Các đại học Mỹ chia làm 2 hệ thống gồm National University (NU- Đại học quốc gia, còn được gọi là trường công) và Liberal Art College (LAC - Đại học giáo dục khai phóng, còn được gọi là trường tư).
Có một số quan ngại rằng, học ở trường tư tại Mỹ không có lợi bằng trường đại học lớn trong quá trình xin việc. Thực tế liệu các trường tư có hỗ trợ nhiều cho sinh viên trong quá trình xin việc là nội dung được các du học sinh Việt tại Mỹ giải đáp.
Sinh viên trường LAC có được sự hỗ trợ "chân tơ kẽ tóc"
Bạn Cao Xuân Hoàng, sinh viên năm 3 ngành Tin học và Xác suất ở ĐH Grinnell (top 18 ĐH Liberal Arts, Mỹ) cho biết, với quy mô sinh viên nhỏ, các trường đại học tư ở Mỹ sẽ có mạng lưới học sinh thân mật và gắn kết hơn. Ở Grinnell, Xuân Hoàng có được sự hỗ trợ từ các cựu sinh viên của trường hiện đang làm việc ở Google, Facebook.
Theo 9X Việt, các anh chị cựu sinh viên trở lại trường tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, luyện phỏng vấn cho các em khóa sau.
“Lợi thế của sinh viên các trường đại học khai phóng là nhận được sự quan tâm lớn hơn của các giáo sư, người từng học ở trường. Cựu học sinh từng thành công sẽ chia sẻ kinh nghiệm, sau đó, em cũng có thể nhờ họ phỏng vấn mình thử và đưa cho họ “resume” – sơ yếu lí lịch của mình.
Em nghĩ đây là lợi thế tương đối tốt của hệ thống trường Liberal Art College so với National University”, Hoàng cho hay.
Bạn Lưu Tiến Minh Quang, sinh viên năm 2 ngành Kinh tế học, kinh tế lượng và triết học tại ĐH Tuft (top 29 National University, Mỹ) thì nhấn mạnh rằng, các trường lớn ở Mỹ có mạng lưới quan hệ với các công ty, tập đoàn lớn khá nhiều. Hơn thế, hệ thống trường quốc gia cũng có nhiều hỗ trợ cho sinh viên, quy mô, cơ sở vật chất phục vụ học tập tốt.
Như vậy, các hệ thống trường đều có sự chuẩn bị riêng cho sinh viên kỹ năng xin việc sau khi ra trường khác nhau, sinh viên nên biết tận dụng lợi thế, hỗ trợ của trường theo học để xây dựng lộ trình nghề nghiệp.
Xác định lộ trình nghề nghiệp ngay từ năm đầu du học
Minh Quang tâm sự, bản thân em là học sinh có nền tảng Toán học ở Việt Nam lại yêu thích ngành Toán và Kinh tế nên đã chọn đã chọn ngành học như hiện tại. Hai năm đầu em đã học 3 lớp Đại số tuyến tính.
Chàng trai Việt xác định, nếu theo ngành Kinh tế lượng, lộ trình xin việc tại Mỹ phổ biến của một sinh viên quốc tế là vào làm tại các ngân hàng. Bởi lẽ, các ngân hàng cần phân tích chuyên sâu về xác suất thống kê do đó cần những ứng viên có nền Toán để phân tích số liệu nhằm có chiến lược đầu tư hợp lý.
Ngoài ra, cử nhân cũng có thể làm ở lĩnh vực tư vấn cho các công ty, đây là ngành đang khá “hot” tại Mỹ và đòi hỏi ứng viên có kỹ năng nghiên cứu, đọc hiểu số liệu.
Bạn Phạm Đức Kiên, sinh viên năm nhất ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH Bolden (top 3 Liberal Arts, Mỹ) lại theo đuổi ngành quan hệ quốc tế bởi em là người quan tâm đến các vấn đề chính trị thế giới.
Đức Kiên từ sớm đã định hình được rằng, những người du học ngành Quan hệ quốc tế sau này thường có 3 lộ trình nghề nghiệp, gồm: Vào Chính phủ Mỹ làm việc cho Bộ Ngoại giao; làm cho tập đoàn quốc tế để mở thêm chi nhánh ở các quốc gia khác hoặc cũng có thể học lên cao học, phát triển nghiên cứu hay đi giảng dạy.
Từ năm nhất, các bạn trẻ này đã nắm rất rõ về lộ trình công việc của mình cũng như hướng đi dài hạn, đây có thể nói là điều rất quan trọng khi định hướng sự nghiệp.
Thêm vào đó, bạn trẻ cũng cần cập nhật xu hướng nghề nghiệp mà thị trường Mỹ. Ngoài nhóm ngành STEM nước Mỹ đang cần thì kinh tế lượng và ngành định lượng nói chung, thống kê xác suất, khoa học dữ liệu là những ngành mới nổi, khá thú vị ở quốc gia này. Tùy theo thiên hướng, các du học sinh Việt có thể đi lộ trình nghề nghiệp phù hợp.
Việc tham gia các chương trình thực tập từ sớm giúp du học sinh mở rộng lộ trình nghề nghiệp. Theo Cao Xuân Hoàng, khi xây dựng hồ sơ thực tập, quan trọng nhất là ngành học liên quan đến công việc mình xin thực tập, đó là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng có thể xem xét.
“Ngoài ra, bản thân du học sinh rất cần thiết xây dựng quan hệ với giáo sư trong ngành của mình, họ sẽ giúp bạn phần giới thiệu với các công ty giúp khả năng được nhận thực tập cao.
Thêm nữa, trong vòng phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ đánh giá kỹ năng mềm, xử lý tình huống, khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm của mình”, Hoàng chia sẻ.
Bạn Lưu Tiến Minh Quang cho hay, các công ty đa phần không nhận sinh viên năm nhất vào thực tập (mà thường nhận sinh viên năm ba nhiều hơn). Tuy nhiên, nếu hai nằm đầu không xin được vị trí thực tập thì nhiều cơ hội vẫn mở ra nếu bạn trẻ chủ động tạo quan hệ tốt với các giáo sư ở trường đại học.
“Trong năm vừa rồi em liên lạc với giáo sư trong trường, để hỏi các giáo sư có ai đang nghiên cứu mảng mình muốn theo đuổi không. Nếu có, em sẵn sàng xin phụ giúp giáo sư trong phòng thí nghiệm, làm các dự án/ công trình nghiên cứu.
Ngoài ra, nếu việc xin thực tập ở Mỹ quá cạnh tranh thì chúng ta cũng có thể tìm hiểu cơ hội xin thực tập ngoài Mỹ, chắc chắn sẽ mang lại những kinh nghiệm bổ ích không kém”, Minh Quang nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm của Minh Quang, bạn Phạm Đức Kiên hào hứng cho biết, mùa hè này em có một dự án làm nghiên cứu về an ninh và vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á nhờ liên lạc với một giáo sư dạy em trong học kỳ 1 tại ĐH Bowdoin.
Nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm xây dựng hồ sơ kinh nghiệm từ năm đầu du học, ở những năm cuối du học sinh sẽ có lợi thế hơn về tài trợ visa (đặc biệt là những sinh viên học ngành được ưu tiên tại Mỹ).
Các du học sinh Việt xuất sắc nhấn mạnh rằng: Ở Mỹ, sự chủ động quan trọng nhất. Từ khóa không thể thiếu trong lộ trình nghề nghiệp là “networking” - xây dựng mối quan hệ bởi khi đi du học chúng ta vốn đã thiệt thòi hơn sinh viên bản xứ về mối quan hệ.
Quan hệ với giáo sư, bạn bè, cựu học sinh – đó là tài sản quan trọng ở trường mà du học sinh có thể tận dụng được nhằm có kỹ năng tích lũy kinh nghiệm, cơ hội thể hiện bản thân mình.