Học sinh làm chỉ khâu vết thương từ cây lưỡi hổ

GD&TĐ -Nhóm học sinh ở Thừa Thiên - Huế đã nghĩ cách dùng lá cây lưỡi hổ tách lấy xơ làm chỉ khâu vết thương tự tiêu.

Nhóm thử nghiệm khâu vết thương trên thỏ bằng chỉ từ cây lưỡi hổ.
Nhóm thử nghiệm khâu vết thương trên thỏ bằng chỉ từ cây lưỡi hổ.

Chỉ an toàn để khâu vết thương

Hai học sinh Trần Thị Mỹ Nhung và Trương Thị Thảo Vy, Trường THPT Thuận An (Thừa Thiên - Huế) vừa nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công sợi từ lá cây lưỡi hổ dùng làm chỉ khâu vết thương.

Em Trần Thị Mỹ Nhung cho biết, trong một lần tình cờ đọc tài liệu, nhóm được biết lá cây lưỡi hổ có hệ thống sợi rất dai, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Nhóm nghĩ đến việc chế tạo loại sợi này thành chỉ khâu vết thương tự tiêu.

Trên thị trường có nhiều loại chỉ khâu vết thương tự tiêu, nhưng giá thành rất cao và quy trình sản xuất khá phức tạp, chưa tận dụng được nguyên liệu từ thực vật. Trong khi đó, hiện nay nước ta có một lượng cây lưỡi hổ mọc hoang khá nhiều, loại cây này rất dễ sinh sống và phát triển rất nhanh.

Nhận thấy, đây là một nguồn nguyên liệu sợi tự nhiên rất dồi dào và tiềm năng, tháng 11/2021 nhóm hình thành ý tưởng tách lấy sợi dùng để khâu vết thương cho động vật. Nhóm đã tận dụng những máy móc dụng cụ sẵn có trong gia đình để tách sợi.

Nếu sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhóm được thầy giáo Đặng Ngọc Minh Trí hỗ trợ hướng dẫn. Sau 4 tháng tìm tòi, nghiên cứu, đến tháng 2/2022 nhóm đề tài đã thử nghiệm thành công sợi từ lá cây lưỡi hổ khâu vết thương trên thỏ và có kết quả rất khả quan.

Lá lưỡi hổ, nhóm đề tài xin được từ nhà người dân ở phường Phú Thượng, thành phố Huế. Để thu sợi có độ bền cao, nhóm sử dụng những lá lưỡi hổ có chiều dài trên 60cm và dùng nhiều phương pháp khác nhau để tách sợi, sau đó chọn phương pháp tối ưu nhất. Nhóm chọn 3 cách tách sợi là ép bằng máy nước mía, gia nhiệt và dập nát thủ công.

Mỗi phương pháp xử lý có những ưu và nhược điểm khác nhau, sau khi so sánh chỉ tiêu số lượng sợi thu được và chiều dài sợi, nhóm đề tài nhận thấy phương pháp ép bằng máy nước mía là ưu việt nhất và có tính khả thi tốt hơn rất nhiều so với 2 cách còn lại.

Mẫu sợi sau giai đoạn tách sợi sẽ được đem xử lý sợi bằng dung dịch NaOH và đo lực kéo đứt của sợi lá cây lưỡi hổ. Hình thái sợi được đánh giá bằng kính hiển vi điện tử quét SEM. Sau khi xử lý sợi bằng dung dịch NaOH sợi thu được có độ chịu lực và độ bền cao.

Sau đó, nhóm đề tài tiến hành đem mẫu đi phân tích các kim loại nặng (Hg, Cd, Pb) có trong sợi lá lưỡi hổ ở Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm (số 17 Trương Định, thành phố Huế). Kết quả cho thấy, sợi thu được không chứa các kim loại nặng. An toàn khi khâu vết thương.

Chỉ tự tiêu sau 11 ngày

Để đánh giá khả năng phân hủy của sợi lá cây lưỡi hổ trên động vật, nhóm đã thí nghiệm khâu vết thương trên thỏ. Với sự hướng dẫn của giáo viên, hai em mua một con thỏ New Zealand với trọng lượng 2,5kg. Để đánh giá khả năng khâu vết thương của sợi lá cây lưỡi hổ, nhóm đề tài đã mang thỏ đến Bệnh viện Thú y WIN PET Huế (15D Kiệt 111 Nhật Lệ, TP Huế) để tiến hành phẫu thuật và khâu vết thương.

Thỏ được tạo 2 vết mổ trên lưng (5cm) và dùng chỉ sợi lá cây lưỡi hổ và chỉ tự tiêu catgut (loại chỉ phổ biến trên thị trường) để may, làm phương pháp đối chứng. Quy trình thực hiện phẫu thuật và chăm sóc sau phẫu thuật đúng với quy định thú y.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, vết thương khâu bằng chỉ từ lá cây lưỡi hổ tự phân hủy sau 11 ngày. Còn sợi chỉ catgut tự tiêu sau 16 ngày. Mặt khác, kích thước của sợi lá cây lưỡi hổ nhỏ hơn so với kích thước sợi catgut nên vết thương nhanh lành hơn, không bị nhiễm trùng. Vì vậy, sợi lá cây lưỡi hổ có thể dùng để khâu vết thương cho động vật (dùng trong thú y).

Với những thành công bước đầu trong đánh giá khả năng phân hủy của sợi lá cây lưỡi hổ trên vết thương thỏ, nhóm đề tài sẽ tiếp tục phát triển, tiến hành thí nghiệm trên các đối tượng khác (chó, mèo, lợn…) tại các bệnh viện thú y trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế để có thể đánh giá một cách tổng thể về việc sử dụng sợi lá cây lưỡi hổ để khâu vết thương cho động vật.

Theo thầy Đặng Ngọc Minh Trí, Trường THPT Thuận An, nếu chỉ khâu từ sợi lá cây lưỡi hổ được thử nghiệm thành công và được sử dụng rộng rãi thay thế các loại chỉ khâu tự tiêu hiện có trên thị trường, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn.

Tận dụng được số lượng lớn cây lưỡi hổ mọc dại và nếu được trồng để thương mại thì sẽ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, giá thành sản phẩm chỉ sợi từ lá cây lưỡi hổ sẽ thấp hơn các loại chỉ khâu tự tiêu hiện có trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ