Nghiên cứu thành công vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi

GD&TĐ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa công bố nghiên cứu thành công vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Qua tiêm thử nghiệm cho thấy, vắc xin có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm DTLCP
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm DTLCP

Sáng 2/7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh DTLCP.

Tại cuộc họp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam GS Nguyễn Thị Lan báo cáo, đơn vị đã nghiên cứu và có sản phẩm vắc xin DTLCP vô hoạt thế hệ mới. Tiến hành tiêm thử nghiệm tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP, thuộc 3 hộ gia đình khác nhau, tại vùng dịch của Hưng Yên cho thấy kết quả khả quan. Toàn bộ 17/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ được tiêm vắc xin đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khỏe mạnh. Những lợn không được tiêm vắc xin của 3 hộ gia đình trên đều chết do DTLCP.

GS Nguyễn Thị Lan cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu và thử nghiệm ít, nhiều thí nghiệm đã được rút ngắn nên GS Lan cho rằng, các loại vắc xin cần thử nghiệm thêm trên diện rộng và lặp lại, bổ sung nhiều thí nghiệm để tối ưu hóa công thức, chất lượng vắc xin. Cần triển khai các nghiên cứu tiếp theo để tạo các vắc xin khác tốt hơn.

Cũng tại cuộc họp, đại diện nhiều nhóm nghiên cứu đến từ các doanh nghiệp cũng giới thiệu về các kết quả bước đầu sản xuất vắc xin, chế phẩm sinh học có thể áp dụng vào chăn nuôi giúp phòng DTLCP.

  • GS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam báo cáo bước đầu về kết quả nghiên cứu. Ảnh: Tùng Đinh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Với tinh thần trách nhiệm, tích cực, sáng tạo, có tính thực tiễn cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan, tích cực trong nghiên cứu vắc xin DTLCP. Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng DTLCP, đặc biệt cần tiếp cận theo lối sáng tạo nhất, không bị mặc định theo hướng truyền thống để mở thêm hướng nghiên cứu. Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sớm xây dựng quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam.

Từ khi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại Hưng Yên (1/2/2019), đến nay dịch đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 2,9 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước. Nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao, đe dọa tới ngành chăn nuôi. Trong suốt 100 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vắc xin DTLCP (đã đánh giá tính hiệu lực) từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vắc xin này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch chưa được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn gây thiệt hại lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.