Việc ứng dụng CNTT nói trên đồng thời bảo đảm quyền tự chủ của các trường trong hoạt động này.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. |
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 cơ bản ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh về kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh. Theo đó, mọi khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến, từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho đến đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, nộp lệ phí và cuối cùng là xác nhận nhập học, tất cả đều được thực hiện online.
Năm nay, thí sinh có 3 tuần để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần). Phần mềm Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) tiếp tục được hoàn thiện nhằm giảm thiểu sai sót và giải quyết vướng mắc, tồn tại ở những năm trước. Hệ thống sẽ xét tuyển, lọc ảo tất cả phương thức tuyển sinh.
Đáng chú ý, năm nay thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển mã ngành học/trường học, không phải lựa chọn tổ hợp hay phương thức xét tuyển. Khi đăng ký lên Hệ thống, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất. Nghĩa là, thí sinh có thể trúng tuyển sớm vào 10 trường khác nhau, nhưng các em chỉ có thể học ở 1 ngành, 1 trường. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho bạn khác. Đây cũng là giải pháp mà Hệ thống đã lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành cơ hội cho người xếp hàng sau. Đó là ưu việt của Hệ thống, tạo cơ hội cao nhất cho thí sinh khi đăng ký chính xác, đầy đủ toàn bộ quy trình.
Thuật toán trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT cũng như hệ thống của các cơ sở giáo dục đại học khi chạy lọc ảo sẽ tiến hành sắp xếp nguyện vọng của thí sinh. Hệ thống sẽ tự động ưu tiên cho tổ hợp, phương thức tối ưu ở nguyện vọng cao nhất. Chỉ khi nào các em không thể trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất mới bắt đầu xét đến nguyện vọng thứ hai.
Ở nguyện vọng thứ hai, trên toàn Hệ thống cũng xét lại một lần nữa. Lợi thế khi tham gia vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là các em không bị thiệt thòi, dù có xét tuyển ở những nguyện vọng đặt vị trí thấp hơn. Hệ thống không xét tổ hợp mà thí sinh có điểm cao nhất mà xét điểm, tổ hợp nào tối ưu nhất để có thể trúng tuyển.
Bởi có những tổ hợp điểm của thí sinh rất cao, nhưng những bạn khác có điểm cao hơn nên chưa chắc đã trúng tuyển. Tuy nhiên, ở một tổ hợp khác, điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh có thể không cao bằng nhưng vẫn có cơ hội trúng tuyển. Do đó, thí sinh yên tâm trong việc lựa chọn xét tuyển, sắp xếp nguyện vọng mình mong muốn nhất và thực sự muốn cống hiến cho lĩnh vực đó.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh cùng nhiều giải pháp khác đã khắc phục được tình trạng thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển từ nhiều cơ sở đào tạo mà các em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Năm nay, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong 3 tuần (từ ngày 10/7 - 30/7). Tính đến cuối ngày 30/7, có hơn 660 nghìn thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 66% so với số em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, tỷ lệ này là 64,07%. Cho đến thời điểm này có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội): Thuận lợi cho thí sinh và nhà trường
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh. |
Năm nay, nhờ Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn phương thức và tổ hợp xét tuyển. Các em chỉ cần chọn ngành, trường mà mình yêu thích, mong muốn được theo học và đăng ký trên Hệ thống. Điều này giúp cho thí sinh giảm thiểu sai sót trong quá trình xét tuyển và cơ sở giáo dục đại học cũng không phải xử lý những tình huống theo kiểu “trượt oan” như những năm trước.
Các năm trước, nhiều em mắc phải một số sai sót về mặt kỹ thuật khi lựa chọn nhầm phương thức, tổ hợp, cuối cùng không đạt được kết quả tốt nhất. Năm nay, Hệ thống đã ưu việt hơn khi cho phép thí sinh không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển. Với chủ trương này, các cơ sở giáo dục đại học sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.
Từ góc nhìn của cơ sở đào tạo, tôi thấy công tác tuyển sinh ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và nhà trường, trên hết là đảm bảo quyền lợi của các bên. Đặc biệt, với việc áp dụng công nghệ thông tin triệt để trong tất cả khâu tuyển sinh nên thông tin và kết quả tuyển sinh ngày càng minh bạch; đảm bảo quyền tự chủ của mỗi trường.
PGS.TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Các trường được cạnh tranh bình đẳng
PGS.TS Đào Đăng Phượng. |
Những năm trước, tỷ lệ thí sinh ảo khá lớn nên các trường rất vất vả. Tuy nhiên từ năm ngoái, tất cả phương thức xét tuyển đều được lọc ảo trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Nhờ đó, số thí sinh ảo giảm rõ rệt. Với những nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong chuyển đổi số đã giúp các trường tuyển sinh khá tốt, đạt được kết quả và mục tiêu đề ra. Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có thể xác định được gần như chính xác số thí sinh đăng ký xét tuyển, số trúng tuyển và xác nhận nhập học vào trường.
Có thể nói, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là bước đột phá cho chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đảm bảo chất lượng đầu vào của cơ sở đào tạo, thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, trường khác nhau. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên Hệ thống để xác định ngành và trường trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Cơ sở đào tạo có dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT và thông tin về ưu tiên khu vực, đối tượng của thí sinh trên Hệ thống để xét tuyển. Đặc biệt, các trường được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. |
Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; công tác tuyển sinh đại học được đổi mới và cải tiến theo từng năm và dần đi vào ổn định như mong muốn của xã hội. So với nhiều năm trước, công tác này trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực và ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành học phù hợp nhất.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong tuyển sinh cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, cơ sở giáo dục đại học buộc phải cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; đồng thời thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình và thủ tục riêng. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ có đầy đủ dữ liệu về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá những vấn đề còn bất cập, khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh (nếu có). Trên cơ sở đó tìm ra biện pháp và thống nhất điều chỉnh, cải tiến khắc phục trong những năm tới.
Thí sinh Lê Trọng Bách: Dấu ấn tốt đẹp
Thí sinh Lê Trọng Bách. |
Em đã trúng tuyển sớm vào một số trường theo phương thức xét học bạ. Tuy nhiên, nguyện vọng của em là được trở thành sinh viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm nay, việc đăng ký xét tuyển, nguyện vọng diễn ra thuận lợi. Hệ thống trơn tru, thân thiện nên không gặp sự cố ngoài mong muốn.
Với góc nhìn cá nhân, em thấy, Bộ GD&ĐT và các trường nhận phần khó về mình nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Chẳng hạn như, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển chính thức trên Hệ thống, chúng em có 4 ngày để thực hành, làm quen.
Hay như việc Bộ GD&ĐT mở lại Hệ thống để các điểm tiếp nhận tiếp tục mở tài khoản đăng ký xét tuyển cho thí sinh tự do… Những gì Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học đã và đang làm khiến chúng em cảm kích và biết ơn. Mùa tuyển sinh năm nay để lại cho em nhiều dấu ấn tốt đẹp, với những kỷ niệm khó phai. Em tin, tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ thành công trên mọi phương diện.
“Tất cả vướng mắc trong quá trình triển khai sẽ được Bộ GD&ĐT ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho các năm tiếp theo. Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của Hệ thống. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để ngày càng tối ưu hơn”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.
Bình luận