GS trẻ nhất ngành Thú y được nhận giải thưởng Kovalevskaia

GD&TĐ - Là GS trẻ nhất trong trong lịch sử ngành Thú y Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.

GS.TS Nguyễn Thị Lan vừa được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia
GS.TS Nguyễn Thị Lan vừa được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia

Trong suốt thời gian công tác, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã chủ nhiệm và tham gia 22 nhiệm vụ khoa học các cấp. Trong đó, GS đã chủ nhiệm 4 đề tài (2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ) và là thư ký/tham gia 18 đề tài (11 đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ).

Kết quả nghiên cứu và sản phẩm đề tài được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá cao, thể hiện trong 105 bài báo khoa học đã công bố (29 bài báo quốc tế thuộc đanh mục tạp chí ISI/Scopus, 76 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành.

GS.TS Nguyễn Thị Lan từng chia sẻ, nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học. Giảng dạy bậc đại học nếu không gắn liền với nghiên cứu khoa học sẽ hạn chế rất nhiều đến chất lượng đào tạo.

“Tôi luôn nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, chấp nhận thách thức để chinh phục những kiến thức mới, đồng thời luôn chú trọng và tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học.

Tôi đã lựa chọn và xác định các hướng nghiên cứu sao cho phù hợp với chuyên môn, khả năng của mình và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, đồng thời có thể hội nhập với xu hướng nghiên cửu khoa học của các nước trong khu vực và quốc tế” - GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Theo đó, GS đã tiến hành nghiên cứu về các phương pháp chẩn đoán, phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền lây từ gia súc sang người nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

GS Nguyễn Thị Lan
 GS Nguyễn Thị Lan

Điển hình là công trình "Nghiên cứu công nghệ chế tạo Kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên lợn”. Chia sẻ về công trình này, GS Nguyễn Thị Lan cho biết, năm 2009, khi dịch tai xanh ở lợn bắt đầu hoành hành, đây là chủng bệnh mới nên GS đã mạnh dạn đề xuất thực hiện công trình nghiên cứu khoa học nêu trên.

Thành công của việc chế tạo Kít chẩn đoán nhanh PRRS có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn trong việc phát hiện sớm tiến tới ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh trong điều kiện diễn biến phức tạp.

Ngoài ra là công trình “Nghiên cứu chế tạo vắc xin phòng bệnh sài sốt chó (bệnh Care), đề tài cấp Nhà nước, do GS là chủ nhiệm. GS Nguyễn Thị Lan cho biết, tạo ra được vắc-xin phòng bệnh Care là yếu tố quan trọng giúp người nuôi chó giảm thiểu thiệt hại kinh tế, góp phần nâng cao sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành công của đề tài này góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn.

Các kết quả nghiên cứu đề tài cũng đã giúp phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y xây dựng được quy trình chẩn đoán bệnh Care theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2005.

Mới đây nhất GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía bắc ngay đầu năm 2019.

GS cùng các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vaccine phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hiện nay, GS Nguyễn Thị Lan là đại biểu Quốc hội khóa XIV và là Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng với việc làm tốt công tác quản lý, GS vẫn tích cực tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin động vật.

Ngoài ra GS đã chỉ đạo thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như: quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.