Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Sử dụng hợp lý tốt hơn cấm

GD&TĐ - Theo chuyên gia và giáo viên, không phải cứ không quản lý được là cấm. 

Thầy Trần Hữu Hoà - giáo viên Lịch sử Trường THPT Tây Ninh (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) hướng dẫn học sinh tra cứu thông tin trên điện thoại di động. Ảnh minh họa: INT
Thầy Trần Hữu Hoà - giáo viên Lịch sử Trường THPT Tây Ninh (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) hướng dẫn học sinh tra cứu thông tin trên điện thoại di động. Ảnh minh họa: INT

Cần hướng dẫn cụ thể và có cách quản lý phù hợp để việc sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học của học sinh “vẹn đôi đường”.

Ông Nguyễn Hữu Nhân - nguyên Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Cấm không phải là giải pháp tốt nhất

su-dung-hop-ly-tot-hon-cam-3-8014.jpg
Ông Nguyễn Hữu Nhân.

Theo quy định, có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại để học trên lớp nếu có yêu cầu của giáo viên. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt việc sử dụng sẽ làm học sinh sa đà vào ứng dụng khác.

Điều mà nhà trường, giáo viên và phụ huynh quan tâm là trường học và gia đình quản lý việc các em sử dụng thế nào để không sao nhãng học tập hay rơi vào tình huống mất an toàn trên thế giới mạng.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc sử dụng điện thoại; đưa vào nội quy cách sử dụng điện thoại trong và ngoài lớp; trong giờ học, giáo viên phải quan sát và xử lý kịp thời những học sinh vi phạm.

Trong trường hợp, tiết học, tiết kiểm tra có sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, giáo viên sẽ thông báo trước để học sinh chuẩn bị và phụ huynh học sinh nắm thông tin. Trong các tiết học này, giáo viên sẽ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát học sinh sử dụng thiết bị.

Việc sử dụng đúng giúp tăng hiệu quả học tập, học sinh sẽ có nguồn tài liệu đa dạng phong phú. Trong quá trình học sinh sử dụng điện thoại, giáo viên cần giới thiệu những địa chỉ, trang chính thống cho các em nghiên cứu. Vấn đề là giáo dục học sinh sử dụng đúng nơi, chỗ.

Điều quan trọng nữa là giáo viên cần xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, rõ ràng, chuẩn bị các tài liệu học tập số tích hợp vào bài giảng. Điều này giúp học sinh sử dụng điện thoại như một công cụ học tập thay vì phân tâm vào các ứng dụng khác. Điều cần thiết là giáo dục kỹ năng sử dụng công nghệ, dạy học sinh cách sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh một cách hiệu quả trong học tập.

Cấm sử dụng điện thoại trong học tập không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Thay vì cấm hoàn toàn, nên cân nhắc để giáo dục ý thức học sinh về việc quản lý hiệu quả thời gian, cách sử dụng điện thoại hiệu quả.

Trong trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con em sử dụng điện thoại để liên hệ đưa đón sau giờ học hoặc các em đặt xe công nghệ thì nhà trường có thể quy định phụ huynh thông báo với giáo viên chủ nhiệm. Khi đến trường, trước khi vào giờ học, học sinh tắt máy, cất vào hộc tủ tại mỗi lớp và chỉ nhận lại sau khi kết thúc buổi học vào giờ tan trường…

Thầy Huỳnh Ngọc Huy Tùng - Trường THPT Tân Long (Hậu Giang): Nêu cao vai trò quản lý của giáo viên

su-dung-hop-ly-tot-hon-cam-4-782.jpg
Thầy Huỳnh Ngọc Huy Tùng.

Cho phép hay cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học là vấn đề được quy định rõ trong Thông tư số 32/2020 của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng sử dụng thế nào cho hợp lý vẫn gây tranh cãi trong môi trường giáo dục hiện nay. Có nhiều quan điểm khác nhau về lợi ích và tác hại của việc này.

Nhìn chung, việc có nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học hay không cần xem xét từ nhiều khía cạnh. Điện thoại có thể là công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả tích cực và giúp học sinh liên lạc nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp…

Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, điện thoại có thể gây ra nhiều rủi ro, bao gồm phân tán sự chú ý, phụ thuộc vào công nghệ và các vấn đề về an toàn và công bằng trong môi trường học đường.

Vì vậy, các trường học và phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra những quy định hợp lý. Đảm bảo rằng, học sinh có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.

Việc cho phép học sinh đem và sử dụng điện thoại trong giờ học là tiếp cận tiến bộ khoa học theo xu thế chung. Tất nhiên, Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT quy định học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép.

Với những quy định chặt chẽ, khoa học, việc sử dụng điện thoại trong giờ học nói riêng dần đi vào nền nếp, tiết học thêm sinh động hấp dẫn hiệu quả, giảm bớt nỗi lo lắng của phụ huynh và thầy cô khi cho học sinh đem điện thoại đến trường.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh trong môi trường học đường đem lại tiện ích nhất định. Nhiều bộ môn, học sinh cần có điện thoại để tra cứu thông tin, sao chụp tài liệu. Vì vậy, không khuyến khích cấm tuyệt đối mà cần hướng dẫn sử dụng một cách hợp lý, linh hoạt, đặc biệt là vai trò quản lý của giáo viên từng môn học.

Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp): Chung tay từ gia đình, nhà trường, xã hội

su-dung-hop-ly-tot-hon-cam-1-5465.jpg
Ông Nguyễn Văn Ngợi.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện tốt đối với giáo dục, nhất là công tác dạy, học. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, lạm dụng điện thoại, nhất là lạm dụng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần.

Trước thực trạng nêu trên, cần có nhiều giải pháp từ nhà trường, gia đình và xã hội. Cụ thể như giới hạn thời gian sử dụng nhằm giúp học sinh tự giác hơn trong việc dùng điện thoại.

Thường xuyên tổ chức và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thể thao, dã ngoại, hoặc các trò chơi ngoài trời. Thành lập câu lạc bộ theo sở thích, lứa tuổi để khuyến khích trò tham gia, nhất là các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, hoặc các nhóm xã hội để tăng cường giao tiếp trực tiếp và kỹ năng xã hội.

Giáo dục cho học sinh về sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh và mạng xã hội an toàn và có trách nhiệm. Bao gồm việc bảo vệ thông tin cá nhân và tránh tiếp xúc với nội dung tiêu cực. Tạo môi trường gia đình tích cực thú vị, dành thời gian cùng gia đình như nấu ăn, xem phim, hoặc chơi trò chơi cùng nhau để tăng cường mối quan hệ. Cha mẹ và người lớn nên làm gương trong việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và có trách nhiệm.

Hỗ trợ, tư vấn tâm lý khi cần thiết nếu học sinh có dấu hiệu trầm cảm, lo âu hoặc các vấn đề khác. Nhà trường cần tạo không gian an toàn, đảm bảo học sinh cảm thấy an toàn và được lắng nghe khi chia sẻ những vấn đề của mình.

“Nhà trường nên khuyến khích các hoạt động sáng tạo và học tập, tạo điều kiện để trò tham gia các khóa học trực tuyến để phát triển kỹ năng và kiến thức mới. Sáng tạo nội dung tích cực, hướng dẫn học sinh tạo ra những nội dung tích cực trên mạng xã hội, như viết blog, làm video hướng dẫn, hoặc chia sẻ những trải nghiệm học tập”. - Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.