Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Lợi và hại

GD&TĐ - Điện thoại giúp HS liên lạc, giải trí, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập nhưng đồng thời âm thầm biến các em trở thành “tù binh” của mạng xã hội...

Học sinh cần sử dụng điện thoại trong một số hoạt động tại trường. Trong ảnh là học sinh sử dụng điện thoại cho việc “check-in” trong trường. Ảnh: Lê Nam
Học sinh cần sử dụng điện thoại trong một số hoạt động tại trường. Trong ảnh là học sinh sử dụng điện thoại cho việc “check-in” trong trường. Ảnh: Lê Nam

“Nhà tù vô hình”

Tại lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM khuyên học sinh: Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt, nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến các em trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game.

Theo PGS Vũ Hải Quân, “nhà tù vô hình” này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của học sinh. Do đó, ông khuyên học sinh nên hạn chế sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường và dồn tâm trí cho công việc phi thường. Thông điệp này được lan tỏa và gây nhiều hiệu ứng tích cực đến học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu và học sinh trung học tại TPHCM.

Việc học sinh có được sử dụng điện thoại trong trường học hay không luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận nhiều năm qua. Từ năm 2020, Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT đã quy định, học sinh không được sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học, trừ khi được giáo viên chủ nhiệm cho phép và phục vụ cho việc học tập. Điều này có nghĩa, quyền quyết định việc sử dụng điện thoại thuộc về giáo viên và từng trường học.

Nhiều trường học hiện nay ra quy định không cho học sinh mang điện thoại đến trường. Nếu vi phạm, điện thoại có thể bị thu giữ và niêm phong cho đến cuối năm học. Từ năm học 2024 - 2025, Trường THPT Thạnh Lộc (Quận 12, TPHCM) ban hành quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong các tiết học chính khóa vào buổi sáng và chiều, cũng như trong giờ giải lao. Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại trong giờ ăn trưa và giờ nghỉ buổi trưa tại trường.

Vào năm học 2022 - 2023, Trường THPT Trường Chinh (Quận 12, TPHCM) cũng quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả trong giờ ra chơi. Thầy Hiệu trưởng Trịnh Duy Trọng cho biết, ban đầu nhiều học sinh không đồng tình, nhưng sau khi thực hiện, các em nhận thấy những tín hiệu tích cực. Không sử dụng điện thoại giúp học sinh có nhiều thời gian hơn để tương tác, vui chơi và tham gia các hoạt động tập thể.

“Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động giải trí, vận động, giao lưu để các em phát triển kỹ năng và giao lưu với bạn bè, thầy cô. Từ khi thực hiện quy định này, học sinh không còn ngồi “tụm năm tụm bảy” chỉ để nhìn vào điện thoại trong giờ giải lao. Thay vào đó, sân trường trở nên đông đúc hơn và các em tham gia thể thao rất tích cực”, thầy Trọng chia sẻ.

Sử dụng điện thoại dễ khiến các em mất tập trung. Đưa ra nhận định, ThS Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam phân tích: “Điện thoại chứa nhiều ứng dụng, công nghệ hấp dẫn, khiến học sinh dễ bị cuốn hút cả ngày, làm mất đi khả năng tương tác và sự chú tâm cho học tập. Đặc biệt, khi lạm dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, khiến các em trở nên thu mình, thụ động. Đáng chú ý, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp lo lắng, trầm cảm dẫn đến sự việc đáng tiếc do người lớn không có sự giám sát chặt chẽ trong việc sử dụng điện thoại”.

hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-2-5381.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: PTNK

Nhìn nhận lợi - hại ra sao?

Ở góc độ học sinh, Nguyễn Ngọc Giang Thanh - lớp 11G, Trường THPT Phú Xuân (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, dù cấm mang điện thoại di động tới trường, nhưng có vài bạn vẫn mang và tắt nguồn để trong cặp vì nhiều lúc cần liên lạc với ba mẹ.

“Em thấy dùng điện thoại trên lớp dễ gây mất tập trung, xao lãng việc học. Không mang điện thoại đi học cũng giúp chúng em tránh được những việc không cần thiết như lướt |Facebook, đọc truyện online... thậm chí tránh được thông tin, tin nhắn tiêu cực từ người thân, bạn bè gửi đến điện thoại, điều này ảnh hưởng tới tâm trạng và tiếp thu kiến thức. Không sử dụng điện thoại giúp em và các bạn gần gũi nhau hơn”, Thanh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Mai Thanh Huy - học sinh lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre cho biết, nhiều bạn của em đã gặp vấn đề về tâm lý khi mang điện thoại đến lớp và dành nhiều thời gian để tham gia mạng xã hội, thậm chí còn mâu thuẫn với bạn bè qua tin nhắn, dẫn đến việc xô xát bên ngoài.

“Nhiều bạn không tập trung học mà lén dùng điện thoại để đăng status như ‘lớp học chán quá, bạn nào đi chơi với mình không?’... Có bạn ‘overthinking’ - suy nghĩ nhiều quá mức vì bị bạn bè nói xấu qua tin nhắn, rồi buồn không thể tiếp thu bài học”, Huy nói thêm.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự đồng tình với nội quy trường học cấm sử dụng điện thoại nhưng có người cho rằng, có thể cho học sinh đem điện thoại theo để phục vụ việc học lúc thầy cô yêu cầu. Anh Tô Minh Lâm có con học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn Quận 5 (TPHCM) cho hay, nhiều thầy cô dạy theo phong cách mới, cho học sinh ghi chép và ôn luyện trên phần mềm điện thoại, lập nhóm và kết nối nhau tại nhóm Zalo để thảo luận và thuyết trình. Việc này giúp các em có tư duy linh hoạt hơn, không học theo lối mòn.

“Tôi vẫn muốn cho con đem điện thoại theo khi đi học. Dùng điện thoại giúp học sinh tiếp cận thông tin nhanh chóng như tra cứu tài liệu học tập. Nhiều ứng dụng hay như từ điển, sách điện tử sẽ hỗ trợ các con trong quá trình học”, anh Lâm cho biết.

Chia sẻ về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Tuyển - Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho rằng, sử dụng điện thoại di động phục vụ cho mục đích học tập, học sinh chỉ được dùng trong giờ học khi được sự đồng ý hoặc có yêu cầu của giáo viên.

Theo cô Tuyển, không thể cấm tuyệt đối học sinh THPT sử dụng điện thoại khi tới trường bởi nhu cầu liên lạc của các em. Nhiều khi thầy cô có thông báo đột xuất trong nhóm chung trên điện thoại để các em theo dõi việc học cũng như trao đổi bài vở. “Làm sao để điều chỉnh hành vi của các em theo hướng tốt, không vi phạm nội quy mà thầy cô yêu cầu trong giờ học là được. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp theo dõi, hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại đúng cách”, cô Tuyển chia sẻ.

Thầy Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (Quận 12, TPHCM) cho hay, không cho học sinh mang điện thoại đến trường giúp các em gặp gỡ và giao lưu bạn bè nhiều hơn trong giờ ra chơi, từ đó thúc đẩy sự gắn kết tập thể. Những ngày đầu, một số em còn bỡ ngỡ với việc không có điện thoại. Tuy nhiên, nhiều em đã tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao trên sân trường hoặc đọc sách, trò chuyện với bạn bè. Trước đây, khi chưa có quy định này, học sinh thường ngồi trong lớp và mỗi người một điện thoại trong giờ chơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lạc quan trong thận trọng

GD&TĐ - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố dự báo mới về tình hình và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cùng những nền kinh tế lớn cho năm 2024, 2025.

Số lượng du học sinh tại Hà Lan tăng đột biến.

Hà Lan tăng cường kiểm soát du học sinh

GD&TĐ - Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ tiếp tục giảm số chương trình đại học giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm tăng cường kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế.