6 nội dung cần chuẩn bị trước khi học sinh đến trường
Chia sẻ về bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, cho biết, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn cụ thể. Theo đó, có 6 nội dung các nhà trường cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi học sinh đến trường. Trước hết là xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường, phù hợp với điều kiện thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, công tác y tế trường học cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên. Yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường. Thực hiện vệ sinh khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Cuối cùng, kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học; bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm theo quy định; tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường.
Khi học sinh đến trường, phải bảo đảm được giao nhận tại cổng trường. Cha mẹ học sinh/người đưa học sinh không vào trong khuôn viên trường. Thực hiện vệ sinh các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) sau mỗi lần đưa đón; bố trí thùng rác có nắp đậy tại vị trí phù hợp. Kiểm tra, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay nhanh và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo. Nhà trường/ Ban Chỉ đạo/ các tổ an toàn Covid-19 của trường phân công cán bộ thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế…
Khi kết thúc buổi học, phải bảo đảm học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang khi rời trường trở về nhà; đồng thời, bảo đảm học sinh được giao nhận tại cổng trường, không đón học sinh trong khuôn viên nhà trường.
Bảo đảm mặt bằng kiến thức cho học sinh khi đi học trở lại
Cùng với thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, việc cần làm ngay của các nhà trường khi mở cửa trường học, theo PGS Nguyễn Xuân Thành là rà soát, đánh giá kết quả học tập của học sinh để sau đó ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, lưu ý dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với nhóm học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
“Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm học sinh có chung mặt bằng kiến thức sau khi đi học trở lại. Các nhà trường cần sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Có phương án để sẵn sàng chủ động, linh hoạt chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến nếu có bất thường xảy ra”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Riêng việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, quy định rõ về kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến. Thêm nữa, trong Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, Bộ GD&ĐT đã nhấn mạnh: Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Thời gian kiểm tra giữa kỳ, bởi vậy có thể điều chỉnh linh hoạt, để phù hợp với điều kiện thực tế.