Đi - Không đi?
GS.TS Nguyễn Thị Lan sinh năm 1974, là cựu SV của Trường ĐH Nông nghiệp I (giờ là Học viện Nông nghiệp Việt Nam - HVNNVN). Sau tốt nghiệp, chị được giữ lại trường, tiếp tục công việc NCKH và giảng dạy. Sau 7 năm công tác tại trường, chị Lan được cử đi học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Miyazaki (Nhật Bản). “Lúc đó tôi đã có gia đình và con nhỏ. Tôi đã phải rất khó khăn khi ra quyết định đi hay không. Được sự động viên của gia đình, người thân, đồng nghiệp và quyết tâm, đam mê được nghiên cứu cống hiến cho khoa học, tôi đã quyết định đi học tập tại nước ngoài. Đó là giai đoạn đầu tiên tôi bước chân vào NCKH” – GS.TS Nguyễn Thị Lan bồi hồi nhớ lại.
Xa gia đình, xa con thơ, hàng ngày người mẹ trẻ khắc khoải nỗi nhớ, thêm cả những khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống ở xứ người. May mắn chị Lan được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế và thầy cô giáo hướng dẫn để vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ. Lấy công việc làm niềm vui, chị đắm mình trong nghiên cứu khoa học. Với điều kiện môi trường NCKH thuận lợi, nhà khoa học trẻ thực hiện các ý tưởng của mình. Có những thí nghiệm làm cả tháng nhưng kết quả lại không như mong đợi khiến chị vô cùng thất vọng. Rồi lại tự xốc lại tinh thần cố gắng làm lại, để cuối cùng là vỡ òa niềm vui thành công.
Nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi
Hoàn thành nhiệm vụ học tập, có bằng tiến sĩ, GS Nguyễn Thị Lan trở về nước, cháy bỏng ngọn lửa cống hiến. Nhưng va vào thực tế mới thấy khó khăn bộn bề. Lĩnh hội nhiều kiến thức, kỹ thuật hiện đại nhưng CSVC, trang thiết bị khoa thú y lại thiếu thốn, lạc hậu, kinh phí cho đề tài NCKH thì hạn hẹp. Vậy làm thế nào để truyền tải, áp dụng được những kiến thức đã học vào điều kiện Việt Nam? Câu trả lời không nằm trong sách vở mà phải tự thân GS Nguyễn Thị Lan tìm hiểu, tháo gỡ.
- GS.TS Nguyễn Thị Lan và Giải thưởng Kovalevskaia 2018
Năm 2009, dịch bệnh lợn tai xanh hoành hành tại Việt Nam. Chị Lan đề xuất nghiên cứu bệnh lợn tai xanh và được xét duyệt. Khoản kinh phí nghiên cứu không nhiều nhưng rất quý giá trong thời điểm đó, giúp chị trưởng thành trong NCKH với kết quả khả quan năm 2011. Từ đề tài đó mở mang ra nhiều nghiên cứu, hợp tác quốc tế, các đề tài khác, liên kết với các doanh nghiệp làm vắc xin, tạo ngân hàng chủng giống… Quan trọng hơn cả, GS Nguyễn Thị Lan xây dựng nhóm nghiên cứu quy tụ những người làm nghiên cứu Khoa Thú y, có kinh nghiệm tổ chức các nhóm NCKH, sau này hình thành nhóm nghiên cứu mạnh. Tính đến nay, chị đã thành lập được 49 nhóm NCKH mạnh của Học viện.
Điều GS Nguyễn Thị Lan tâm đắc chính là việc bắt tay xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y hướng tới chuẩn ISO. Phòng thí nghiệm đã đóng góp rất lớn trong nhiều nghiên cứu thực tiễn, nhận nhiều mẫu chẩn đoán cho trang trại, công ty… về các dịch bệnh, tư vấn phòng chống dịch bệnh. Đầu năm 2019, cùng các nhà khoa học tại học viện, GS Nguyễn Thị Lan đã phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía Bắc. Chị và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu, chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc xin phòng dịch bệnh nguy hiểm này.
Thí điểm tự chủ, lo anh em quá sức
Năm 2016, GS.TS Nguyễn Thị Lan được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện NNVN, Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là giai đoạn trường thí điểm tự chủ (2015 - 2017). Khi chị Lan nhận nhiệm vụ, kinh phí Nhà nước rót cho trường đã bị cắt hết. Lúc đó khó khăn lớn nhất là làm thế nào để tạo sự đồng thuận. Cùng ban lãnh đạo, chị Lan đã làm rất chặt chẽ định biên nhân sự, rà soát, tính toán để chuyển đổi vị trí phù hợp.
Tôi biết gia đình đã hy sinh nhiều cho tôi theo đuổi đam mê. Tôi cảm ơn gia đình, người thân… đã rất thông cảm cho tôi - người có tấm lòng, cố gắng tối đa nhưng thời gian lại không cho phép! Nếu không có sự ủng hộ, động viên từ những người thân yêu, tôi sẽ khó có được những thành quả hôm nay
GS Nguyễn Thị Lan kể lại: “Thời gian đầu cả học viện căng thẳng, cán bộ giảng viên đều áp lực, tôi còn lo anh em quá sức không chịu đựng được. Thế nhưng tất cả cùng đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng quy định đề ra, đến giờ anh em vào nền nếp, có ý thức xây dựng nhà trường từ văn hóa chất lượng, kiểm định… Hiện trường đang chuẩn bị kiểm định quốc tế. Theo bảng xếp hạng UniRank năm 2019, HVNNVN đứng thứ 5 trong số các cơ sở GD ĐH tại Việt Nam”.
Vừa là Giám đốc Học viện, Bí thư Đảng ủy, vừa là Đại biểu Quốc hội, một ngày của GS Nguyễn Thị Lan quay cuồng trong công việc. Tuy nhiên, chị vẫn dành thời gian hướng dẫn các nhóm SV NCKH, trong đó có 7 nhóm SV nhận các giải thưởng Tài năng khoa học trẻ, VIFOTEC… Từ kinh nghiệm của bản thân, GS Lan thôi thúc đẩy các giảng viên trong học viện nhận các SV NCKH từ năm thứ 2 trở đi để các em học hỏi lẫn nhau, truyền lửa cho SV tình yêu khoa học. GS Nguyễn Thị Lan đã được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về sự đóng góp đào tạo các SV tài năng.