Sáng 14/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học và thực hiện quyền trẻ em năm học 2023-2024 tại Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa).
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì với sự tham gia của đại diện các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Các đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên cả nước dự Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Những kết quả tích cực
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2022-2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023-2024.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện năm học và tiếp tục triển khai hiệu quả đề án Tổng thể phát triển Giáo dục thể chất và Thể thao trường học giai đoạn 2022-2025; bảo đảm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quy định. Các Sở GD&ĐT đã kịp thời có các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Bộ.
Công tác tổ chức các hoạt động thể thao gắn liền với nội dung môn học giáo dục thể chất đã được quan tâm, các địa phương tích cực tổ chức triển khai ở cấp cơ sở và tham gia các hoạt động cấp quốc gia.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức 7 hoạt động thể thao dành cho học sinh, sinh viên với sự tham gia tích cực của các địa phương.
Tiêu biểu trong số này là "Giải chạy dành cho học sinh, sinh viên S-Race 2022" tổ chức phát động trực tiếp tại 5 tỉnh, thành: Quảng Nam, TPHCM, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An với sự tham gia của 30.000 học sinh, sinh viên, thầy cô trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Không chỉ tập trung các hoạt động thể thao dành cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn thể thao học sinh, sinh viên, tham dự các đại hội thể thao trong khu vực, thế giới và giành được những kết quả đáng khích lệ.
Về công tác y tế trường học, Bộ, các địa phương và cơ sở giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, theo dõi tình hình dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19.
Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm… đạt những kết quả tích cực.
Trong công tác đảm bảo an toàn trường học, các Sở GD&ĐT, các nhà trường đã triển khai xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng triển khai xây dựng Thông tư Hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên theo đúng tiến độ. Thông tư dự kiến sẽ được ký ban hành trong tháng 9/2023 và áp dụng cho năm học 2023-2024.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT ban hành và tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của ngành giáo dục” và tài liệu hướng dẫn thực hiện nội dung quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền vui chơi giải trí của trẻ em trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học tồn tại một số hạn chế như: Đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất còn thiếu, đặc biệt ở cấp tiểu học; cơ sở vật chất, trang thiết bị và quỹ đất dành cho học sinh, sinh viên luyện tập thể thao còn hạn chế.
Công tác y tế, an toàn trường học cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu tổ chức về y tế trường học tại một số địa phương chưa đồng bộ, chưa cụ thể đầu mối dẫn đến khó khăn trong triển khai. Mạng lưới nhân viên y tế trong trường học thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng.
Công tác truyền thông về giáo dục sức khỏe, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, vệ sinh cá nhân và bữa ăn học đường; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước… đôi khi còn bị động, chưa kịp thời, chưa bao phủ hết những vùng sâu, vùng xa.
Toàn cảnh Hội nghị tại Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Nguyễn Thanh Đề nêu một số nhiệm vụ chung trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế học đường trong năm học 2023-2024.
Theo đó, ngành giáo dục sẽ triển khai các chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”; chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”; Đề án đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh, sinh viên gắn liền với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học. Ngoài ra, tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2023 và Hội khỏe Phù Đổng các cấp lần thứ 10 năm 2024.
Cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận
Tại hội nghị, hơn 10 đại biểu đại diện cho các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất, góp ý để xây dựng, hoàn thiện công tác giáo dục thể chất và thể thao trong các nhà trường.
Trong đó, các đại biểu đề xuất giải pháp tăng cường đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất, cơ sở vật chất trong nhà trường.
Các biện pháp nhằm xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, đuối nước cũng được nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị.
Trong đó, vấn đề nhận thức với giáo dục thể chất, thể thao học đường được nhiều đại biểu quan tâm. Bởi xã hội hiện còn quan niệm, giáo dục thể chất là môn học phụ, bổ sung, nên chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mực.
Đại biểu Lê Ngọc Thạnh đến từ Sở GD&ĐT Quảng Trị nêu ý kiến. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tổng kết phiên thảo luận buổi sáng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả đạt công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học tại các địa phương và cơ sở giáo dục, trong đó có nỗ lực rất lớn từ phía các thầy cô giáo.
Theo Thứ trưởng, công tác này trong thời gian tới cần thay đổi cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền công dân được nêu trong Hiến pháp 2013; những thay đổi tích cực từ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Luật Giáo dục năm 2019.
Về nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thứ trưởng lưu ý 8 vấn đề chính.
Thứ nhất, công tác truyền thông cần được tăng cường để nhà trường, xã hội nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao học đường.
Ở đây, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng nhận thức của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu từng đơn vị, cơ sở giáo dục cần đặt vị trí mình vào các em học sinh, sinh viên, đáp ứng được nhu cầu sức khỏe tinh thần, thể chất cho các em.
Thứ hai, trong bối cảnh cơ sở vật chất, điều kiện cho hoạt động giáo dục thể chất, thể thao học đường còn hạn chế, các cơ sở giáo dục cần kết nối với nhau để khai thác cơ sở vật chất sẵn có.
Bà nêu ví dụ, ở nhiều trường học, các Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách đội rất sáng tạo, năng động, tổ chức, kết nối các hoạt động giáo dục thể chất, thể thao với nhiều hình thức khác nhau.
Các trường học, thầy cô cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh, đặc biệt sau khi các em đã trải qua đợt dịch Covid-19.
Thứ ba, vấn đề an toàn trường học cần được quan tâm. Trong đó, Thứ trưởng lưu ý đến tình trạng đuối nước, thuốc lá điện tử, ma túy xâm nhập vào trường học. Nhà trường phải hướng tới các tiêu chí của trường học hạnh phúc, an toàn, thân thiện.
Thứ tư, cần đổi mới cách ghi nhận, đánh giá, khen thưởng trong hoạt động giáo dục thể chất, thể dục thể thao.
Thứ năm, năm học tới sẽ diễn ra Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2023 và Hội khỏe Phù Đổng các cấp lần thứ 10 năm 2024.
"Nhà trường, thầy cô cần tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thể thao tích cực, hiệu quả nhất, gắn thể thao quần chúng với thể thao thành tích cao", Thứ trưởng lưu ý.
Đại diện các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ sáu, liên quan đến một số ý kiến về bố trí giáo viên cơ hữu cho công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao, Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận. Thứ trưởng cũng mong các trường khắc phục khó khăn, tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ làm công tác này.
Thứ bảy, cần lưu tâm đến 3 yếu tố chất lượng, công bằng, hòa nhập trong công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao.
Cuối cùng, ngành giáo dục, các địa phương cần có tiếng nói để các cấp, ban, ngành cùng đồng hành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho những sinh viên đạt Huy chương đồng trong ĐH thể thao SV thế giới. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hội nghị tập huấn triển khai công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học và thực hiện quyền trẻ em năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/8 tại Trường Đại học Nha Trang.
TS Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết: "Với vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức, trường hy vọng, với sự chủ trì của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các đại học, các trường đại học, cao đẳng, học viện, chúng ta sẽ tạo ra các diễn đàn để các nhà quản lý, thầy cô làm công tác giáo dục thể chất, y tế trường học cùng nhau trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về các chủ đề của hội nghị, hội thảo và các lớp tập huấn".