Anh và em lẫn vào nhau
lẫn vào nhau tự lúc nào không hay
Như trời xanh lẫn trong mây
như nước trong đất, như cây trong rừng
Như sông hòa biển mênh mông
như ngàn gió lẫn vào trong đất trời
Như lời ru quyện vành nôi
như bao la sóng suốt đời biển xanh
Lẫn vào nhau nữa đi anh
cái tên riêng đã hóa thành tên chung.
1987
Đặng Nguyệt Anh
Lời bình của Đặng Toán
Nói về sự gắn kết của câu chuyện tình yêu đôi lứa, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh có cách dùng từ rất bình dân mà vẫn gợi, vẫn đẹp và đặc biệt là rất thơ như thế: “Anh và em lẫn vào nhau/ Lẫn vào nhau tự lúc nào không hay”.
Chẳng thấy bóng dáng của chữ “yêu” đâu cả. Vậy mà đọc xong ai cũng hiểu, ai cũng biết là tác giả định nói tới điều gì. “Lẫn vào nhau” cũng có thể coi là một sáng tạo khá độc đáo của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh.
Nhân vật “em” trong bài thơ chắc là còn khá trẻ. Và có vẻ như đây là tình yêu đầu đời của cô? Phải vậy mà cái cảm giác xao xuyến bồi hồi xen lẫn ngỡ ngàng rất trong sáng, rất đáng yêu của “em” cũng như truyền sang người đọc, khiến ai đó bất giác mỉm cười thú vị.
Chính bởi thế, một loạt cụm từ có quan hệ qua lại: “trời - mây; nước - đất; cây - rừng; sông - biển...” được dẫn ra càng như một khẳng định cho sự gắn bó mật thiết, sự bền chặt, vĩnh cửu của tình yêu đôi lứa: “Như trời xanh lẫn trong mây/như nước trong đất, như cây trong rừng/Như sông hòa biển mênh mông/như ngàn gió lẫn vào trong đất trời/Như lời ru quyện vành nôi/như bao la sóng suốt đời biển xanh”.
Nhưng đến đây chắc sẽ có độc giả băn khoăn: Hình như nhân vật thơ của chúng ta đang có một vài nhầm lẫn? Cách so sánh trời lẫn trong mây, nước lẫn trong đất, cây lẫn trong rừng, sông lẫn vào biển... giống như anh lẫn vào em, nghe có gì đó không ổn, nếu không muốn nói là còn hơi khiên cưỡng.
Là một nhà thơ khá nổi tiếng với những câu thơ về chủ đề tình yêu đầy tâm trạng: “Nếu anh biết được... chiều nay/Gió từ đâu đến... thổi gầy nhành mai/Một đời gió có vì ai/Xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn” (Nếu anh biết được). Có lẽ nào nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh lại không hiểu cái điều khá đơn giản đó? Nhưng ở đây bà đang hóa thân vào nhân vật “em” cơ mà.
“Em” còn đang hết sức ngỡ ngàng, sung sướng: Em vẫn là em. Anh vẫn là anh. Vậy mà chúng mình “lẫn vào nhau tự khi nào không hay”. Khi người ta đang yêu thì con mắt nhìn cái gì chẳng thấy lấp lánh một màu hồng thơ mộng. Có nhầm lẫn, có thiếu tỉnh táo một chút cũng là điều dễ hiểu.
Nhất lại là với một cô gái đang còn rất trẻ và lại mới biết yêu lần đầu như ở trên ta đã nhận định. Như vậy, chắc sẽ chẳng ai nỡ trách nhân vật em trong bài thơ mà có khi còn vui vẻ lắng nghe tiếp câu chuyện tình yêu mà cô đang muốn kể, muốn khoe.
Cũng là “lẫn vào nhau” nhưng nếu ở khổ thơ đầu “anh và em lẫn vào nhau/ lẫn vào nhau tự khi nào không hay” giống như một lời thú nhận pha chút ngỡ ngàng, bối rối.
Thì tới khổ cuối “Lẫn vào nhau nữa đi anh/cái tên riêng đã hóa thành tên chung” lại như một lời nhắn nhủ, khích lệ những đôi lứa hãy yêu nhau say đắm, hết mình hơn nữa, để cuộc đời chỉ có những niềm vui. Để hai cái tên riêng của anh và em sẽ kết lại thành một cái tên chung mang tiếng gọi của tình yêu nồng cháy.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới cách sử dụng câu từ của tác giả. Chữ “lẫn” thật sự là một lựa chọn khôn khéo. “Lẫn” chứ không phải “tan”. Tình yêu sẽ thực sự đẹp đẽ, bền chặt và quấn quyện khi ta biết dung hòa, vị tha, biết hỗ trợ cũng như biết chấp nhận nhau về tất cả mọi phương diện.
Bài thơ của nữ sĩ Nguyệt Anh thật nhẹ nhàng mà tươi tắn như một đóa hoa với sắc màu khá lạ mắt trong khu vườn thi ca muôn màu muôn vẻ.