Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Kéo nhau ra khỏi màn hình

GD&TĐ - “Học mà chơi, chơi mà học” là mục đích chính của những hoạt động trong giờ ra chơi của nhiều trường phổ thông tại TPHCM.

Học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM) đọc sách tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: T.H
Học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM) đọc sách tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: T.H

Dù chỉ diễn ra trong 15 - 20 phút nhưng khoảng thời gian “quý báu” sẽ giúp học sinh đạt nhiều năng lượng tích cực, vui vẻ, phấn khởi khi bước vào tiết học mới.

Nhiều mô hình, hoạt động sinh động

Sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, học sinh Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) xuống sân trường để tham gia hoạt động tập thể trong tiếng cười đùa vui vẻ. Tại đây, các em được tham gia nhiều trò chơi, sinh hoạt câu lạc bộ sở thích qua mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” do Liên đội trường tổ chức. Các em làm quen và được hướng dẫn chơi các trò như: Cờ tướng, cờ vua, đá banh, cầu lông... Mặc dù thời gian “chơi” chỉ gói gọn 15 - 20 phút nhưng học sinh được trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết, tham gia các hoạt động ý nghĩa.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hằng năm Liên đội nhà trường phối hợp với các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả mô hình trên để mỗi ngày đến trường của các em thật sự là một ngày vui. Với các nội dung thiết thực, mang tính trải nghiệm, sáng tạo đảm bảo được các yêu cầu giáo dục, tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, mô hình đã thu hút học sinh tham gia tích cực, tạo không khí vui vẻ, tràn ngập tiếng cười. Qua đó làm giảm bớt áp lực học tập, góp phần rèn kỹ năng sống cho các em.

Tương tự, tại Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú), giáo viên tổ Giáo dục thể chất, Đoàn Thanh niên và tổ chủ nhiệm đã và đang tận dụng hầu hết giờ chơi để tổ chức hoạt động cho trò. Sôi nổi nhất là các môn thể thao như: Bóng rổ, bóng chuyền, đá cầu, hay nhảy dây tập thể... được phát động thành phong trào sôi nổi, xuyên suốt trong học kỳ I hay cuộc thi nhảy flashmob thường được tổ chức trong học kỳ II.

Các cuộc thi này lôi cuốn học sinh tham gia trong nhiều tháng, học sinh vừa tập luyện, vừa sinh hoạt và cả thi đấu biểu diễn tạo nên không khí vui vẻ, náo nhiệt trong nhà trường. Ngoài ra, Đoàn trường và các tổ bộ môn còn tổ chức những hoạt động khác như phát thanh tuyên truyền, quà tặng chúc mừng sinh nhật, nhảy hiện đại, cuộc thi về sáng tạo kỹ thuật.

Theo thầy Phạm Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, chủ trương của nhà trường là tạo mọi điều kiện cho học sinh được sinh hoạt, vui chơi trong các giờ ra chơi, cũng như ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Qua đó, giúp các em có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tránh thụ động, ù lì, mạnh dạn hòa nhập với xu thế mới của xã hội, tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa học sinh với nhau.

Tại Trường THPT Trường Chinh (Quận 12), hơn một năm nay, học sinh của trường “nói không với điện thoại” trong giờ ra chơi. Theo đó, trong khoảng “thời gian vàng” này, các em tham gia các hoạt động tại sân trường rất sôi động. Anh Thư, học sinh lớp 11 của trường chia sẻ: “Giờ ra chơi em cùng bạn bè các lớp tập trung nói chuyện rất vui, nhiều hôm còn tham gia đá cầu. Không khí trường em rộn ràng trong thời gian này. Thực sự, sau mỗi giờ ra chơi em cảm thấy thoải mái để bước vào tiết học mới”.

keo-nhau-ra-khoi-man-hinh-1-2915.jpg
Học sinh Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM) trong giờ ra chơi. Ảnh: M.A

Xây dựng môi trường hạnh phúc

Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4), giờ ra chơi cũng được tổ chức đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động tập thể, hoạt động nhóm như: Đọc báo, đọc sách tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại sân trường hay nhảy dây, múa hát, tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi sau những giờ học. Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia các hoạt động trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cần thiết và giáo dục các em yêu thương, chăm sóc người thân, yêu thiên nhiên.

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc tổ chức các hoạt động bổ ích đã thu hút nhiều học sinh tham gia, hạn chế trò chơi không an toàn, tai nạn thương tích trong nhà trường. Qua đó, rèn luyện kỹ năng sống, giúp cho mối quan hệ thầy trò và học sinh trong trường thân thiện, gần gũi hơn”.

Tại Trường THPT Tây Thạnh, ngoài các phong trào thi đua được tổ chức trong giờ ra chơi, nhà trường còn tận dụng thời gian này để phát huy vai trò, kỹ năng của câu lạc bộ như: Phát thanh, truyền thông; thể thao, nhảy hiện đại; văn nghệ; đọc sách tại thư viện… Thu hút học sinh tham gia các hoạt động góp phần hạn chế những va chạm, dẫn đến bạo lực học đường.

“Nhà trường huy động thầy cô bộ môn và giáo viên chủ nhiệm tham gia tổ chức các hoạt động này. Đó là phương châm tất cả cùng làm vì môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất cho học sinh. Việc tạo không gian sinh hoạt vui vẻ, an toàn cũng là mục tiêu hướng đến trong xây dựng trường học hạnh phúc của chúng tôi”, thầy Cường cho hay.

Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Minh Hiếu cho biết, “giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo” là sân chơi đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, nhận được phản hồi tích cực của học sinh và phụ huynh. Việc tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi lành mạnh sẽ tránh xa các tệ nạn xấu.

“Đặc biệt, các hoạt động không chỉ giúp học sinh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn tạo tiền đề để các em phát huy tinh thần học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống. Qua đó, tạo tinh thần học tập tích cực, hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, phòng chống bạo lực học đường”, cô Hiếu cho hay.

ThS Võ Minh Thành - giảng viên Khoa Tâm lý (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng: “Việc nhà trường biết tận dụng ‘thời gian vàng’ là giờ ra chơi sẽ đạt được nhiều mục đích giáo dục học sinh. Để tạo ra sân chơi hiệu quả, nhà trường cần tổ chức hoạt động liên tục, phong phú thông qua nhiều hình thức theo các chủ điểm của năm học và tùy theo điều kiện từng trường. Giờ ra chơi không chỉ giúp học sinh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn tạo tiền đề để các em tiếp tục phát huy tinh thần học hỏi, rèn luyện, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ