Học văn học dân gian qua Dự án "Tìm về lời ru"

GD&TĐ - “Tìm về lời ru” là dự án được cô Nguyễn Thị Vũ Huệ và học trò thực hiện đã áp dụng được kiến thức liên môn nhiều môn học, phát huy tối đa năng lực làm việc nhóm và tinh thần nghiên cứu văn học của học sinh.

Dự án triển khai trong trường học.
Dự án triển khai trong trường học.

Trong thời buổi công nghệ, bên cạnh mặt tích cực cũng tồn tại khá nhiều điều khiến phụ huynh, giáo viên không khỏi trăn trở, lo lắng. Cụ thể là việc các bạn trẻ hiện nay quá mê game online khiến kết quả học tập sa sút, sức khoẻ tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Tất cả các môn học, không chỉ mỗi môn Văn, thầy cô đều không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học để khích lệ tinh thần tự giác học tập, tự nghiên cứu ở học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển đam mê, năng lực cá nhân, phát huy tối đa tư duy phản biện, biết hướng đến những yêu cầu lớn hơn của thời đại.

Những năm gần đây việc dạy học theo các chủ đề liên môn, tích hợp có tính thực tiễn, những tiết học dự án đã trở nên sinh động, hấp dẫn đối với học sinh. Những phương thức học tập có sự đầu tư công phu và đổi mới luôn chiếm ưu thế hơn trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh nhiều hơn so với những cách học truyền thống.

Học các chủ đề tích hợp, liên môn, học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn...

Học sinh với tiết mục "Thày bói xem voi"
Học sinh với tiết mục "Thày bói xem voi"

Trước sự đổi mới nhanh chóng của việc ứng dụng CNTT và những phương pháp đổi mới giáo dục nhiều trường đã đẩy mạnh các tiết dạy và học sáng tạo. Một trong những trường luôn đi đầu trong phong trào đổi mới là Trường THPT Phú Nhuận Tp.Hồ Chí Minh.

Đứng trước yêu cầu cần phải đổi mới để hợp xu thế tiếp cận kiến thức của các bạn trẻ hiện nay, giáo viên bắt buộc cũng phải chuyển mình. Nhiều giáo viên ngoài việc đảm bảo kiến thức trên lớp thì họ cũng luôn luôn tìm tòi những hướng đi mới, những phương pháp mới để tạo hứng thú cho học sinh nhiều hơn. Thế nhưng việc đòi hỏi sự yêu thích tất cả các môn học rất khó, đặc biệt là các môn xã hội như môn Ngữ văn hiện nay là điều khá nan giải.

Có nhiều ý kiến học sinh tỏ ra chán ghét môn Văn, không thích học Văn vì văn chương xưa giờ toàn kiến thức hàn lâm, chỉ cần tìm hiểu sâu nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm trong sách giáo khoa, lên lớp chỉ cần học thuộc văn mẫu thầy cô cho thì thi điểm cao rồi, cần gì phải tư duy, đổi mới?!

Học sinh tham gia trò chơi nhảy dây
Học sinh tham gia trò chơi nhảy dây

Thế nhưng khi học sinh được học tập qua những tiết học dự án, phương pháp học liên môn các em đã có những suy nghĩ khác đi, tích cực hơn và nhận thấy mình trưởng thành hơn...

Theo cô Nguyễn Thị Vũ Huệ, “Văn học Việt Nam hiện nay nếu cứ bám sát tinh thần giảng dạy truyền thống mà không chịu đổi mới sẽ khiến cho đa số học sinh cảm thấy mệt mỏi qua mỗi tiết học.

Kiến thức hàn lâm, chỉ tập trung khai thác thế giới nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, rồi cùng với sự hỗ trợ, che chắn an toàn của các bài văn mẫu khiến học sinh học Văn như vẹt, những bài viết lấy từ văn người thì vô hồn lắm và những học sinh có đam mê thật sự với môn học này cảm thấy chán ghét và dần từ bỏ môn Ngữ văn. Đó là hệ luỵ khó tránh khỏi...”

Cô Huệ cũng tâm sự, đến tiết dạy Văn học Dân gian Việt Nam (VHDGVN) khi cô gọi tên học sinh kể lại cho cô và cả lớp nghe một vài câu chuyện cổ tích thì đa số các em không còn nhớ rõ nội dung; rồi cô bảo đọc vài bài ca dao, mấy câu tục ngữ, thành ngữ thì có em biết vài câu, em thì không nhớ gì; ngoài ra còn những thể loại khác như hò, vè, chèo, tuồng, những loại hình văn hoá dân gian,... hầu như các em không còn quan tâm nhiều nữa.

Cuộc sống hiện đại quá khiến ai cũng dần quên mất cái nôi văn hoá, văn chương truyền thống, quên mất những điều thân thương đáng lẽ ta phải luôn trân quý, nâng niu. Do vô tình hay cố ý mà ta đã quên đi mất ai đã từng ru ta ngủ lúc bé thơ, ai từng kể những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa cho ta nghe, những trò chơi lúc lên năm lên bảy mình hay chơi là gì?!...

Học sinh háo hức với dự án "Tìm về lời ru"
Học sinh háo hức với dự án "Tìm về lời ru"

Chính những điều đó đã thôi thúc cô Huệ và học trò mình thực hiện dự án có tên “Tìm về lời ru”. Dự án thực hiện từ đơn vị kiến thức VHDGVN lớp 10, kết hợp cùng nhiều môn học Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục công dân, Mĩ thuật... Hai lớp thực hiện trực tiếp là 10A3 và 10A15 của trường THPT Phú Nhuận, nơi cô Huệ đang công tác.

Vì muốn lan toả ý nghĩa dự án lần này đến nhiều cấp học nên cô Huệ đã chủ động gửi lời mời đến nhiều giáo viên cùng tham gia thực hiện. Nếu không trực tiếp tham gia được thì các thầy cô có thể hỗ trợ, chia sẻ những sản phẩm học tập thú vị về VHDGVN, từ đó kết nối, giao lưu giữa các trường để học sinh học hỏi lẫn nhau.

Với sự nhiệt tình của giáo viên tổ chức dự án, rất nhiều trường bạn đã tham gia và ủng hộ hết mình như: MN Suối Giàng - Yên Bái, Tiểu học Phùng Hưng – Quận 11, Tp Hồ Chí Minh, THPT Ngô Gia Tự - Daklak, THPT Phong Phú và THPT Nguyễn Hữu Huân - TP.Hồ Chí Minh,...

Bên cạnh đó dự án còn nhận được sự giúp đỡ quý báu từ thầy Kiyotaka Horii, giáo viên Ngữ văn tại Nhật Bản, nhà thơ Jackson tại Bhutan khi đã thực hiện những tiết học kết nối, chia sẻ nhiều kiến thức về văn học, văn hoá dân gian giữa các nước, giúp học sinh tự tin, bản lĩnh, chủ động hơn.

Cô Nguyễn Thị Vũ Huệ đã cho 2 lớp tham gia dự án tự đánh giá năng lực rồi chọn về những nhóm chuyên gia. Các nhóm gồm có: thuyết trình, viết bài, thiết kế đồ hoạ (game, timeline, vé mời), vẽ tranh, làm bookmark (để nêu cao tinh thần đọc sách), kịch (diễn 2 vở kịch Tấm Cám và Thầy bói xem voi, phụ trách viết kịch bản, âm thanh và làm đạo cụ), hát dân ca, rap, viết lời nhạc rap nói lên cảm nhận của mình khi học VHDGVN, tổ chức trò chơi dân gian, dẫn chương trình, tổng hợp sách về văn học dân gian...

Nhóm trưởng là người theo sát các bạn trong nhóm và báo cáo tiến độ công việc cho giáo viên phụ trách dự án. Sau khi các nhóm hoàn thành xong công việc được giao đều có bảng điểm đánh giá đồng đẳng giữa các nhóm để đảm bảo tính khách quan.

Ngày báo cáo dự án là ngày xúc động nhất bởi sự hào hứng tham gia của các em học sinh, các bạn trực tiếp tham gia dự án đã tự tin thể hiện được khả năng dẫn chương trình, diễn kịch, ca hát, thuyết trình... Những vở diễn đã nhận được những tràng pháo tay khen ngợi, những bài hát được đầu tư bài bản, chỉnh chu, gây xúc động mạnh qua những đoạn hát ru truyền cảm. Bên cạnh đó còn có những bài viết thật sự công phu và có tính đột phá, đặc biệt là bài luận so sánh điểm giống và khác nhau giữa truyện dân gian Việt Nam và Nhật Bản do em Lê Bảo Ngọc 10A3 trình bày.

Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển nhiều kỹ năng.
Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển nhiều kỹ năng.

Dự án “Tìm về lời ru” được cô Nguyễn Thị Vũ Huệ và học trò thực hiện trong một thời gian dài. Dự định báo cáo sớm hơn nhưng do đợt dịch Covid phức tạp nên cô trò dành một phần nội dung báo cáo lúc học online, phần nội dung còn lại báo cáo sau khi học sinh đi học lại bình thường.

Với sự nỗ lực của thầy cô tham gia dự án và các bạn học sinh nên buổi báo cáo đã thành công ngoài mong đợi. Dự án đã áp dụng được kiến thức liên môn ở nhiều môn học, đã phát huy được tối đa năng lực làm việc nhóm và tinh thần nghiên cứu văn học của học sinh. Giúp các em có các kĩ năng và năng lực của thế kỷ 21.

Theo cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường THPT Phú Nhuận: “Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển nhiều kỹ năng: sự tự tin, sáng tạo; khả năng sắp xếp, lập kế hoạch, chủ động trong công việc; cách hợp tác tốt với nhiều đối tượng, khả năng thích ứng...

Dự án “Tìm về lời ru” của Cô Nguyễn Thị Vũ Huệ đã đem lại luồng sinh khí mới cho những giờ học Văn tại trường sau mùa học online. Đây là một dự án liên trường, liên cấp nên đã lan toả đến được nhiều giáo viên, nhiều lớp học từ các trường trên khắp ba miền, giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi thêm được nhiều kiến thức, nhiều vùng văn hoá và có thêm được nhiều bạn bè mới.”

Theo Lê Bảo Ngọc lớp 10A3 chia sẻ: “Sau dự án Tìm về lời ru em đã học thêm được rất nhiều kĩ năng đặc biệt, nhất là kĩ năng thuyết trình, dẫn dắt chương trình, hoạt náo và đứng trước đám đông. Cũng học thêm được nhiều kiến thức về văn học dân gian mà nếu như không có dự án chắc em chẳng bao giờ tìm hiểu tới như là truyện cổ tích Nhật Bản nên em rất thích kiểu học tập qua dự án như này vì các bạn đều có tham gia dựng chương trình nên sẽ quý thành quả của mình hơn!”

Minh Nhật lớp 10A15 thì thích thú với phần nội dung khác: “Em thấy rằng đây vừa là một sân chơi thiết thực, vui nhộn, vừa là một trải nghiệm thú vị, đầy sự mới mẻ dành cho tất cả các bạn học sinh, các em nhỏ. Qua dự án mọi người đã có một cái nhìn độc đáo, đặc sắc hơn về những câu chuyện dân gian, những trò chơi tưởng chừng đã cũ, nhưng khi được thấy, được nếm qua hương vị ngây thơ ấy thêm một lần, em lại thấy mình nhẹ nhỏm, cảm thấy phấn khởi hơn khi được hoà mình vào những điều dân dã mà quên bén đi những áp lực từ việc học hành, thi cử.

Học văn học dân gian qua Dự án "Tìm về lời ru" ảnh 5

“Tìm về lời ru” còn giúp cho em cũng như nhiều bạn khác những hiểu biết về các mẫu chuyện, không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn vươn xa ra nước bạn. Chúng em được trau dồi kĩ năng tư duy, bản lĩnh cũng như tính sáng tạo qua từng trò chơi, từng câu đố.

Từ việc vận động mọi người chơi những trò chơi dân gian, sự đoàn kết lại được bùng lên thấy rõ, tụi em dù chơi có đổ mồ hôi, ướt cả áo những vẫn cười rất tươi, vì cũng lâu không có dịp đông đủ do lo chuyện học nhiều, đây là điều em thật sự thích.

Cùng với đó, ngày thực hiện dự án, em đã rất ấn tượng trước những cách trang trí hết sức tươi mới, trẻ trung mang những màu sắc hết sức cuốn hút, sự nhiệt tình của các bạn, các vở diễn, các bài ca, bài rap vô cùng hay ho và độc lạ... Và cuối cùng, em cảm kích vì sự kì công chuẩn bị cho dự án lần này và thấy vui vì mình được may mắn tham dự cùng mọi người.”

Lê Hoàng 10A3 xúc động chia sẻ: “Qua dự án, em nhận thấy các bạn mình thật sự quá tài năng, được thể hiện qua nhiều lĩnh vực. Chúng em đã có những sản phẩm tốt hơn mong đợi: các bức vẽ siêu đẹp, các bookmark tinh tế, các đạo cụ tự chế thật đáng ngưỡng mộ, những giọng hát ngọt ngào không thua ca sĩ chuyên nghiệp, những vở kịch ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích, cả phần đọc rap hay không thể ngờ. Lòng nhiệt huyết của cả tập thể và sự dẫn dắt tuyệt vời của cô giáo đã làm nên thành công hơn mong đợi của dự án...

Qua dự án lần này, em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về cách làm việc nhóm và kỹ năng thu hút sự chú ý của mọi người khi dẫn chương trình trước nhiều thầy cô và các bạn.

Bằng những lời khuyến khích, động viên của Cô Huệ, em thấy mình có thêm sự tự tin, gan dạ khi đứng trên sân khấu. Có thể nói, “Tìm về lời ru” là một vé tàu tuổi thơ giúp ta cập bến sân ga tuổi nhỏ. Em tin rằng không chỉ riêng em mà tất cả các bạn cũng sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm đáng nhớ này.”

Chia sẻ từ giáo viên trực tiếp tham gia dự án, cô Nguyễn Thu Hà giáo viên trường Tiểu học Phùng Hưng bày tỏ: “Dự án như một nhịp cầu kết nối vô cùng ý nghĩa, giúp các con lớp tiểu học vui vẻ hơn qua mỗi tiết học vì được làm việc nhóm, được cùng nhau ngồi thiết kế bookmark với nội dung VHDGVN để các con đọc sách nhiều hơn, thêm sự hiểu biết về VHDGVN nhiều hơn, ngoài ra các con còn được kết nối online với các anh chị lớp lớn hơn để kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích, cùng nhau chơi những trò chơi tìm hiểu kiến thức VHDG thật sinh động và dễ thương...”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ