Nhưng với người con trai, điều quan trọng hơn là tìm được người tâm đầu hợp ý, bởi: “Nếu không có hội cầu đinh/Làm sao hai đứa chúng mình gặp nhau”.

Và đó cũng chính là nét đặc trưng, là hồn cốt của lễ hội này. Đi hội, bên cạnh nhu cầu thỏa mãn sinh hoạt tinh thần, thì đây cũng là dịp để lứa đôi thổ lộ những ao ước, mong muốn, khát khao bấy lâu vẫn ấp ủ trong lòng, nhất là đối với các anh chàng.

Vậy nên, hình ảnh “Tay trước bắt chạch, tay sau bắt tình” nó vừa thực lại vừa ảo, khiến nhân vật “anh” không khỏi ngỡ ngàng, xao xuyến: “Không gió, sao cầu rung rinh/Không sóng, sao nước rập rình như say”. Cái cảm giác lâng lâng, chếnh choáng có vẻ đã khiến cho chàng trai chẳng còn thiết tha tới mục đích chính của trò chơi nữa.

“Anh” như đang được bay trong cõi mộng. Chỉ muốn tay trong tay ở bên “em” mãi chẳng rời. Nếu không có lời hứa của người con gái: “Xin hẹn ngày này năm sau”, chẳng biết tới khi nào anh chàng mới qua cơn “say nắng” để quay trở về thực tại!

Nhưng rồi chẳng biết vì lí do gì, cô gái đã không thực hiện được lời hứa: “Một năm cũng thể là lâu/Hội làng nay mở người đâu thấy về/Cầu đinh rơi một câu thề/Một người trôi giữa bốn bề người ta”. Hình ảnh “Cầu đinh rơi một câu thề” là một hình ảnh đầy tính biểu cảm.

Nếu ở đầu bài chỉ là lời trách móc nhẹ nhàng, thì đến cuối bài nỗi cô đơn đã được hiện thực hóa bằng sự đối lập, giữa “một người” với “bốn bề người ta”. Động từ “trôi” được tác giả sử dụng một cách đắc địa, tạo cảm giác chán chường, buông xuôi của nhân vật trữ tình khi mà bao khát khao, bao dự định đã tan theo mây gió.

Không chỉ riêng tôi mà chắc cũng sẽ có độc giả thắc mắc: Vì sao người con gái trong bài thơ đã hẹn mà không giữ lời? Lí do gì một câu chuyện tình tưởng sẽ đơm hoa kết trái trong ngày một ngày hai, lại kết thúc không có hậu? Tác giả không giải thích mà để cho người đọc tự tìm cho riêng mình câu trả lời.

Thiển nghĩ, hội cầu đinh (cầu có con trai) mang nặng tư tưởng trọng nam đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người, có lẽ đã đến lúc không còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Bởi vậy, một cái kết như thế cũng có thể coi như cách tác giả đã bày tỏ thái độ không đồng tình của mình trước những tư tưởng lạc hậu đã và đang vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta.

* Lễ hội cầu đinh (cầu có con trai) của làng Thạc Trục, thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức trong hai ngày 9 và 10 tháng Giêng hằng năm. Người ta bắc một cây cầu cong, trên cầu để một cái chum đựng nước trong thả cá chạch. Đôi trai gái từ hai đầu cầu đi lên một tay ôm nhau, một tay bắt chạch. Ai bắt được chạch trong chum làng sẽ thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ