Học sinh hứng thú với trường học nông trại

GD&TĐ - Những năm gần đây, trường học ở một số địa phương đã đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi với nhiều trải nghiệm lý thú cho HS. Cách làm hiệu quả này không chỉ góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chính mô hình “Trường học nông trại”, học sinh được khẳng định năng lực của mình thông qua hoạt động thực tiễn, học đi đôi với hành.

Dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh” chạy thử nghiệm tại mô hình trường
Dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh” chạy thử nghiệm tại mô hình trường

Học sinh được trải nghiệm

Với lợi thế trường học nội trú tại các tỉnh miền núi, nên hầu khắp các nhà trường đều tổ chức hoạt động trồng rau, có nơi cho HS nuôi lợn, nuôi gà, trồng hoa cây cảnh. Những mô hình nông trại này đã thực sự thu hút HS, đem lại nguồn thực phẩm không hề nhỏ để cải thiện chính bữa ăn, tạo cảnh quan môi trường xanh đẹp. Nhưng điều quan trọng hơn cả, với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, từ lý thuyết được học, HS đã bắt tay vào quy trình sản xuất, từ đó định hướng nghề cho mình.

Thầy Nguyễn Văn Tùy, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Mường Đun, Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết: “Nhà trường dành hơn 300 m2 đất để HS trồng rau xanh. Giáo viên chủ nhiệm và HS các lớp được phân công cụ thể phụ trách khu vực trồng của lớp mình, trồng rau theo mùa. Rau thu hoạch được dùng làm thực phẩm cho chính bữa ăn của HS”.

Thầy Nguyễn Văn Khải, Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Gần 10 năm qua Ban giám hiệu nhà trường tổ chức cho HS trồng rau, cũng có hệ thống chuồng để các em tham gia chăn nuôi lợn. Sản phẩm thu hoạch được nếu dùng không hết, các lớp có thể dùng để gây quỹ lớp.

Ở tỉnh Lào Cai, Trường PTDT nội trú THCS và THPT Bắc Hà coi là điểm sáng phong trào mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” bằng việc lựa chọn mô hình “Trường học nông trại” chỉ sau 4 năm thực hiện mô hình. Nhà trường đã tổ chức các hoạt động thực tiễn gắn với mô hình trường. Được sự hướng dẫn của thầy cô giáo chủ nhiệm, HS thực hành muối dưa, làm lạp sườn, thịt hun khói, trồng và chăm sóc rau tại vườn rau nhà trường, chăm sóc lợn và hoạt động nghiên cứu khoa học. Thành quả công tác chăn nuôi và trồng trọt của nhà trường liên tục duy trì 6 chuồng lợn từ 45 - 50 con. Đặc biệt, nhà trường vẫn tiếp tục chú trọng phát triển đàn lợn đen bản địa Bắc Hà.

Khu vực trồng rau xanh của trường lúc nào cũng được luân phiên chia đều cho các lớp chăm sóc và là nguồn thực phẩm phong phú, dồi dào cải thiện bữa ăn cho HS. Tổng số diện tích đất trồng rau khoảng 500m2, với nhiều loại rau phù hợp theo mùa. Nguồn thu hoạch rau xanh hàng năm của HS Trường PTDT nội trú THCS và THPT Bắc Hà ước tính cũng lên tới hàng chục triệu đồng, đáp ứng 1/2 lượng rau sạch cung cấp cho bếp ăn tập thể phục vụ HS.

Điểm sáng cần nhân rộng

Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT Bắc Hà, bà Lưu Thị Minh Đức khẳng định: “Đây là mô hình thực tiễn trong trường học đem lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt nhất là đã thúc đẩy, định hướng cho HS tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Từ thực tế chăm sóc đàn lợn, HS đã nảy sinh ý tưởng làm máy dọn phân gà. Dự án nghiên cứu khoa học này đã đạt giải ba cấp tỉnh năm 2016. Dự án “Ứng dụng trồng rau mầm cho các trường thực hiện mô hình “Trường học nông trại” của HS khối 8 đạt giải Ba cấp tỉnh năm 2017.

Năm 2018 - 2019 HS của trường có nhiều dự án khoa học tham gia cấp tỉnh, tiêu biểu như dự án “Nghiên cứu lựa chọn giống dưa chuột trồng ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao phù hợp với trồng trái vụ ở Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai” của nhóm HS lớp 11, dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh” của nhóm HS lớp 9 thực hiện. Các dự án trên đều đã được đánh giá là có tính khả thi cao, có khả năng áp dụng vào thực tiễn và đặc biệt khẳng định hiệu quả của mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Điều này đã lan tỏa tới toàn thể cán bộ, giáo viên và HS trong toàn trường, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, khám phá của HS dân tộc nội trú”.

Không thể phủ nhận được rằng, mô hình “Trường học nông trại” đã cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tăng cường cải thiện cho bữa ăn của HS, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước. Ngoài ra, HS còn được giáo dục kỹ năng sống, tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tự lập, tích cực và đặc biệt là lòng tự hào về mái trường nội trú. Cách dạy học gắn với thực tiễn, phát triển năng lực HS sẽ từng bước giúp nhà trường tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng nghề nghiệp cho HS, giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và từng bước có nhận thức mới về đổi mới căn bản GD-ĐT.

Mô hình “Trường học nông trại” của Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Bắc Hà như mô hình kiểu mẫu, thời gian qua thu hút nhiều trường học của tỉnh Lào Cai và các tỉnh bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đến nay, trường đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá, bước đầu tập hợp tài liệu nhằm biên soạn thành bộ tài liệu phục vụ dạy học để xin thẩm định. Các nội dung về trồng trọt, chăn nuôi đã được tích hợp trong nhiều môn học của nhà trường như: Công nghệ, Sinh, Hóa, Địa, Lý, Toán, Văn.

Thông qua hoạt động xây dựng mô hình “Trường học nông trại”, HS được trải nghiệm thực tiễn, được giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, ý thức tự lập và tích cực, chủ động, sáng tạo trong cuộc sống. Việc xây dựng mô hình đã tác động và làm thay đổi cảnh quan trường lớp, tác động tốt đến ý thức, thái độ của học sinh trong việc xây dựng trường học sạch, đẹp, an toàn. Chất lượng bữa ăn của học sinh được nâng lên, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.