Học sinh dân tộc “chế” đồ chơi, đồ dùng dạy học bằng nguyên liệu phế thải

GD&TĐ - Tại cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, mô hình “Gia đình em” của HS Thào Thị Kim Ngân, Thào Thị Kim Phương, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai) được trao giải Nhất.

2 học sinh và giáo viên hướng dẫn bên mô hình "Gia đình em"
2 học sinh và giáo viên hướng dẫn bên mô hình "Gia đình em"

Mong ước gia đình hạnh phúc

Em Thào Thị Kim Phương và Thào Thị Kim Ngân là chị em ruột. 2 em chia sẻ về lý do chọn đề tài: Gia đình em có 10 người gồm ông bà, bố mẹ, cô, dì, chị gái, anh trai, em và em trai.

Gia đình em sống hạnh phúc, tuy nhiên vì đông người, nhà nghèo nên mẹ em thường xuyên phải đi làm thuê ở xa, khi dịch Covid-19 bùng phát đã bị mắc kẹt tại Bắc Giang không về được. Sau đó nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, mẹ 2 em cùng nhiều đồng nghiệp làm tại khu công nghiệp Bắc Giang được đưa về khu cách ly và trở về nhà sau đó.

“Em rất vui khi gia đình em được đoàn tụ, em yêu gia đình của mình nên 2 chị em đã làm mô hình “Gia đình em” để giới thiệu với bạn về cuộc sống của gia đình, tuy kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tràn ngập yêu thương.

Mặt khác mong muốn mỗi gia đình đều thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh, đẩy lùi dịch bệnh nhanh qua, để mọi gia đình được ấm no hạnh phúc…”, Thào Thị Kim Phượng chia sẻ.

Mô hình sản phẩm “Gia đình em” của HS Thào Thị Kim Ngân, Thào Thị Kim Phương, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai) được BTC trao giải Nhất.
Mô hình sản phẩm “Gia đình em” của HS Thào Thị Kim Ngân, Thào Thị Kim Phương, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Lào Cai) được BTC trao giải Nhất.

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hoàng Thị Thủy, 2 chị em Phượng và Ngân đã mô phỏng lại cảnh sinh hoạt thường ngày của gia đình trong mô hình với 2 phần chính: Phần bề mặt và hệ thống điện.

Phần bề mặt gồm hoạt  cảnh bố mẹ đang xay thóc, bà ngồi thêu, ông và anh trai dạy chúng em múa khèn, anh cô đang băm cỏ cho ngựa, chị gái lăn lanh, nấu cơm, cho gà ăn.

Phần điện gồm mô tơ, rắc cắm nguồn, bộ giảm tốc, mạch điện. Sản phẩm hoạt động trên nguyên lý cung cấp nguồn điện làm chuyển động mô tơ, mô tơ quay làm cối xay, trục quay chuyển động từ đó làm chuyển động các nhân vật.

Điểm nhấn của sản phẩm là hoạt cảnh bố mẹ đang cùng nhau say thóc, nhân vật người bố điều khiển cối xay vài vòng sau đó dừng lại để nhân vật người mẹ đổ thóc.

Cô trò đã chế tạo chiếc cối xay mô phỏng theo đúng cối xay thóc của người dân tộc Mông, có thể xay thóc ra gạo. Còn ngôi nhà được làm bằng xốp mô tả nhà trình tường, được trang trí những đồ dùng dụng cụ đặc trưng của gia đình người Mông như: Bếp lò, treo thịt, ngô, bàn ghế gỗ…

2 chị em Thào Thị Kim Ngân, Thào Thị Kim Phương lắp ráp mô hình.
2 chị em Thào Thị Kim Ngân, Thào Thị Kim Phương lắp ráp mô hình.

Nền nhà được trang trí thổ cẩm tượng trưng cho nền tảng các giá trị văn hóa tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác.

Mô hình đa năng chơi và học

Sản phẩm mô hình “Gia đình em” đã được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao bởi có thể dùng làm đồ chơi hoặc ứng dụng trong học tập ở một số bài học của môn Tiếng Việt, Mĩ thuật, Khoa học, trang trí phòng truyền thống.

Mặt khác,sản phẩm được cô trò làm bằng cách tái chế vật liệu sẵn có và bỏ đi như vỏ hộp, thanh sắt, que nhựa, búp bê hỏng, len, áo cũ… Điều đó đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải khó tiêu.

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng cũng ghi nhận sự sáng tạo của sản phẩm khi tất cả các tạo hình đều ngộ nghĩnh, trang trí đẹp mắt, mô phỏng được các hoạt động sinh hoạt của một gia đình người dân vùng cao.

Đặc biệt, sản phẩm còn thể hiện tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, cũng như vai trò của các thành viên trong gia đình như ông bà truyền dạy các giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ con, cháu, bố mẹ là trụ cột của gia đình, con cháu ngoan ngoãn hiếu thảo…

Giới thiêu về mô hình, cô giáo Hoàng Thị Thủy còn cho biết thêm, mô hình có thể vận hành nhờ cung cấp nguồn điện làm chuyển động mô tơ, khi mô tơ xoay làm chuyển động cối xay, nhân vật xay lúa. Các mấu trong mâm của cối xay chuyển động sẽ làm tách vỏ lúa để lúa trở thành gạo…

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si ma cai, Lào Cai) cùng 2 HS đạt giải.
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si ma cai, Lào Cai) cùng 2 HS đạt giải. 

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng trao đổi: Mô hình thuộc lĩnh vực đồ chơi, nhưng với sự sáng tạo, phong phú, mang tính nhân văn và thể hiện được vấn đề thời sự thì sản phẩm của 2 HS dưới sự hướng dẫn của GV có thể biến thành đồ dùng dạy học và ứng dụng hiệu quả trong bối cảnh đồ dùng dạy học nhiều trường vùng cao còn khó khăn, thiếu thốn.

Thời gian tới, trường sẽ nhân rộng mô hình này để làm phong phú hơn đồ dùng dạy học trong các lớp học. Mặt khác tiếp tục động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để HS mạnh dạn đưa ra ý tưởng, tham gia vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, toàn quốc tốt nhất.

Việc đưa kiến thức đã học ứng dụng vào thực tiễn cũng là một cách học, cách phát triển kiến thức cho HS thêm sâu sắc, vững vàng đang được nhà trường tiếp tục hướng theo và đẩy mạnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ