Học sinh trở lại trường: Bù đắp kiến thức, tránh quá tải

GD&TĐ -Sau một thời gian dài học trực tuyến, việc củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh (HS) được các nhà trường đặc biệt quan tâm khi chuyển sang học trực tiếp và chủ động lên kế hoạch thực hiện bằng hình thức phù hợp.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Cường 2, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trong giờ học trực tiếp sau thời gian giãn cách. Ảnh: Đăng Chung
Học sinh Trường Tiểu học Võ Cường 2, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trong giờ học trực tiếp sau thời gian giãn cách. Ảnh: Đăng Chung

Khảo sát để lên kế hoạch bù đắp kiến thức

Từ đầu năm học đến nay, cô Vũ Thị Dung, Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội và học trò vẫn dạy và học theo hình thức trực tuyến. Khẳng định vai trò của hoạt động bù đắp kiến thức, cô Dung cho rằng: Ngay khi đi học trực tiếp trở lại, mỗi giáo viên (GV) cần bám sát từng HS để lựa chọn hình thức khảo sát phù hợp.

Để củng cố kiến thức cho HS sau thời gian dài học trực tuyến, thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), cho biết: Khi HS quay trở lại trường, những tiết học đầu tiên, nhà trường yêu cầu GV bộ môn kiểm tra lại kiến thức xem HS hổng phần kiến thức nào, nhiều hay ít so với yêu cầu cần đạt.

GV có thể cho HS đăng ký các nội dung kiến thức cần ôn lại. Kế hoạch bù đắp kiến thức hổng cụ thể cho từng nhóm đối tượng do GV bộ môn chủ động xây dựng; sau đó nộp kế hoạch về ban giám hiệu để nhà trường nắm bắt, có hướng chỉ đạo thực hiện cụ thể.

Có thể sử dụng trò chuyện, hỏi đáp trực tiếp; tạo link khảo sát qua Google Form; thiết kế phiếu bài tập với hệ thống câu hỏi/ yêu cầu theo các mức độ nhận thức; kết hợp kiểm tra trắc nghiệm và tự luận;... để đánh giá kết quả học tập trực tuyến của HS. Nội dung khảo sát cần tập trung vào những phần trọng tâm cốt lõi các em đã học. Trên cơ sở kết quả thu được, GV sẽ nắm bắt được đơn vị kiến thức học trò còn yếu, thiếu để lên kế hoạch bổ trợ, bù lấp.

“Việc bù đắp kiến thức cho HS cần được tiến hành song song với thực hiện kế hoạch dạy học của bộ môn, bảo đảm tiến độ chương trình. Tuy nhiên, để tránh quá tải, tôi nghĩ GV cần biết lồng ghép, tích hợp các đơn vị kiến thức liên quan trong môn học. Ở mức độ cao hơn, thầy cô có thể tổ chức các bài dạy riêng lẻ thành chuyên đề học tập; thậm chí, GV ở các môn học có thể ngồi lại, cùng rà soát để xây dựng các chủ đề dạy học liên môn....

Mỗi tiết học nên “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, lấy chất lượng làm cốt, tránh kéo dài gây mệt mỏi cho người học. Bên cạnh đó, những ngày học trực tuyến kéo dài ít nhiều sẽ hạn chế tương tác giữa thầy và trò, học trò và bài học. Để khơi gợi tính tích cực, sự hứng thú, thầy cô nên sinh động hoá thiết kế bài dạy của mình, cho HS được làm việc thật nhiều qua các dự án mini, hoạt động trải nghiệm, áp dụng kĩ thuật dạy học tích cực...

Chúng ta nên giao lưu, trò chuyện với học trò qua các câu chuyện khoa học, chuyện cười, giai thoại... để giải toả tâm lí học tập căng thẳng. Thầy cô cũng nên lựa chọn cách truyền đạt giản dị, dễ hiểu để HS dễ tiếp nhận” - cô Vũ Thị Dung trao đổi.

Học sinh lớp 1 được giáo viên trực tiếp nắn nét chữ khi đến trường.
Học sinh lớp 1 được giáo viên trực tiếp nắn nét chữ khi đến trường.

Bảo đảm tiến độ chương trình nhưng không quá tải

Sở GD&ĐT Tiền Giang đang tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; theo đó, từng bước mở cửa trường học vào đầu tháng 11/2021 với các điều kiện cụ thể.

Thông tin từ ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, căn cứ hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh nội dung dạy học trên cơ sở chọn lọc nội dung cốt lõi để dạy học trực tuyến; tuyệt đối không kéo giãn nội dung bài học, dành thời gian giảm tải cho việc ôn tập, củng cố kiến thức cho HS sau khi được giảng dạy trực tiếp.

Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, HS đến trường, các cơ sở giáo dục sẽ dành từ 1 đến 3 tuần để ôn tập, củng cố kiến thức cho HS. Với em không theo kịp chương trình, nhà trường có kế hoạch phụ đạo riêng được bố trí trái buổi với chương trình chính khóa nhằm thực hiện phương châm “không để HS nào bị bỏ lại phía sau”. Riêng với HS tiểu học và HS lớp 9, lớp 12, sở GD&ĐT đã có kế hoạch phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) xây dựng các chuyên đề ôn tập phát trực tiếp trên các kênh truyền hình MyTV để củng cố, bù đắp kiến thức.

Các nhà trường chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại học trực tiếp.
Các nhà trường chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại học trực tiếp.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long cũng xây dựng phương án dạy học thích ứng với mọi tình huống phòng dịch Covid-19. Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Dù là phương án nào các nhà trường đều cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Đặt sức khỏe của HS, GV lên trên hết, trước hết.

Cùng với đó, kiên trì mục tiêu chất lượng; các cơ sở giáo dục cần chủ động lựa chọn, triển khai hình thức dạy học phù hợp, bảo đảm mọi HS có điều kiện tiếp cận nội dung học tập, quan tâm hỗ trợ HS khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Lựa chọn hình thức phù hợp để kiểm tra mức độ nắm kiến thức của HS trong thời gian học trực tuyến để có biện pháp hỗ trợ hợp lí. Tổ chức ôn tập củng cố kiến thức đã học tại nhà (học từ xa) để đảm bảo HS nắm vững các yêu cầu cần đạt (chuẩn kiến thức, kỹ năng) của các nội dung GV đã dạy.

“Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch tăng tiết để bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch dạy học năm học. Trong đó, cần tập trung củng cố kiến thức đã học cho HS; tận dụng thời gian học trực tiếp để bổ sung những nội dung kiến thức ở các bài học, môn học chưa được thực hiện qua dạy học không trực tiếp.

Thời gian biểu học tập cần bố trí phù hợp: Không quá 5 tiết/buổi và không quá 8 tiết/ngày; hạn chế bố trí tiết học vào ngày Chủ nhật. Tùy tình hình, điều kiện của đơn vị và HS, các cơ sở giáo dục có thể tiếp tục kết hợp dạy học trực tiếp với  trực tuyến; tăng cường giao nhiệm vụ để HS tự học, tự rèn; GV tư vấn, hỗ trợ.

Tiếp tục kết nối hệ với HS chưa liên hệ được trước đó để có biện pháp hỗ trợ, đưa các em trở lại trường trong thời gian sớm nhất; tiếp nhận, cập nhật kết quả học tập, rèn luyện của HS về lại trường sau thời gian học nhờ ở địa phương khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nếu có)” – ông Trịnh Văn Ngoãn lưu ý thêm.

“Nhà trường sẽ giao GV bộ môn chủ động đan xen bổ sung kiến thức bị hổng của HS trên lớp và giao nhiệm vụ về nhà nhưng phải bảo đảm không gây quá tải việc học (thực hiện hoàn thiện trong 3 tuần đầu tiên ngay sau khi đi học). Với những nội dung không đạt, GV xếp HS theo các lớp riêng biệt và dạy tăng cường vào buổi chiều. Sau 3 tuần, GV bộ môn kiểm tra đánh giá kết quả, báo cáo với ban giám hiệu công việc bù đắp kiến thức hổng cho HS. Nếu sau 3 tuần vẫn còn HS bị hổng một phần kiến thức nào đó, ban giám hiệu sẽ chỉ đạo tập hợp tất cả HS còn bị hổng kiến thức theo môn, khối rồi cử GV dạy” - thầy Nguyễn Đức Hồng chia sẻ cách làm của nhà trường. 

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Nhóm sinh viên và thiết kế trạm lắp ráp giúp tăng năng suất trong các nhà máy.

Trạm lắp ráp tùy biến theo nhân trắc học

GD&TĐ - Trạm lắp ráp điều chỉnh vị trí và cao độ bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, bảo đảm thoải mái, không gây mệt mỏi…

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.