Học sinh thờ ơ, thư viện thành kho chứa sách

Học sinh thờ ơ, thư viện thành kho chứa sách

Chất lượng chưa cao

Con số 26.000 thư viện trong trường phổ thông cho thấy công tác thư viện trường học, trang thiết bị bước đầu được quan tâm đầu tư, mua sắm và bổ sung; nguồn sách được mua mới hàng năm, các chủng loại sách phù hợp với học sinh phong phú hơn…

Theo ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), trên thực tế, mức độ đáp ứng tốt của cơ sở vật chất trong thư viện mới đạt tỉ lệ khiêm tốn; có nơi thư viện không được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao. Thư viện chưa hướng tới nhu cầu của độc giả, dẫn tới nhiều HS không còn thiết tha với thư viện trường học. Trong tổng số thư viện trường tiểu học có đến 1/3 số thư viện chưa đạt yêu cầu về diện tích sử dụng (chiếm tỉ lệ khoảng 29,94%), số trường nhân viên thư viện phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác (chiếm tỉ lệ 35,96%).

Bên cạnh đó, tại nhiều nhà trường, vị trí thư viện không hợp lý, không thuận lợi cho HS lui tới. Thời gian hoạt động theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi các em tan học. Thời gian nghỉ giải lao ở trường hạn hẹp, trong khi đó hầu hết HS cần vận động chứ không phải tiếp tục ngồi đọc sách trong thư viện nhà trường vào thời điểm này.... Như vậy, những tồn tại trên đã hạn chế cơ hội được tiếp cận thường xuyên với thư viện của HS.

“Hơn nữa, chất lượng phục vụ trong thư viện ở nhiều nhà trường không cao. Người làm công tác thư viện hoặc kiêm nhiệm, hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho HS. Hình thức hoạt động của thư viện còn đơn điệu, khó tạo được hứng thú, thu hút người đọc. Các nhà trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến HS, ít khuyến khích giáo viên hướng dẫn học sinh khả năng tự học, tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen. Nghĩa là nhà trường đã không chú trọng đến công tác phát triển kỹ năng đọc cho các em từ sớm” - ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Tác động đồng bộ

Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng các thư viện thân thiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Thư viện thân thiện là nơi HS được khuyến khích, hỗ trợ cho việc đọc một cách tích cực trong môi trường thân thiện và an toàn. Cán bộ thư viện, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng cùng chung tay trong việc phát triển thư viện và hướng dẫn HS đọc với sự thích thú. Ở thư viện thân thiện, với những đầu sách và các hoạt động phù hợp với tuổi học trò được tổ chức nhằm đảm bảo HS không phân biệt giới tính hay trình độ, đều được tham gia đọc và đọc tốt.

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ VIGEF cho biết: Góp phần giáo dục HS thành những công dân tự học, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Quỹ VIGEF triển khai dự án “Phát triển thư viện nhà trường thành hạt nhân văn hoá đọc trên địa bàn xã”. Dự án này hy vọng sẽ khắc phục được một số vấn đề mà thư viện nhà trường truyền thống và các chương trình/dự án thư viện nhà trường đã và đang triển khai tại Việt Nam đang đối mặt như tính hiệu quả, phạm vi triển khai, tính bền vững... “Dự án đặc biệt quan tâm đến việc phát huy hiệu quả của việc đọc sách và lan toả tác động đồng bộ từ các thư viện nhà trường trên cùng địa bàn xã tới cộng đồng, đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo của ngành Giáo dục từ Sở GD&ĐT đến các nhà trường” - TS Nguyễn Vinh Hiển nhận định.

Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, với dự án này, hiệu quả của hoạt động đọc được nâng cao vì không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, người dân đọc sách mà điều quan trọng là hướng dẫn cách đọc, cách thu thập, lưu giữ và xử lí thông tin, áp dụng những điều thu hoạch được từ hoạt động đọc vào cuộc sống, làm bài kiểm tra. Đồng thời, hướng dẫn nhà trường, giáo viên đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh dựa trên/phát huy tác dụng của hoạt động đọc và rèn luyện phương pháp tự học.

Tính bền vững, tác động lan tỏa của dự án được bảo đảm bởi sự kết nối và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện theo “chiều dọc” từ Sở GD&ĐT đến các nhà trường (có đề án của Sở) và theo “chiều ngang” giữa các nhà trường của các cấp học với hình thức thư viện khác trên địa bàn xã (có dự án do chủ tịch xã phê duyệt và chỉ đạo thực hiện). Điều đó cũng bảo đảm thu hút sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương từ tỉnh tới xã, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Chúng tôi cũng sẽ phát động mọi người góp sách để tủ sách lớp học, tủ sách thư viện của nhà trường và các loại hình thư viện khác ngày càng có nhiều sách hơn theo phương châm: Góp một quyển sách để được đọc nhiều quyển sách.  - TS Nguyễn Vinh Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ