Mô hình bán trú: Chắp cánh ước mơ học sinh vùng cao

GD&TĐ - Được ở lại trường học tập, được chăm lo bữa ăn hằng ngày, con đường đến trường được rút ngắn khoảng cách, các em học sinh vùng cao đã yên tâm xuống núi học chữ. Có được điều đó là nhờ vào mô hình bán trú tại các nhà trường ở vùng cao trong những năm gần đây.

Ngoài giờ học, em Bàn Thị Hoa cùng bạn chăm sóc đàn lợn của trường
Ngoài giờ học, em Bàn Thị Hoa cùng bạn chăm sóc đàn lợn của trường

Ngôi nhà chung

Có mặt vào đúng giờ ăn trưa của Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn, (Bảo Yên - Lào Cai) mới thấy hết không khí phấn khởi, vui vẻ của các học sinh ở đây. Trên những khuôn mặt hồn nhiên, có em còn lấm lem bùn đất hiện lên sự háo hức khi giờ ăn bắt đầu. Ngày nào cũng thế, sau giờ học trên lớp về nghỉ ngơi, các em được thầy cô tổ chức ăn trưa và tối. Các món ăn có một phần là sản phẩm do các em cùng các thầy cô tự làm nhờ mô hình trường học nông trại.

Cam Cọn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên, có trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến.

Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ khi Trường Tiểu học và THCS số 2 Cam Cọn chuyển đổi sang mô hình phổ thông bán trú, các em học sinh ở bản xa không phải “ngược sơn” về bản mà được ở lại ăn, ngủ, học ngay tại trường trong những căn phòng nội trú ấm áp và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần.

Chia sẻ về niềm vui đến trường học nội trú, em Bàn Thị Hoa, học sinh lớp 9 của trường cho biết: Nhà em ở bản Cam 2, để tới được trường, em phải vượt qua quãng đường hơn 7km đường núi. Nhà nghèo, đường sá đi lại khó khăn, do vậy gia đình đã gửi em học bán trú. Ở đây, chúng em được nhà trường, các thầy, cô chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành.

Phòng nội trú được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chăn ấm cho mùa đông. Chúng em rất vui khi được sống và học tập ở đây. Ngoài giờ lên lớp, các em còn được chơi thể thao, được các thầy, cô hướng dẫn tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống.

Nhờ mô hình bán trú được tổ chức cùng với những hình thức hoạt động vừa thân thiện, vừa mang tính giáo dục cao, các em học sinh vùng sâu, vùng xa đã coi đây là ngôi nhà chung của mình. “Chúng em cảm thấy gắn bó và có thêm quyết tâm học tập khi được Nhà nước hỗ trợ, được thầy cô chăm lo hằng ngày. Khi về nhà em có thể giúp bố mẹ làm kinh tế nông nghiệp sau khi biết áp dụng công nghệ chăn nuôi và trồng trọt đã học ở trường vào cuộc sống”, em Đặng Thị Trương, học sinh lớp 9 chia sẻ.

Thầy Đào Trọng Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi áp dụng mô hình bán trú, các em được các thầy cô giáo, nhân viên cấp dưỡng trong nhà trường nấu ăn, nhờ đó các em yên tâm học tập, rèn luyện cũng như là ăn ở vệ sinh khoa học hơn trước, đặc biệt là công tác duy trì sĩ số học sinh của nhà trường luôn được bảo đảm. Mô hình này không chỉ giúp các học sinh bớt đi khó khăn, vất vả mà còn giúp các em chuyên tâm học tập để thực hiện những ước mơ, hoài bão như bao bạn học cùng trang lứa ở thị trấn, thành phố.

Mô hình bán trú mang lại niềm vui cho học sinh vùng cao
  • Mô hình bán trú mang lại niềm vui cho học sinh vùng cao

Gieo ước mơ con chữ

Nếu như trước đây, chỉ có học sinh ở các trường PTDTNT huyện mới được ăn, ở sinh hoạt tại trường, còn các cấp học đóng chân ở các xã đều không có mô hình bán trú, gây khó khăn không nhỏ đến việc dạy và học. Đến nay, hầu hết các trường ở vùng cao trên khắp cả nước đã thành lập mô hình bán trú, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.

Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục của huyện vùng cao. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 100%, cấp THCS đạt 95%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.

Em Bàn Thị Hoa học bài trong phòng nội trú
 Em Bàn Thị Hoa học bài trong phòng nội trú

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: Trường THCS Nghĩa Đô có 326 học sinh, trong đó 52 học sinh bán trú thuộc gia đình khó khăn. Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà học sinh tại các bản xa đã tích cực đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể và chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Đó cũng là tín hiệu vui đối với các trường học ở vùng cao.

Bên cạnh công tác giáo dục kiến thức, học sinh nội trú được nhà trường dạy những kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng vệ sinh cá nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Về kỹ năng tự học thì nhà trường phân công thầy cô hướng dẫn các em để chủ động trong học tập, ôn luyện. Tất cả những nội dung triển khai đều gắn với cuộc sống hàng ngày của các em để làm sao các em thực hiện hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là xây dựng nề nếp, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, để công tác bán trú vùng cao đạt hiệu quả, đó là sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo nơi đây. Một trong những băn khoăn trong công tác bán trú mà thầy Đào Trọng Nguyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Can Cọm trăn trở, là dù có học sinh bán trú tuần nhưng các thầy cô được phân công chăm sóc các em không hề có bất cứ chế độ gì, nhà trường phải tự cân đối chi tiêu để động viên các thầy cô.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ hàng ngày những thầy cô giáo vùng cao đang nỗ lực vượt qua, khắc phục khó khăn, rèn nền nếp bán trú, từng bước chất lượng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số để hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ nơi rẻo cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.