Kinh nghiệm dạy học văn thuyết minh gắn với di sản, di tích

GD&TĐ - Việc tổ chức dạy học thể loại văn thuyết minh gắn với các di sản, di tích tại địa phương là một trong những con đường góp phần thực hiện tốt mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”.

Kinh nghiệm dạy học văn thuyết minh gắn với di sản, di tích

Dạy học gắn với di sản thông qua tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh. Đây là hình thức dạy học giàu sự sáng tạo, trực quan, hấp dẫn, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh.

Học sinh làm clip giới thiệu về di tích văn hóa địa phương
Học sinh làm clip giới thiệu về di tích văn hóa địa phương
“Trường học gắn với di sản văn hóa” là cách vận dụng sáng tạo mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, mô hình lý thuyết gắn với thực tiễn, tránh học lý thuyết hàn lâm. Đây là mô hình góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. 

Việc tổ chức dạy học thể loại văn thuyết minh gắn với các di sản, di tích tại địa phương là một trong những con đường góp phần thực hiện tốt mô hình này.

Thể loại văn thuyết minh - là một dạng văn bản phổ biến và sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong văn học. Văn  thuyết minh đóng vai trò cung cấp cho người đọc, người nghe những nội dung kiến thức về tính chất, đặc điểm, thành phần, tác dụng,... của những sự vật, hiện tượng tự nhiên bằng cách giới thiệu, giải thích, trình bày.

Để hướng dẫn học sinh tiếp cận thể loại này, dạy học gắn với di sản là phương pháp dạy học phù hợp nhằm phát huy tốt năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mĩ cho học sinh đồng thời giáo dục các em có ý thức bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Dạy học văn thuyết minh gắn với di sản có thể tổ chức tại lớp học, tại nơi có di sản hoặc gắn với các hoạt động ngoại khóa.

Dạy học gắn với di sản nhằm phát huy tốt năng lực ngôn ngữ đồng thời giáo dục các em có ý thức bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Dạy học gắn với di sản nhằm phát huy tốt năng lực ngôn ngữ đồng thời giáo dục các em có ý thức bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.

Tại nơi có di sản, dạy học văn thuyết minh có thể thực hiện theo một quy trình gồm 5 bước, cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị: Giáo viên trao đổi với học sinh thống nhất địa điểm, khung thời gian, nội dung cần tìm hiểu, hình thức tham quan, liên hệ với ban quản lý các di sản. Học sinh tìm hiểu, thu thập tài liệu, chuẩn bị các thiết bị hỗ trợ như máy quay phim, máy ghi âm, máy chụp ảnh, sổ ghi chép.

Bước 2: Tiến hành tham quan tìm hiểu: Học sinh được trực tiếp tham quan địa điểm đã thống nhất, tiến hành ghi chép, trao đổi thảo luận trong quá trình tiếp xúc thực tiễn.

Bước 3: Chia sẻ: Học sinh trình bày lại kết quả mà bản thân thu nhận được từ quan sát, tìm hiểu, cảm nhận thực tiễn. Có thể tiến hành bằng nhiều hình thức như thuyết trình, viết bài, vẽ tranh, có thể quay video thuyết minh,... qua đó giúp học sinh phát triển ngôn ngữ cũng như nâng cao năng lực giao tiếp.

Bước 4: Đánh giá: Giáo viên tổ chức đánh giá hoạt động trải nghiệm của học sinh, từ đó xây dựng, nâng cao ý thức, niềm tự hào về giá trị văn hóa, văn học, ý thức bảo vệ, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của quê hương.

Bước 5: Vận dụng: Vận dụng những tri thức lĩnh hội được qua các hoạt động thực tiễn vào cuộc sống với các hình thức như: xây dựng các dự án: quảng bá vẻ đẹp quê hương, tham gia các chương trình như “Tự hào Việt Nam”,...

Trong trường hợp không thể tổ chức dạy học trực tiếp, giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh qua hoạt động tại lớp bằng nhiều hình thức học tập như sân khấu hóa, tổ chức sự kiện, diễn đàn, cuộc thi, hội thi, câu lạc bộ,… trên cơ sở học sinh tự học, tự nghiên cứu các thông tin, tư liệu về di sản dưới sự hướng dẫn của giáo viên, qua đó học sinh biết phát huy những giá trị sống tốt đẹp, tình yêu quê hương, đất nước.

Di sản là một nguồn nhận thức, một phương tiện trực quan quý giá trong dạy học nói riêng, giáo dục nói chung. Vì vậy, sử dụng di sản trong dạy học thể loại văn thuyết minh ở trường phổ thông có ý nghĩa quan trọng, giúp học sinh phát triển kĩ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức, cũng như kích thích hứng thú học tập, phát triển trí tuệ giáo dục nhân cách kĩ năng sống cho học sinh. Dạy học gắn với di sản là động lực "mở lối" đưa di sản tới tương lai, bồi đắp niềm tự hào dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.