Học sinh Việt Nam giành giải Ba Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47

GD&TĐ - Em Nguyễn Thị Bạch Dương – học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương) vừa nhận giải Ba Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47.

Học sinh Việt Nam giành giải Ba Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47

Trong lễ mít-tinh kỷ niệm ngày Bưu chính Thế giới, Văn phòng quốc tế Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại thành phố Bern, Thụy Sỹ đã tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 (năm 2018).

Theo đó, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải khuyến khích cho các thí sinh đạt thứ hạng cao nhất. Trong đó giải Ba thuộc về một học sinh của Việt Nam là em Nguyễn Thị Bạch Dương - học sinh lớp 8A, trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương. Trước đó, bức thư của Dương đã đạt giải nhất quốc gia và đại diện Việt Nam tại cuộc thi quốc tế.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU được Liên minh Bưu chính Thế giới – UPU tổ chức thường niên từ năm 1972 nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.

Đồng thời cuộc thi giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội. Từ năm 1987 đến nay, hằng năm Việt Nam đều tổ chức cho thiếu nhi, học sinh trong cả nước tham gia cuộc thi này.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm nay có chủ đề: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc?” (Tiếng Anh “Imagine you are a letter travelling through time. What message do you wish to convey to your readers?”).

Báo Giáo dục và Thời đại gửi tới bạn đọc toàn văn bức thư đạt giải Ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 47:

"Ở một nơi nào đó, đêm Noel năm 2017

"Jingle bells, jingle bells, jingle all the way!"…

Khúc nhạc Giáng sinh rộn ràng vang lên và tôi ở đây viết bức thư này cho bạn.

Xin giới thiệu tôi là bức thư mà biên tập viên Francis Pharcellus, báo The Sun ở Mỹ viết trả lời cô bé Virginia O"Hanlon cho câu hỏi “Ông già Noel có thực không?” "...Chưa ai từng nhìn thấy ông già Noel cả. Nhưng điều đó cũng chẳng nói lên rằng Santa Claus không có thật... Ông già Noel tồn tại để chắc chắn tình yêu và lòng nhân ái có tồn tại... Dù 10 năm, 100 năm hay 10 ngàn năm sau, Santa Claus vẫn là một phép màu của lễ Giáng sinh..." .

Bạn nhớ ra tôi rồi chứ? Từ năm 1897, trải qua hàng thế kỷ, tôi vẫn sống trong những trang sách, báo, tem thư, tranh ảnh và trong tình yêu thương rộng lớn của con người. Mỗi mùa Giáng sinh, tờ The Sun lại trang trọng đưa tôi lên trang nhất. Bởi thế, chẳng cần đôi cánh thần kỳ, tôi vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, được du hành xuyên không gian và thời gian.

Thế nhưng, dù tôi có làm rung động hàng triệu trái tim người đọc thì vẫn có người không tin và không muốn trẻ em tin ông già Noel có thật - có bạn trong đó không? Tôi không giải thích thêm. Tôi chỉ muốn kể bạn nghe về những cánh thư gửi ông già Noel của trẻ em trên toàn thế giới.

Bạn biết không? Có những ước mơ xúc động thế này: "... Mẹ nói bố đang làm ở thiên đường chỗ ông già Noel. Cháu xin ông cho bố cháu nghỉ làm để đưa cháu đi coi sở thú", "Cháu chỉ ước một ngày không bị cười nhạo... vì cháu bị liệt não và có đôi chân cà nhắc", "Cháu thích búp bê nhưng ông hãy cho cháu một quả bóng để hai chị em cháu có thể chơi chung vì chúng cháu chưa bao giờ có đồ chơi."…

Có những đứa trẻ không biết chữ và khi được biết về ông già Noel đã gửi gắm: "Ông cho cháu biết mẹ cháu là ai, gia đình của cháu ở đâu, cháu muốn về nhà, muốn được đi học...". Lại cũng có những đứa trẻ bên hàng rào thép gai ở trại tị nạn viết rằng: "... xin ông sáng mai hãy cho chúng cháu một ổ bánh mỳ kẹp thịt nướng, đã bảy tháng nay cháu không biết mùi thịt nướng và ngày nào cũng nhặt vụt bánh mỳ lẫn trên đất…". Hay đứa trẻ thất thần ngồi trên đống đổ nát khi tận mắt chứng kiến cái chết của người thân, ao ước trong tuyệt vọng: "Ông già Noel, nếu ông có thật thì hãy dừng ngay chiến tranh và quét sạch máu trên quê hương của cháu...".

Thế đấy, đói rét, khổ đau, mất mát, trẻ em vẫn không thôi mơ ước. Ước mơ của trẻ nói với ta về thế giới tâm hồn trong như pha lê về cuộc sống còn bao thiếu thốn, khổ đau. Những mơ ước ấy của bất cứ đứa trẻ nào cũng cao đẹp, đáng trân trọng như nhau. Và ông già Noel là phép màu giúp chúng thực hiện những ước mơ mà người lớn không làm được. Đó cũng là chỗ bấu víu của những đứa trẻ bất hạnh. Xin đừng tước đi của chúng!

Còn nếu như một ngày nào đó những đứa trẻ phát hiện ra chẳng có ông già Noel với phép màu nào cả, đó là ba mẹ, là chú nhân viên bưu điện... Không sao! Đó lại là một cơ hội khác cho tình yêu thương! Mẹ, ba, chú nhân viên... đúng là người đã mặc bộ quần áo đỏ, đeo râu trắng, là người đã đặt những món quà bên lò sưởi. Lạ thay, ông già Noel gần gũi và bình dị vô cùng! Là ta khi chìa tay cho một cô bé bán vé số trong đêm Giáng sinh, là cậu bạn cùng lớp mang đến cho bạn của mình một chiếc ôtô đồ chơi với lí do "Nhà bạn không có ống khói, ông già Noel không chui vào được". Một bé em tiết kiệm tiền làm nhà cho người vô gia cư, một bạn nhỏ nuôi tóc dài trong 2 năm để giúp đỡ các bệnh nhi ung thư, các tổ chức nhân đạo, hàng ngàn người thiện nguyện vì trẻ nhỏ... Đó chẳng phải là những ông già Noel có thực trong cuộc đời này sao? Ai được con trẻ tin tưởng gửi gắm những ước mơ, ai mang đến cho trẻ niềm vui, ai yêu thương trẻ... thì đó đều là những ông già Noel của chúng rồi!

Thế nhưng, trái đất này rộng lớn, tình yêu thương, lòng nhân ái dù có bao nhiêu cũng vẫn chưa thể lấp đầy. Ai sẽ là ông già Noel của những đứa trẻ lang thang, thất học, đói rét ôm nhau co ro nơi góc phố? Ai sẽ mang đến phép màu cho những đứa trẻ bơ vơ, hoảng loạn khi nhà cửa bị cuốn trôi saucơn siêu bão? Bao đứa trẻ vô tội không có tuổi thơ và cũng không biết tương lai sẽ ra sao khi chung quanh chỉ toàn bom đạn, mất mát và những cuộc trốn chạy khỏi quê hương… Liệu bao giờ chúng thực sự có một lễ Giáng sinh?

Và giờ thì bạn thấy đấy, dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, nếu bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng!

Bạn ạ, tương lai của nhân loại nằm trong tay những người mà giờ đang là đứa trẻ. Một vĩ nhân, một CEO danh tiếng, một chính trị gia quyền lực, thậm chí một trùm khủng bố, một người vô danh hay một nhân vật nắm trong tay vận mệnh của nhân loại thì cũng từng là đứa trẻ thôi. Nếu mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng trong đủ đầy yêu thương, có tâm hồn trong sáng và hướng thiện thì liệu thế giới này còn có chiến tranh, bao lực, vô cảm, tham lam hay bất công?

Thân ái!

Bức thư đến từ thế kỷ 19.

Danh sách các em đoạt giải quốc tế Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 47 (năm 2018):

1. Giải Nhất - Huy chương vàng: Chara Phoka, 13 tuổi, Cộng hòa Síp;

2. Giải Nhì - Huy chương Bạc: José Duarte, 10 tuổi, Bồ Đào Nha;

3. Giải Ba - Huy chương Đồng: Nguyễn Thị Bạch Dương, 14 tuổi, Việt Nam;

4. Giải Khuyến khích:

- Ivana Petrova Pojarska, 15 tuổi, Bulgaria;

- Clarice Rilyane Oliveira da Silva, 15 tuổi, Brazil;

- Brenda Wambui Mwangi, 13 tuổi, Kenya;

- Tereza Justina Vaneková, 13 tuổi, Slovakia;

- Manja Klemencic, 15 tuổi, Slovenia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...