Dự án BIOVE – mạng xã hội 2 chiều gắn kết con người với trách nhiệm sống xanh.
Đây cũng là dự án đang nằm trong tốp 10 của chương trình FutureU và đang tiếp tục “tranh tài”. Tác giả của dự án này là 5 học sinh: Trần Thị Kim Loan, Tạ Nguyễn Anh Thư, Dương Quốc Bình (học lớp 11A2), Bùi Minh Nhật, Vũ Duy Tùng (học lớp 12 Tin).
Góp phần vào mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
Trần Thị Kim Loan, Tạ Nguyễn Anh Thư là 2 học sinh đã có ý tưởng xây dựng nên một ứng dụng giúp kết nối những người có mong muốn góp sức cho việc “trồng cây gây rừng” với những nơi cần trồng thêm cây rừng. Theo đó, thông qua ứng dụng BIOVE, mọi người có thể góp tiền để trồng cây cho những khu rừng ở khắp mọi nơi. Số tiền này sẽ được chuyển đến đơn vị thụ hưởng để tiến hành trồng cây.
Điều đặc biệt khi sử dụng ứng dụng BIOVE là người góp tiền trồng cây có thể lựa chọn loại cây trồng, khu vực trồng dựa trên dữ liệu đã được các nhà chuyên môn cung cấp. Ngoài việc trồng cây để phủ xanh những cánh rừng, mọi người có thể trồng cây xanh để lưu lại kỷ niệm đẹp, dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mình. Nhờ có mã QR cùng công nghệ định vị cây trồng, mỗi người hoàn toàn có thể tìm đến vị trí cây xanh do mình bảo trợ để thăm cây, chụp hình check in với cây trồng.
Để thực hiện được những ý tưởng đó, Kim Loan và Anh Thư đã mời thêm 3 thành viên khác cùng tham gia thực hiện dự án. Vũ Duy Tùng và Bùi Minh Nhật phụ trách công việc viết ứng dụng; Dương Quốc Bình phụ trách design. Đây đều là những thành viên có kinh nghiệm trong việc tham gia nghiên cứu khoa học trong học sinh. Riêng Duy Tùng đã 2 lần đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Tin học.
Mong muốn và mục tiêu lớn nhất của nhóm là ứng dụng BIOVE có thể đưa vào thực tế, được cộng đồng đón nhận. Từ đó góp sức vào việc trồng cây gây rừng, đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sự nỗ lực không ngừng đã giúp nhóm tiến xa trong cuộc thi FutureU và hiện đang nằm trong tốp 10 của cuộc thi này. Đây cũng là giai đoạn mà nhóm phải cập nhật những dữ liệu thật để chạy thử ứng dụng và tiến hành gọi vốn cộng đồng.
Dự án có tính khả thi
Được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu và giáo viên hướng dẫn, nhóm dự án BIOVE đã đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai để trình bày ý tưởng, xin nguồn dữ liệu và thuyết phục đơn vị hỗ trợ để dự án có thể triển khai được tại khu bảo tồn. Trao đổi giữa 2 bên cho thấy, những ý tưởng, phương án kết hợp trồng rừng mà nhóm BIOVE đưa ra rất sát với thực tế và có tính khả thi cao.
Bước đầu, nhóm đã nhận được phản hồi khá tích cực từ phía khu bảo tồn. Ngoài ra, nhóm cũng tiếp cận được nguồn dữ liệu về cây trồng ở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai.
“Điều khác biệt mà tụi em nghĩ là dự án BIOVE chắc chắn sẽ thành công là bởi vì dự án này không phải là dự án nhất thời mà có tính lâu dài. Việc hỗ trợ trồng cây được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin (trang web, ứng dụng điện thoại). Điều quan trọng là dự án BIOVE tôn vinh tất cả những sự đóng góp của người dùng chứ không phải chỉ 1 cá nhân hay 1 tập thể. Chính vì vậy, người dùng sẽ có động lực để tiếp tục đồng hành cùng dự án để góp phần cải tạo môi trường rừng hiện nay”, Kim Loan tự tin chia sẻ.
Theo dõi quá trình thực hiện dự án từ khi hình thành ý tưởng cho đến nay, thầy Đậu Thế Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, đánh giá cao tinh thần làm việc của nhóm dự án BIOVE. Ông cho biết, không cần biết kết quả từ cuộc thi FutureU như thế nào, nhà trường sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng nhóm để có thể triển khai dự án trong thực tế.
Hiện nay, nhóm đang trong quá trình hoàn thiện app (ứng dụng), làm profile để kêu gọi đầu tư. Một khó khăn mà nhóm đang gặp phải là 2 thành viên phụ trách viết ứng dụng đang là học sinh lớp 12. Do vậy, việc sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo việc học vừa tham gia dự án là không dễ dàng. Tuy nhiên, cả 5 thành viên của nhóm đều cố gắng hết sức để theo đuổi dự án đến cùng. Các em còn cho biết, sau khi dự án hoàn thành, mỗi thành viên trong nhóm sẽ tiếp tục với những dự án mới liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.