Học sinh dùng điện thoại trong lớp: 'Cuộc chiến' của nhiều nước

GD&TĐ - Những năm gần đây, nhiều trường học trên thế giới đã tiến hành “cuộc chiến” chống lại việc học sinh sử dụng điện thoại di động.

Một nữ sinh cất điện thoại di động trước giờ học tại Trường Trung học Delta (Mỹ). Ảnh: AP
Một nữ sinh cất điện thoại di động trước giờ học tại Trường Trung học Delta (Mỹ). Ảnh: AP

Kết quả không đồng nhất

Tại Canada, trường học ở một số khu vực đã ban hành lệnh cấm điện thoại di động đối với trẻ em trong năm học 2024 - 2025. Các lệnh cấm khác nhau tùy theo khu vực, nhưng tất cả có mục đích tương tự: Hạn chế sử dụng điện thoại di động trong lớp học; giảm sự mất tập trung và khuyến khích trẻ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội an toàn.

Tuy nhiên, khi lệnh cấm ngày càng nhận được sự ủng hộ trên toàn cầu, một số nhà nghiên cứu cho biết, không có đủ bằng chứng về hiệu quả thực sự của biện pháp này. Nữ Giáo sư Marilyn Campbell - Trường Giáo dục Mầm non và Hòa nhập thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Australia) cho biết, có rất ít nghiên cứu thực tế về việc cấm điện thoại di động có tác dụng cải thiện một số yếu tố nhất định hay không, như tỷ lệ bắt nạt trên mạng, sức khỏe tâm thần của học sinh, sự mất tập trung và thành tích học tập. Chuyên gia này cho rằng, ngay cả khi có kết quả từ các nghiên cứu, bằng chứng về vấn đề này vẫn không đồng nhất.

Trên toàn cầu, đặc biệt khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều khu vực đã công bố lệnh cấm trẻ em dùng điện thoại di động trong lớp học. Sachin Maharaj – Phó Giáo sư về lãnh đạo giáo dục, chính sách và đánh giá chương trình tại Đại học Ottawa (Canada), người từng nghiên cứu về lệnh cấm điện thoại di động ở trường học cho biết, tác động chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ở các nơi. Tại trường học cấm trẻ dùng điện thoại cho thấy kết quả học tập được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả đó không đồng đều.

cuoc-chien-cua-nhieu-nuoc-1-7446.jpg
Ngăn kéo bàn chứa điện thoại di động của những học sinh vi phạm quy định tại Trường THCS Herring Cove (Canada). Ảnh: CBC

Khó vẽ bức tranh tổng thể

Lệnh cấm điện thoại di động xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết trong số đó được thực hiện theo khu vực. Danh sách các quốc gia có lệnh cấm liên tục tăng và thay đổi.

Vào năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) kêu gọi các trường học cấm trẻ sử dụng điện thoại di động trong lớp. Tổ chức này đã trích dẫn nghiên cứu liên kết việc sử dụng điện thoại di động dẫn đến mất tập trung và kết quả học tập kém hơn. Vào thời điểm đó, báo cáo lưu ý rằng, cứ bốn quốc gia trên toàn cầu thì có một nước cấm điện thoại di động trong lớp học. Lệnh cấm này phổ biến hơn ở châu Á. Báo cáo cũng cho rằng, ở những trường học cấm điện thoại di động, trẻ ít bị mất tập trung trong giờ học.

Một số quốc gia áp dụng lệnh cấm bao gồm Pháp - cấm điện thoại di động trong lớp học kể từ năm 2018; Italy - lệnh cấm ban đầu được công bố vào năm 2007 và gia hạn vào mùa Đông năm ngoái; Tây Ban Nha - có lệnh cấm khác nhau tùy theo khu vực; Australia - điện thoại di động bị cấm ở tất cả trường công lập. Song, cách thực thi lệnh cấm khác nhau tuỳ theo tiểu bang và lớp học.

Năm 2021, trẻ em ở Trung Quốc bị cấm mang điện thoại di động đến trường nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh. Ở Síp, lệnh mới cấm học sinh bật điện thoại. Tuy nhiên, trẻ không bị cấm mang điện thoại đến trường. Lệnh cấm mới của Hà Lan yêu cầu các trường phải tự đưa ra kế hoạch thực thi quy tắc.

Tháng 2 năm ngoái, Anh đưa ra hướng dẫn về việc cấm sử dụng điện thoại cho các trường học trên khắp cả nước để tạo sự thống nhất. Tuy nhiên, hướng dẫn này không mang tính bắt buộc. Nhiều trường đã áp dụng chính sách này trong nhiều năm, nhưng vẫn có sự thay đổi.

Ở một số trường tại Mỹ, học sinh để điện thoại vào hộp đựng trước khi vào lớp. Những nơi khác, học sinh để điện thoại vào “túi khóa” từ tính. Vox Media đưa tin rằng, các trường học ở ít nhất 41 tiểu bang tại Mỹ đã mua túi này trong những năm gần đây. Còn theo The Associated Press, những chiếc túi này không mở khóa cho đến khi tiếng chuông tan học reo.

Phó Giáo sư Maharaj - Đại học Ottawa cho biết, nghiên cứu về lệnh cấm điện thoại di động cho đến nay thường mâu thuẫn hoặc cho thấy những tác động khác nhau đối với học sinh. Do đó, khó có thể vẽ nên bức tranh tổng thể về tác động của biện pháp này.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2024 tại Na Uy phát hiện, các trường học có lệnh cấm điện thoại đã chứng kiến sự gia tăng về khả năng học tập ở các bé gái. Hiệu ứng này lớn hơn ở các trường có lệnh cấm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác xem xét các trường học ở Anh có chính sách về điện thoại di động đã thấy sự gia tăng về khả năng học tập ở những trẻ có hoàn cảnh khó khăn và thành tích thấp nhất.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ, nhìn chung, xét trên phương diện hệ thống, chúng ta kỳ vọng rằng, với toàn thể học sinh, thành tích học tập sẽ có xu hướng được cải thiện”, Phó Giáo sư Maharaj nhận định.

Còn theo bà Kara Brisson-Boivin - Giám đốc nghiên cứu tại MediaSmarts (một nhóm ủng hộ kiến thức truyền thông kỹ thuật số của Canada), những người trẻ tuổi có nhận thức về thời gian sử dụng màn hình của mình nhiều hơn những gì mọi người nghĩ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, khi thời gian sử dụng màn hình được coi là một chứng nghiện, thì lệnh cấm có vẻ như phản ứng tự nhiên.

“Thành thật mà nói, điều đó không thực tế và gửi đi một thông điệp rất lẫn lộn đến mọi người. Bởi, một mặt, chúng ta nói đang cấm các thiết bị, song mặt khác lại nói rằng hãy nộp đơn xin việc trực tuyến”, bà Brisson-Boivin chia sẻ và cho rằng: Các nhà giáo dục và phụ huynh nên dạy trẻ em những thói quen lành mạnh trong việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, thay vì chỉ đơn giản là tước quyền truy cập của chúng.

Năm 2022, Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra lưu ý, hầu hết trường học trên toàn cầu có một số loại quy định liên quan đến việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số. Tuy nhiên, những quy định này khác nhau rất nhiều. Cách tiếp cận phổ biến nhất tại tất cả trường học ở các quốc gia thuộc OECD vào thời điểm đó là: Giáo viên tự thiết lập quy định cho lớp học.

Theo CBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ