Cuối ngày đủng đỉnh trâu về
Cưỡi trâu cưỡi cả con đê cỏ vàng
Hai sừng đã chạm cổng làng
Bước chân bì bõm chưa sang khỏi chiều
Cái đuôi sau rốt vòng vèo
Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng.
Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú
Bạn đọc người lớn rất thích "Đồng chiều" vì được sống lại những kí ức tuổi thơ của mình, sống lại với không gian nông thôn Việt với con vật thân thiết gắn bó với người nông dân. Bài thơ tạo ra một trường liên tưởng mới vừa ảo vừa thực, vẽ nên một bức tranh thật đẹp, thật sống động trong “Đồng chiều”.
Gam màu nổi nhất trong bức tranh là màu vàng. Cái màu vàng mật ong của nắng hè cuối chiều dát vàng cả bờ cỏ con đê cho ta cảm giác nắng ngọt – ngọt từ lòng người. Hình ảnh “đủng đỉnh trâu về” vừa khoan thai nhấn nhá, vừa tròn căng mượt mà. Màu cỏ vàng trong nắng vàng chính là hồi quang của cả một mùa vàng no ấm. Nhà thơ đặc tả con trâu chính là điểm nhấn bức tranh giàu tính hội họa.
Với trẻ thơ, những chi tiết động, ngộ nghĩnh trong quan sát rất quan trọng. Thường có những khích thước trong trí tưởng tượng và đôi mắt trẻ thơ được nhân lên, được bay bổng, được kết nối bởi những liên tưởng so sánh bất ngờ có khi vô lý mà ám ảnh trực giác. Đó cũng chính là phép biến hóa bản năng kì diệu ở lứa tuổi hiếu động thích đuổi bắt phóng chiếu thực tại thành một ảo ảnh ước vọng tương lai.
Ở đây “Hai sừng đã chạm cổng làng - Bước chân bì bõm chưa sang khỏi chiều” không những tạo hình về hội họa chạm khắc mà còn có cả âm thanh nghe được từ trong rạo rực lòng người. Không có nước mà ta nghe được cả nước qua “bì bõm” một dòng nước - âm - thanh mát rượi trong làn gió chiều đồng quê cũng chính là tiếng vọng của kí ức. Tiếng vọng có từ “đủng đỉnh” trâu về đến “bì bõm” bước chân trâu đi. Cổng làng ranh giới giữa đồng quê với không gian làng, và nắng chiều ranh giới giữa ngày và đêm.
Tất cả hình như muốn níu lại, muốn giữ lại, muốn ấm lại để được một lần nữa nhẩn nha nhấm nháp cỏ ngọt, nắng vàng. Và hình ảnh con vật hiền lành thôn dã này được phóng chiếu lên giữa cặp đôi so sánh “hai sừng” với “cổng làng”, giữa động và tĩnh. Hai câu thơ hay nhất “Cái đuôi sau rốt vòng vèo - Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng” để lại ấn tượng ngồ ngộ và bất ngờ. Từ “hai sừng” đến “cái đuôi” đã hoàn chỉnh bức kí họa con trâu.
Nhưng chính sự “vung vẩy” để “vòng vèo” đã làm sống dậy thần thái thật sinh động biến ảo với “chút heo may đồng”, chút hương quê đồng ruộng. Heo may thường gợi cho ta những gì man mác se se cuộn lại, và bức tranh “Đồng chiều” cuốn lại không viết gì về chú bé cưỡi trâu mà ta vẫn hình dung ra tư thế thật đĩnh đạc: “Cưỡi trâu cưỡi cả con đê cỏ vàng”.
Đồng chiều nhưng không chín muộn, vừa khép lại đã mở ra. Mở ra một không gian hồi tưởng, không gian của thơ, không gian của làng quê đất Việt.