Cái lý của nhà trường
Trong mùa Covid-19, học phí trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt giữa phụ huynh với một số trường phổ thông tư thục trên địa bàn TPHCM.
Mới đây, nhiều phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu (AIS) bức xúc, phản đối việc tăng học phí của trường khi thành phố hết giãn cách lại phong tỏa do dịch bệnh. Theo đó, hơn một nghìn phụ huynh trường này đã ký đơn gửi nhà trường và Sở GD&ĐT TPHCM phản đối việc tăng học phí trong năm học 2021 - 2022 (tăng 15%, thậm chí 28%).
“Học phí năm học 2021 - 2022 của con tôi ở lớp 4 là 13,37 triệu đồng/tháng, trong khi năm học 2020 - 2021, đóng 10,97 triệu đồng/tháng (lớp 3). Mức tăng theo tôi tính là 2,4 triệu đồng/tháng, khoảng 21,9%. Còn một cháu năm nay lên lớp 7 phải đóng học phí 14,149 triệu đồng/tháng, trong khi đó năm lớp 6 vừa rồi ở mức 12,411 triệu đồng/tháng, ước tính tăng 1,738 triệu đồng, khoảng 14%” - chị Ngọc Thúy (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ.
Năm ngoái, phụ huynh một số trường như Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Australia, Trường Sao Việt (VStar School)… cũng đã lên tiếng, viết đơn phản đối chính sách thu học phí của nhà trường trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Nói về lý do tăng học phí, đại diện Trường Quốc tế Á Châu cho rằng: Mức phí của trường rất thấp, mặc dù vậy, hằng năm đều phải đầu tư để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế theo tiêu chí kiểm định. Thay vì phải điều chỉnh học phí một lần mới bảo đảm được những tiêu chuẩn trên, nhà trường chọn hướng điều chỉnh dần qua từng năm để tạo nhiều điều kiện cho phụ huynh.
“Mức tăng này cần được so sánh dựa vào học phí của năm học sau với năm học trước ở cùng một lớp học. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đang đối chiếu tiền học của con mình năm sau so với năm trước là chưa chuẩn xác” - đại diện AIS thông tin.
Một số trường ĐH cũng ra thông báo về việc điều chỉnh mức học phí trong năm học tới. Đại diện Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) thông tin: Một số ngành học đặc thù như: Ngành kỹ thuật ô tô, điều khiển tự động hóa, công nghệ thông tin sẽ tăng học phí từ 24 triệu đồng lên 27 triệu đồng/năm để sắm máy móc, đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời thu hút đội ngũ giảng viên giỏi…
Mới đây, Trường ĐH FPT cũng ra thông báo tăng mức học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ. Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, trong 5 năm qua học phí của trường giữ nguyên. Năm học tới, trường thông báo tăng học phí ở một số ngành với mức 7%, chia bình quân mỗi năm chỉ tăng hơn 1%.
Cũng theo TS Tùng, việc tăng học phí của nhà trường ngoài mục đích đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, thư viện, nâng cao chất lượng giảng viên… còn liên quan đến hợp tác với nước ngoài, các chương trình đào tạo mới về trải nghiệm khởi nghiệp.
Nỗi niềm người trong cuộc
Anh Đoàn Văn Tuấn (Phúc Thọ - Hà Nội) có con theo học trường mầm non tư thục cho biết: Đầu năm học, phụ huynh ai cũng lo lắng, đặc biệt là thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Con tôi theo học trường tư nên học phí là điều trăn trở rất lớn.
Mặc dù, con học trường công lập nhưng chị Lê Phương Thúy (Chương Mỹ - Hà Nội) vẫn khá lo lắng về học phí và các khoản đóng góp đầu năm học. Chồng chị lái xe dịch vụ, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập bấp bênh. Chị buôn bán nhỏ để trang trải cuộc sống. “Gia đình tôi phải vay lãi ngân hàng để mua ô tô chạy dịch vụ. Những tưởng chăm chỉ sẽ sớm trả hết nợ, nhưng ai ngờ dịch bệnh kéo dài, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn” - chị Thúy trải lòng.
Theo chị Thúy, đầu năm học, gia đình phải đóng hơn 10 triệu đồng cho 2 con, gồm: Tiền học chính, học thêm, các loại quỹ… chưa kể tiền mua sắm quần áo mới, sách vở và dụng cụ phục vụ cho việc học của các con mất thêm vài triệu đồng.
“Nhiều người cho rằng, đó là số tiền nhỏ nhưng ở nông thôn lo được khoản này là vấn đề nan giải. Việc kiếm tiền hiện rất khó khăn, lại thêm các khoản chi tiêu khác khiến vợ chồng tôi nhiều lúc thấy áp lực” - chị Thúy tâm sự.
Với thu nhập hàng tháng chỉ 5 – 6 triệu đồng, chị Hồng Vân (Sông Lô - Vĩnh Phúc), công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: Hai tháng nay tôi phải tăng ca để kiếm thêm tiền chuẩn bị cho con bước vào năm học mới.
“Lương công nhân chưa ráo mồ hôi đã hết, ngoài tăng ca các ngày trong tuần, tôi còn lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Hy vọng từ giờ đến lúc khai giảng sẽ đủ tiền lo cho các con” - chị Vân nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng (62 tuổi, Nam Định) trở về quê vài tháng nay vì quán nước ở Hà Nội phải dừng hoạt động do dịch bệnh. Hiện, mọi sinh hoạt gia đình chỉ trông chờ vào hàng rau củ của vợ ông.
“Tôi lập gia đình muộn, con lớn mới lên lớp 10, cháu út lên lớp 4. Khi chưa có dịch, hàng nước ở Hà Nội của tôi bán khá chạy, nhưng hiện phải ngừng hoạt động đành về quê phụ vợ bán rau qua ngày. Hai năm dịch bệnh, số tiền tiết kiệm đã dùng hết sạch. Sắp tới, tôi không biết xoay xở thế nào để lo cho con”, ông Nguyễn Văn Hùng giãi bày.