Hào hứng với những tiết học xanh
Điều chúng tôi ấn tượng nhất khi đến Trường TH&THCS Cam Cọn là được tham gia giờ học Công nghệ của các em học sinh lớp 7A do cô Nguyễn Thị Thu Hương hướng dẫn. Các em học sinh hồ hởi vây quanh vườn rau xanh, nghe cô giáo hướng dẫn học sinh cách cuốc đất, trồng và chăm sóc các loại cây. Học sinh thích thú khi trở thành những “nông dân” thực thụ, tự tay vọc đất gieo hạt cho nảy lên mầm xanh cây lá.
Hào hứng với giờ học Công nghệ ngoài vườn, em Nguyễn Thế Vũ, học sinh lớp 7A cho biết: “Từ khi có “nông trại”, chúng em rất vui và học được rất nhiều kỹ năng sống từ đây. Gia đình em cũng làm nghề nông, nên những công việc như trồng rau, nuôi gà em đã được làm quen từ nhỏ. Thế nhưng, khi tham gia vào mô hình “nông trại”, em được học thêm cách nuôi một số con vật mới như nuôi thỏ, chim bồ câu… Em học được các kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt, trở về nhà em còn biết áp dụng những phương pháp nuôi, trồng mới giúp bố mẹ”.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, GV môn Công nghệ, sau khi học sinh học lý thuyết, các em sẽ được vận dụng những điều đã học vào thực tế. Các em được trồng rau đúng theo kỹ thuật mà mình đã học, sau đó có quá trình chăm sóc và thu hoạch. Những sản phẩm các em thu được sẽ phục vụ trực tiếp cho học sinh bán trú. Những giờ học như thế này cũng đồng thời GD cho các em kỹ năng sống, biết chăm sóc rau và áp dụng công nghệ trồng trọt và chăn nuôi vào cuộc sống gia đình.
|
Trang bị kỹ năng sống
Mô hình trường học gắn với thực tiễn đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mang lại kết quả cao, bền vững ở địa phương vùng cao, miền núi như Lào Cai.
Thầy giáo Đào Trọng Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình “Trường học - nông trại” được nhà trường triển khai áp dụng từ năm học 2016 - 2017. Nông trại như một hình thức dạy gắn lý thuyết trên lớp với thực tế cuộc sống. Sau hai năm triển khai, học sinh biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi trong gia đình.
Mô hình này cũng trang bị cho các em những kiến thức cần thiết và cơ bản nhất trong việc làm ăn kinh tế, giúp phát triển kinh tế gia đình. Và sản phẩm làm ra sẽ cải thiện bữa ăn hàng ngày của chính các em; giúp các em hiểu và yêu quý công sức lao động của cha mẹ, ông bà. Đó chính là ý nghĩa thiết thực nhất của mô hình “Trường học - nông trại”.
Ông Bùi Minh Tuân - Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên cho biết: Hiện nay tại Bảo Yên đang triển khai nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn, trong đó có trường học nông trại, mô hình trường học gắn với cộng đồng…Các mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn gắn với thực tiễn và thực tế dạy học, gắn thực tế với các bài giảng của thầy cô và học sinh được trực tiếp học tập trên các mô hình đó, từ đó các em nâng cao kỹ năng sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cũng theo thầy Nguyên, từ “nông trại” này mà các em đã có những tiết học thực hành sinh động và bổ ích.
Trong mỗi giờ học Công nghệ, các em được thầy cô hướng dẫn kỹ năng trồng rau, chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm khá tỉ mỉ từ cho lợn ăn, cách vệ sinh chuồng trại hằng ngày và không quên dạy các em tận dụng rau già, thức ăn thừa để nấu cám cho lợn. Những công việc này cứ mỗi ngày lại thêm hiệu quả hơn. Từ đó, các phòng bán trú thi đua nhau chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động.
“Sau 2 năm thực hiện mô hình Trường học - nông trại, nhiều phụ huynh đã đến trường cho biết, họ mong muốn xây dựng mô hình này hiệu quả hơn nữa. Nhiều phụ huynh còn mong muốn xây dựng ngày công lao động để học sinh hào hứng hơn nữa với mô hình Trường học - nông trại”, thầy Nguyên chia sẻ.
Niềm vui sau mỗi giờ học
Mô hình “Trường học - nông trại” không chỉ mang lại hiệu quả cao trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm công việc nhà nông cho học sinh mà còn tạo hứng thú học tập và niềm vui sau mỗi giờ tan lớp.
Mỗi buổi chiều, các em lại tíu tít cùng các thầy cô giáo tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ để các luống rau xanh tốt. Việc nuôi lợn, nuôi dê, nuôi gà, nuôi chim bồ câu nuôi thỏ… được giao cho từng nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ chăm sóc những vật nuôi. Các em rất hào hứng, quyết tâm với vườn rau, chuồng trại của mình, đó cũng là cách để phát huy tính tích cực trong lao động của các em.
Em Bàn Thị Hoa, học sinh lớp 9 Trường TH&THCS Cam Cọn trở nên khá nhanh nhẹn với công việc chăm sóc rau và chăn nuôi cho biết: Chúng em rất vui khi được tham gia mô hình Trường học - nông trại. Nhìn những chú lợn con lớn lên từng ngày, chúng em rất thích thú với công việc của mình. Hằng ngày sau giờ học, các em lại ra vườn chăm rau, tưới và bắt sâu cho rau. Về nhà em cũng giúp bố mẹ áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.
Đến trường học chữ, được áp dụng, thực hành ngay tại nông trại trường học và được rèn những kỹ năng cần thiết là điều mà các nhà trường ở tỉnh Lào Cai áp dụng thành công. Với những quyết tâm của các thầy, cô giáo và học sinh, mô hình Trường học - nông trại ở Trường TH&THCS Cam Cọn đang trở thành địa chỉ học tập của nhiều ngôi trường bán trú ở vùng cao trong và ngoài tỉnh.