Nhìn thẳng để tháo gỡ
Theo ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, việc triển khai còn tồn tại một số khó khăn cơ bản như: Thiết bị dạy học đối với lớp 6 chưa được trang cấp, một số trường chưa quan tâm mua sắm các thiết bị đơn giản, rẻ tiền để phục vụ dạy học lớp 6;
Do đó, còn trường thiếu SGK, tài liệu giáo dục địa phương; phòng học bộ môn (hoặc chưa đảm bảo) để tổ chức các hoạt động giáo dục…
Cũng như nhiều địa phương khác, tại Lào Cai tình trạng thiếu giáo viên một số môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... nên việc phân công giáo viên dạy không đúng chuyên môn đào tạo, một giáo viên dạy nhiều trường; chất lượng giáo viên chưa đồng đều, hạn chế về phương pháp dạy học và kiến thức bộ môn. Một số trường CBQL, giáo viên chưa nắm đầy đủ về CT GDPT năm 2018.
Mặt khác, một số trường do chưa nghiên cứu kỹ văn bản nên triển khai thực hiện chưa đúng các văn bản hướng dẫn ở một số nội dung. Mặc dù đã có nhiều cố gắng đổi mới phương pháp song ở nhiều sở giáo dục việc tổ chức các hoạt động trong giờ học còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả;
Đặc biệt, giáo viên vẫn có tư tưởng “sợ học sinh không hiểu” nên lạm dụng giảng giải, thuyết trình, làm thay; khả năng tự học, hoạt động hợp tác của học sinh còn hạn chế…
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cũng ghi nhận quá trình triển khai CT GDPT 2018 năm đầu tiên với khối 6 tai Lào Cai đã thể hiện sự tích cực của Sở, Phòng GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục bám sát các chủ chương của Bộ GD&ĐT về triển khai;
Phòng giáo dục đã quan tâm chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ (bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng) để thực hiện CT GDPT 2018 tại các nhà trường và kịp thời tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục có cấp THCS có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị các điều kiện; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục bộ môn; tổ chức và dạy và học lớp 6 CT GDPT năm 2018 theo đúng kế hoạch năm học và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Cùng đó, giáo viên các nhà trường có nhiều cố gắng trong công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn (đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất học sinh); Hiện nay giờ học lớp 6, học sinh hoạt động cá nhân tốt hơn; tổ chức hoạt động hợp tác hiệu quả hơn…; đã chú trọng lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm.
“Vể cơ bản tổ chức dạy và học lớp 6 tại các nhà trường đã thực hiện đúng các hướng dẫn của Sở GD&ĐT, bước đầu đạt được mục tiêu, yêu cầu của chương trình GDPT năm 2018…”, theo đánh giá của ông Đỗ Minh Tâm.
Tăng cường quản lý, chỉ đạo giai đoạn “nước rút”
Trên thực tế triển khai CT GDPT mới ở lớp 6 đầu năm học tới nay, Sở GD&ĐT Lào Cai đã có những chỉ đạo cho giai đoạn “về đích” cuối năm học hiệu quả bằng nhiều giải pháp quyết liệt.
Trước hết, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT đánh giá công tác chỉ đạo, tổ chức dạy học lớp 6 theo CT GDPT năm 2018 chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp trong học kỳ 2.
Mặt khác, phải thực hiện hàng loạt các giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt về điều kiện triển khai CT GDPT 2018 như: Rà soát đội ngũ CBQL, giáo viên; Thực hiện điều động, luân chuyển GV, trường giúp trường… để hạn chế tình trạng giáo viên dạy không đúng chuyên môn đào tạo đối với các môn học;
Cần xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng đối với giáo viên chưa được bồi dưỡng, chưa hoàn thành các modul bồi dưỡng CT, SGK GDPT năm 2018.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động bổ sung thiết bị dạy học; tận dụng tối đa các thiết bị sẵn có để dạy học lớp 6; đảm bảo phô tô đủ SGK cho học sinh (với trường học sinh chưa có đủ SGK)…
Tăng cường tham mưu UBND huyện để sớm bổ sung đội ngũ và cơ sở vật chất cho các nhà trường đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT năm 2018.
Đối với các cơ sở giáo dục có cấp học THCS, Sở yêu cầu rà soát kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học, việc tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo các quy định, thực hiện từ học kỳ 2.
Đối với môn KHTN, Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường kế hoạch giáo dục phải xây dựng theo đúng logic của chương trình (từ tiết 1 đến tiết 140), không xây dựng theo từng phân môn riêng.
Khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện kế hoạch theo đúng logic của chương trình; các trường bố trí dạy song song các chủ đề cần căn cứ vào nội dung để sắp xếp phù hợp thứ tự thực hiện các chủ đề, đảm bảo tối đa logic của chương trình (tuyệt đối không thực hiện đảo thứ tự các tiết trong 1 chủ đề)…
Đồng thời giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức giờ dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh nhưng phải phù hợp với đối tượng học sinh các nhà trường như: Lựa chọn các yêu cầu, nhiệm vụ, hoạt động… phù hợp đảm bảo hiệu quả các hoạt động, nâng dần mức độ yêu cầu về phẩm chất và năng lực để đảm bảo yêu cầu của chương trình.
Phòng GD&ĐT quan tâm, hỗ trợ các trường khó khăn trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 6 (gợi ý: tổ chức hội nghị tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, môn học theo nhóm trường, vành đai chất lượng để các trường tham khảo).
Ngoài ra cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc Quy định về đánh giá xếp loại học sinh đối với lớp 6 (Thông tư 22); Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đối với lớp 6;
Tăng cường vai trò của lãnh đạo nhà trường trong triển khai thực hiện CT GDPT năm 2018; Thực hiện tốt vai trò của Tổ tư vấn kỹ thuật; Nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học các cấp.
Đặc biệt, Phòng GD&ĐT cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục có cấp học THCS việc thực hiện CT GDPT năm 2018; chỉ đạo tăng cường hoạt động “trường giúp trường”, phong trào “giáo viên giúp đỡ giáo viên” để tháo gỡ khó khăn; Chú trọng phát hiện, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có nhiều cố gắng, thực hiện công việc hiệu quả, nhân rộng điển hình…