Thế nhưng, trong điều kiện “khiêm tốn” ấy, các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) vẫn diễn ra sôi nổi sau mỗi giờ tan lớp.
Phát triển phong trào thể dục thể thao
Cuối mỗi buổi chiều, sân tập của Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên lại nhộn nhịp bởi các hoạt động TDTT. Theo thầy Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường, không khí này được duy trì nhiều năm qua. Đặc biệt là những năm gần đây, khi nhà trường được quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn về điều kiện cơ sở vật chất như: Nhà đa năng, sân chơi bóng chuyền, bóng rổ…
“Do toàn bộ học sinh ở tập trung nên việc chăm lo, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em ngoài giờ lên lớp được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong đó không thể thiếu hoạt động luyện tập TDTT. Vừa đáp ứng sở thích, đây còn là điều kiện tốt để các em rèn luyện sức khỏe phục vụ học tập”, thầy Hoàn lý giải.
Cũng theo thầy Hoàn, ngoài việc đầu tư hoàn thiện sân chơi, phát động phong trào luyện tập thể thao, nhà trường còn khuyến khích thành lập và duy trì các câu lạc bộ (CLB) cùng sở thích. Để tạo động lực, thu hút đông đảo học sinh các khối lớp hoạt động thường xuyên, nhà trường huy động và khuyến khích giáo viên cùng tham gia. Thầy cô vừa là lực lượng phát động phong trào vừa đóng vai trò định hướng, hỗ trợ các em.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ) tham gia môn bóng rổ. Ảnh: NTCC |
Tương tự, nhiều năm qua, thể thao đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động thường xuyên của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ). Nhà trường hiện duy trì nhiều CLB thể thao học sinh, như: Cầu lông, bóng đá, bóng rổ... Đây cũng là ngôi trường đầu tiên tại Điện Biên đưa môn Bơi lội vào giảng dạy.
Là thành viên tích cực trong CLB bóng đá nhà trường, em Hồ Việt Hùng, lớp 12R chia sẻ, do yêu thích bộ môn này nên ngay từ năm lớp 10 em đã tham gia sinh hoạt CLB. CLB hiện có 20 thành viên hoạt động thường xuyên. Ngoài luyện tập hàng ngày để nâng cao sức khỏe, CLB còn tham gia đá giao hữu vào cuối tuần.
“Đây là hoạt động em và nhiều bạn mong chờ nhất vào những ngày nghỉ. Bởi chúng em được vận động nhiều, thư giãn đầu óc, thoải mái vui chơi theo đam mê, sở thích. Vừa rồi, tại giải bóng đá thường niên trường tổ chức, em tham gia đá cho đội của lớp. Không phải bạn nào cũng tập luyện môn này thường xuyên như em, nhưng ai nấy đều hết mình nên giải đấu rất sôi nổi”, Hùng bộc bạch.
Thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi thành lập, cùng với việc tập trung dạy tốt học tốt, đơn vị đã nghiên cứu, tổ chức các giải thi đấu để khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thể thao và các CLB liên quan. Cho đến nay, trường đã duy trì tổ chức được 4 mùa “Giải Bóng đá truyền thống tranh cup Lương Thế Vinh” cho cả nam và nữ; 2 mùa giải bơi lội...
“Để truyền cảm hứng và hướng dẫn, giúp đỡ các em luyện tập, nhà trường huy động thầy cô có năng khiếu của từng bộ môn tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết, giao ước với Công ty Sport để tổ chức các cuộc thi bóng rổ quy mô nhỏ. Trường xác định, đây là một trong những biện pháp giúp học sinh vận động nhiều hơn, đam mê thể thao, nâng cao thể lực, sức khỏe và hướng tới thể thao thành tích cao”, thầy Thông chia sẻ.
Sau mỗi giờ học, sân Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên luôn nhộn nhịp bởi không khí rèn luyện thể thao giữa học sinh và giáo viên nhà trường. Ảnh: NTCC |
Tạo “cú hích” từ những giải đấu
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Điện Biên) nhận định: Những năm gần đây, phong trào TDTT trong các trường học tại địa phương diễn ra sôi nổi, phát triển đa dạng hơn. Trong đó, có nhiều môn tổ chức được các giải đấu chuyên sâu, thu hút đông đảo học sinh tham gia, như bóng rổ, bơi lội, bóng bàn, cờ vua...
“Đối với Hội khỏe Phù Đổng các cấp trên địa bàn thời gian gần đây, ngành GD-ĐT cũng đã tham mưu với UBND tỉnh đưa bóng rổ, bơi lội vào nội dung thi chính. Đặc biệt việc phát triển môn Bơi lội trong các nhà trường không chỉ giúp nâng cao thể lực cho học sinh, mà còn tăng cường kỹ năng sống và thực hiện hiệu quả phòng chống đuối nước”, ông Hải nói.
Các giải đấu được xem như “cú hích”, tạo động lực thúc đẩy phong trào rèn luyện TDTT rộng khắp. Không chỉ sôi nổi ở trường vùng thuận lợi, theo ông Hải, từ các giải đấu, phong trào rèn luyện thể thao còn được mở rộng ở nhiều trường học khu vực vùng sâu, vùng xa.
“Các nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế và năng lực của học sinh để chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục thể chất. Đồng thời chỉ đạo giáo viên tổ chức tốt công tác giảng dạy nội - ngoại khóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT; đa dạng hình thức và nội dung luyện tập của học sinh; thành lập và phát huy hiệu quả của các CLB thể dục thể thao trường học. Đặc biệt, trước mỗi giải đấu, hoạt động luyện tập, tuyển chọn… đã tạo thành không khí thi đua sôi nổi ở các nhà trường”, ông Hải cho hay.
Với phong trào luyện tập bóng rổ sôi nổi nhiều năm qua nên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ) luôn nằm trong tốp đầu về thành tích cao trong các giải đấu đối với bộ môn này. Theo chia sẻ của em Phạm Tiến Thành, lớp 11B, không chỉ đầu tư sân tập quy mô, nhà trường còn khuyến khích và duy trì tích cực hoạt động của CLB bóng rổ.
Vì có sở thích với môn này nên ngay khi vào học tại trường, Thành đã tham gia CLB để sinh hoạt thường xuyên hơn. Thành cho hay, vào các buổi chiều, khu vực sân bóng luôn đông vui, nhộn nhịp. Không chỉ có thành viên CLB của trường tham gia mà còn thu hút nhiều bạn ở trường khác đến luyện tập.
“Vừa qua, em được tham gia giải thi đấu các CLB trẻ lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh. Trong đó, có sự góp mặt của 23 CLB, đến từ nhiều tỉnh, thành có phong trào mạnh, như: Hà Nội, Sơn La… Đây là cơ hội để chúng em được cọ sát và thử sức. Sau giải đấu, em rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân và có thêm động lực để tích cực luyện tập hơn”, Thành bộc bạch.
Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) cho biết: “Những năm qua, phong trào TDTT trong trường học tại địa phương đã phát triển mạnh mẽ và có bước đột phá. Đặc biệt là sự xuất hiện của các môn phát triển thể lực, tầm vóc như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bơi lội… Bắt kịp xu hướng này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với ngành Giáo dục, một số đơn vị tổ chức giải thi đấu để thúc đẩy phong trào. Đồng thời, từ đây cũng phát hiện nhiều nhân tố mới để có định hướng, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao”.