Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Với những thắng lợi của chương trình Nông thôn mới cho thấy, vai trò của người nông dân, của địa bàn nông thôn thêm gắn bó và làm cho những thành công to lớn trên lĩnh vục nông nghiệp - nông dân - nông thôn trở thành một trong những lĩnh vực có kết quả rõ rệt nhất của 30 năm đổi mới. Đây là bước tiến quan trọng sau 11 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 26 năm 2008 về vấn đề tam nông.
Theo GS Nguyễn Thị Lan, năm 2019 là thời điểm bản lề để Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước sang bước phát triển mới, với nhũng thời cơ và thách thức mới. Trong quá trình biến đổi to lớn đó, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, sẽ chuyển mình thành đội ngũ lao động phi nông nghiệp hùng hậu và lực lượng thị dân mới trong tương lai.
Người nông dân của nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại sẽ ít hơn về số lượng nhưng mạnh hơn rất nhiều về chất lượng. Đây là một quá trình cách mạng to lớn, đầy thử thách phải được dẫn dắt bằng những chính sách và chiến lược phát triển hợp lý.
GS Nguyễn Thị Lan phát biểu khai mạc hội thảo |
GS Nguyễn Thị Lan cho biết: Một trong những thành viên mới của Học viện là Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành nghiên cứu về hiện trạng đời sống và sinh kế của nông dân Việt Nam, định hướng phát triển cho nông dân trong tương lai, đóng góp các tài liệu hữu ích xây dựng chương trình hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và đóng góp thiết thực vào công tác cải tiến nội dung Chương trình Phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, cuốn sách “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” đã ra đời. Dựa trên các thông tin từ các cuộc điều tra định kỳ, các thống kê chính thức và các nghiên cứu chuyên đề, phân tích kinh tế và nghiên cứu xã hội để giới thiệu tình hình sản xuất, điều kiện sinh sống và cơ hội phát triển của người nông dân Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ y tế, dinh dưỡng, văn hóa, giáo dục đến sinh kế, lao động, việc làm và liên quan đến cả các lĩnh vực về thể chế và quản lý. Đồng thời cuốn sách cũng chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân và đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực.
TS Trần Công Thắng đại diện của nhóm nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo |
Tại Hội thảo, nhóm tác giả TS Đặng Kim Khôi, TS Trần Công Thắng và cộng sự dưới sự cố vấn của TS Đặng Kim Sơn đã đề xuất các giải pháp, đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới;
Đồng thời đổi mới tổ chức quản lý ác ngành hàng nông sản, hình thành Ban điều phối ngành hàng; Toàn dụng lao động nông thôn trong giai đoạn cửa sổ vàng tuổi dân số còn mở;
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thông; xây dựng cơ chế giảm thiểu/chia sẻ rủi ro với hộ nông dân: Bảo hiểm nông nghiệp, quỹ tự nguyện;
Mặt khác, hoàn thiện cơ chế chính sách, đất đai, tín dụng, đào tạo, liên kết thu hút doanh nghiệp; xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến môi trường văn hóa, OCOP, phát triển cộng đồng thôn bản; tăng đầu tư cho nông nghiệp: Logistics, khoa học công nghệ; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đô thị và nông thôn.