Giáo viên cần sát sao
Tại Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), giờ thể dục được xếp vào tiết 1, 2 buổi sáng trong tuần. Nhiều nội dung thầy cô bố trí tại nhà thể chất có mái che và đầy đủ trang thiết bị phục vụ tập luyện cho học sinh. Những ngày nắng nóng, giáo viên có thể sắp xếp tập luyện tại khu vực có bóng mát/nhà thể chất, hoặc thay đổi lịch học phù hợp điều kiện thời tiết.
Một trong các yếu tố quan trọng đối với giáo viên môn Giáo dục thể chất được cô Hiệu trưởng Phan Thị Hằng Hải nhấn mạnh, đó là sự sát sao theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh lý từng học sinh. Mỗi em có nền tảng thể lực khác nhau, thầy cô phải thực sự tinh tế và không nên áp đặt máy móc yêu cầu về bài học vận động. Tại trường, công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được thực hiện đầy đủ. Giáo viên thường xuyên phối hợp, hỏi thăm nắm bắt tình hình sức khỏe học trò qua phụ huynh.
Cùng quan điểm trên, thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) khẳng định, theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục thể chất là một trong các bộ môn thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Môn này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực bằng những bài tập đa dạng như rèn kỹ năng vận động cơ bản, đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và phương pháp phòng tránh chấn thương trong vận động.
“Lứa tuổi THCS có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, thầy cô phải chú ý điều này để tránh tình trạng ép học sinh tập luyện quá sức, nhất là nữ sinh. Nhà trường vẫn bố trí đủ 2 tiết/tuần nhưng tránh học vào tiết cuối buổi sáng. Hôm nào thời tiết nắng nóng, thầy trò tập trong nhà đa năng hoặc khu vực nhiều cây xanh. Giáo viên bộ môn phải kiểm tra nhanh sức khỏe học sinh mỗi tiết để giao bài tập phù hợp. Em nào có dấu hiệu bệnh tim mạch, hô hấp phải báo cáo ban giám hiệu và phụ huynh”, thầy Hùng trao đổi thêm.
Còn cô Trần Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, hôm nào thời tiết mưa to hoặc nắng nóng, giáo viên cho các em tập thể dục trên lớp để đảm bảo an toàn. Vì nhà đa năng diện tích chưa đủ rộng, thầy cô trong nhóm Giáo dục thể chất sẽ điều phối, tuyệt đối không để học trò tập luyện ngoài trời nắng. Các nội dung tập luyện, kiểm tra, đánh giá cũng theo hướng linh hoạt, phù hợp lứa tuổi.
Học sinh thi môn Nhảy cao tại Trường THPT A Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: TG |
Thay đổi từ nhận thức
Là đơn vị đào tạo các chuyên ngành về thể dục thể thao, PGS.TS Đặng Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh cho hay, nhà trường có hệ thống nhà tập, sân bãi khá hoàn chỉnh để phục vụ nhu cầu tập luyện thể chất cho hơn 2 nghìn sinh viên của trường. Dù vậy, thầy cô vẫn thường xuyên theo dõi, phân loại từng em về sức khỏe để lựa chọn nội dung tập luyện thích hợp. Em nào nền tảng thể lực không tốt chỉ tập luyện với cường độ vừa phải.
PGS.TS Đặng Văn Dũng phân tích thêm, trong giai đoạn giáo dục cơ bản ở các trường phổ thông, Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe. Thông qua trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao. Học sinh chọn nội dung phù hợp nguyện vọng và khả năng đáp ứng của nhà trường. Các em được tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao để có định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, giáo dục thể chất góp phần xây dựng công dân thế kỷ 21 qua các hoạt động. Từ đó giúp người học hình thành nền tảng kiến thức khoa học về sức khỏe, trải nghiệm niềm vui vận động, cảm xúc vui vẻ hạnh phúc khi tham gia hoạt động cùng bạn bè. Các em cũng được phát triển các kỹ năng vận động khéo léo, nâng cao năng lực kiểm soát bản thân, giảm stress, rèn ý chí và nghị lực kiên cường.
Với yêu cầu trên, giáo viên dạy giáo dục thể chất phải am hiểu về sự phát triển cá nhân, vận động và thể lực, dinh dưỡng và sức khỏe người học. Từ đó, thiết kế sáng tạo các hoạt động thể chất đa dạng từ vận động cơ thể, thể dục dụng cụ, trò chơi với bóng, vận động biểu diễn, bơi lội… với thời lượng phù hợp và đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong thể thao.
“Gia đình, nhà trường, học sinh và chính giáo viên cần thay đổi nhận thức Giáo dục thể chất không phải là môn phụ, không chỉ là hoạt động thể dục. Cần để giáo viên Giáo dục thể chất không cảm thấy tự ti về vị thế của mình so với môn học khác. Đừng để học sinh vì thiếu coi trọng môn Giáo dục thể chất mà trở nên ngại, lười vận động. Giáo viên Giáo dục thể chất phải tạo ra tình yêu với việc vận động ở học sinh thay vì trừng phạt bằng các hoạt động thể chất quá mức có thể dẫn đến nguy hiểm”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Sau sự việc của nữ sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Buôn Đôn, Đắk Lắk), Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giáo dục thể chất trường học.
Theo đó, các đơn vị điều chỉnh thời gian giảng dạy môn Giáo dục thể chất và tổ chức hoạt động thể thao trường học; lựa chọn địa điểm tổ chức phù hợp ở nơi có nhiều bóng mát, cây xanh, nhà đa năng; không bố trí vào tiết thứ 5 các buổi sáng hằng tuần, không dạy ghép 2 tiết/buổi đối với môn Giáo dục thể chất…