Học sinh vùng cao chinh phục sân chơi khoa học thế giới

GD&TĐ - Tại Cuộc thi Sáng tạo Quốc tế tại Canada (iCan 2021), dự án “Hệ thống cảnh báo, cứu hộ tự động và quy trình vận hành hệ thống” của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai đã đạt Huy chương Bạc.

Nhóm học sinh và thầy cô hướng dẫn Trường THPT Chuyên Lào Cai. Ảnh: NVCC
Nhóm học sinh và thầy cô hướng dẫn Trường THPT Chuyên Lào Cai. Ảnh: NVCC

Tính ứng dụng cao

Nói về lý do chọn đề tài cứu hộ tự động trên nước của nhóm, Đào Thị Hải Anh lớp 10A1 - THPT Chuyên Lào Cai (1 trong 3 học sinh nghiên cứu dự án) cho biết: Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm tại Việt Nam trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và là một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ tử vong đuối nước cao. Con số này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển...

Trong khi đó, trên thế giới dù có nhiều đề tài về cứu hộ được ứng dụng song vẫn còn một số nhược điểm liên quan tới định vị khiến con người chịu nhiều tổn thất. Như vậy, khi nhóm chọn thực hiện đề tài về ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS xây dựng hệ thống cảnh báo và cứu hộ toàn cầu tự động sẽ đưa ra được nhiều giải pháp để tạo ra một hệ thống an toàn, cứu được nạn nhân kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp.

Mai Quốc Huy, lớp 10 Hóa, Trường THPT Chuyên Lào Cai (Trưởng nhóm) chia sẻ: Các thành viên đã phải nghiên cứu kĩ càng để hệ thống đạt được các yêu cầu như: Không cần đến sự điều khiển của con người, xác định được vị trí chính xác của nạn nhân. Phạm vi ứng dụng rộng rãi trên mặt nước. Có sự kết hợp giữa hệ thống định vị toàn cầu GNSS và hệ thống thông tin di động toàn cầu GSM.

Đặc biệt, các linh kiện được mô-đun hóa nhỏ gọn để dễ dàng lắp đặt vào thiết bị đeo tay và cứu hộ tự động. Trong cùng một lúc có thể cứu được nhiều người ở các vị trí khác nhau tùy thuộc cài đặt và trọng lượng của sản phẩm. Cảm biến con quay hồi chuyển cũng giúp thiết bị không bị lật trong trường hợp có sóng to. Sử dụng cảm biến siêu âm, cảm biến lazer và công nghệ xử lý hình ảnh giúp thiết bị tránh vật cản trên đường đi…

“Chúng em cảm thấy tâm đắc vì đã được góp sức mình vào việc giảm thiểu tử vong đuối nước ở những nơi xa xôi hẻo lánh không có đủ nhân lực cứu hộ...” – HS Mai Quốc Huy bày tỏ.

Thầy Đặng Ngọc Cường - giáo viên hướng dẫn cho rằng: Ban giám khảo Quốc tế không chỉ đánh giá cao dự án về mặt ý tưởng, xuất phát từ thực tiễn, bảo vệ môi trường, tính nhân văn…. Mà hơn thế, đề tài có thể áp dụng cho việc cứu hộ cứu nạn không chỉ trên biển mà còn trên bộ, giúp cơ quan cứu nạn có thể tiếp cận nhanh và chính xác vị trí người bị nạn. Đặc biệt đối với Việt Nam khi có bờ biển dài, hay gặp mưa bão, thiên tai thì tính ứng dụng của đề tài càng cao, không bị bó hẹp trong phạm vi nhất định…

Cuộc thi diễn ra với hình thức trực tuyến. Ảnh: NVCC
Cuộc thi diễn ra với hình thức trực tuyến. Ảnh: NVCC

Chinh phục sân chơi quốc tế

Có thể thấy, để triển khai dự án “Hệ thống cảnh báo, cứu hộ tự động và quy trình vận hành hệ thống” thành công, nhóm học sinh và giáo viên hướng dẫn phải nỗ lực rất nhiều bởi đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khó tự động hóa, sử dụng công nghệ hiện đại.

Hơn thế, khi tranh tài theo hình thức online thì chỉ chuyên sâu ở lĩnh vực nghiên cứu chưa đủ, các em phải trau dồi để đạt được khả năng thuyết trình tiếng Anh tốt nhất. Trên cơ sở đó, Ban giám khảo mới hiểu hết những thông điệp, ý nghĩa, ý tưởng của dự án để đánh giá, chấm điểm tổng thể.

Thầy giáo Đặng Ngọc Cường cho biết: Dự án được triển khai vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc đăng ký và lấy bằng sáng chế cho dự án tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam mất nhiều thời gian, công sức… Phải sau 3 tháng nhóm nghiên cứu mới lấy được mã số cho bằng sáng chế để hoàn thiện thủ tục dự thi theo yêu cầu của Ban tổ chức.

Thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai cũng chỉ ra trở ngại của học sinh THPT khi triển khai dự án thuộc lĩnh vực tự động hóa, sử dụng công nghệ hiện đại là kiến thức nền các em còn ít, vì vậy đòi hỏi phải đọc và học thêm rất nhiều.  Cùng đó, giáo viên hướng dẫn nói riêng và giáo viên của trường nói chung cũng chưa thực sự chuyên sâu về lĩnh vực này. Lào Cai lại là tỉnh miền núi ít có các trường đại học hay viện nghiên cứu nên việc tìm hiểu và tiếp cận khá khó khăn, các em phải tự liên hệ các cơ sở nghiên cứu lớn ở Hà Nội để học hỏi...

Từ sự thành công trong nghiên cứu dự án “Hệ thống cảnh báo, cứu hộ tự động và quy trình vận hành hệ thống”, thầy Ngô Thanh Xuân cho biết, trong thời gian tới, các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật của nhà trường sẽ được khuyến khích theo hướng ứng dụng vào thực tiễn, có sản phẩm cụ thể, thiết thực. Những đề tài có tính ứng dụng cao, có sản phẩm cụ thể sẽ được ưu tiên. Đề tài nghiên cứu xong không phải chỉ để báo cáo mà phải được ưu tiên phát triển thành các dự án khởi nghiệp.

Hiện nay, trường đã có một số sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn như: Trà Đông trùng hạ thảo, Bộ kit thí nghiệm nhanh về enzyme… Đây là những minh chứng cho việc đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh hoàn toàn có thể được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

“Nhà trường luôn khuyên khích giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học đối với giáo viên được coi như nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua trong năm học. Với học sinh được tạo điều kiện tốt nhất về phòng thí nghiệm, trang thiết bị. Hơn thế, trường cũng có chính sách cấp học bổng khuyến khích với những em có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học…” – thầy Ngô Thanh Xuân trao đổi.

Cuộc thi Sáng tạo Quốc tế tại Canada, iCAN là sự kiện hàng đầu của Canada dành cho các nhà phát minh trên toàn thế giới. Năm 2021 cuộc thi được tổ chức trực tuyến với 70 quốc gia cùng nhiều nhà phát minh tham gia, thu hút 650 dự án quốc tế. Việt Nam có 6 dự án được chọn từ các trường trên cả nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ