Học ngoại ngữ theo hướng mở

GD&TĐ - Hướng đến trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết của công dân toàn cầu, nhiều trường học tại TPHCM đã đổi mới trong dạy học Tiếng Anh, tạo môi trường, không gian mở giúp các em thể hiện, phát huy khả năng sử dụng ngoại ngữ của mình.

Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) trong Hội thi hùng biện tiếng Anh. Ảnh: T.Hanh
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) trong Hội thi hùng biện tiếng Anh. Ảnh: T.Hanh

Tăng cơ hội tiếp cận

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), đáp ứng chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh theo Đề án mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế (50% học sinh đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế), ngay từ đầu năm học, trường đã thực hiện việc dạy và học Tiếng Anh theo hướng cá thể hóa nhằm phát huy tối đa khả năng ngoại ngữ đối với từng đối tượng học sinh khác nhau.

Nhà trường đã đề ra giải pháp giảng dạy Tiếng Anh đối với các lớp học chương trình tiếng Anh tăng cường (8 tiết/tuần) dưới hình thức câu lạc bộ (CLB). Để thực hiện được điều này, ngay từ cuối năm lớp 2, nhà trường đã đảm bảo 100% học sinh lớp tăng cường tiếng Anh được tham gia dự thi chứng chỉ Cambridge – Starters hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương. Căn cứ trên số điểm đạt được, nhà trường chủ động phân lớp theo trình độ (với các giờ Tiếng Anh) và sắp xếp thời khóa biểu hợp lí để có kế hoạch bồi dưỡng cũng như phụ đạo và vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy phù hợp theo năng lực của học sinh.

Tương tự, tại Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8), theo thầy Trần Nguyễn Hanh, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, các em ở khối 6, 7, 8 học chương trình tiếng Anh tăng cường với 8 tiết/tuần, trong đó có 4 tiết với giáo viên bản ngữ. Ngoài việc các thầy cô giáo đổi mới dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, trau dồi cho các em 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và lồng ghép nhiều chuyên đề học tập bổ ích, nhà trường còn tổ chức và khuyến khích các em tham gia hội thi kể chuyện, hùng biện tiếng Anh. Dịp nghỉ hè CLB tiếng Anh của trường sẽ hoạt động thường xuyên để giúp học sinh ôn tập lại kiến thức, tăng cường kĩ năng giao tiếp.

Với nhiều trường, ngoài việc dạy, học tốt, việc tổ chức các chuyên đề ngoại khóa tiếng Anh đã mang lại hiệu quả cao để học sinh tự tin thể hiện khả năng ngoại ngữ, vận dụng những gì đã học để áp dụng trong thực tế.

Cô Võ Thị Hồng Yến, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) cho biết: Ngoài việc dạy và học đảm bảo kiến thức cho học sinh, với việc tổ chức những chuyên đề ngoại khóa theo hình thức CLB sẽ giúp các em rèn luyện, học thêm từ vựng, cũng như trau dồi khả năng nghe nói. Ví dụ như trường đã tổ chức chuyên đề về tà áo dài Việt Nam,các em sẽ được biết thêm các từ mới, hiểu về truyền thống, vẻ đẹp của tà áo dài, các em được vẽ, thuyết trình về áo dài…

Mỗi chuyên đề đều có phần hỏi đáp, những trò chơi, sẽ giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp và biết vận dụng những kiến thức ngoại ngữ mà các em đã học để giải quyết câu hỏi đưa ra. Không chỉ được rèn luyện về ngoại ngữ các em còn có dịp trau dồi vốn kiến thức lẫn vốn sống của mình.

Để trò tự tin giao tiếp tiếng Anh

Nhằm giúp học sinh được thực học, thực nghiệm trong môi trường học đường thông minh và hình thành các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21, trong đó có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, thời gian qua Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) chú trọng việc dạy học ngoại ngữ cho học sinh.

Thầy Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ của trường chia sẻ: Ở trường các em có thể chọn ngoại ngữ 1 là môn Tiếng Nhật, môn Tiếng Anh và Tiếng Đức. Nếu chọn ngoại ngữ 1 là Tiếng Nhật (3 tiết/tuần), các em được học thêm môn tiếng Anh ngoại ngữ 2, với số lượng 2 tiết/tuần. Nếu học sinh chọn ngoại ngữ 1 là Tiếng Đức, Nhật, thì ngoại ngữ 2 là Tiếng Anh (2 tiết/tuần). Nếu các em chọn Tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì Tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 (2 tiết/tuần).

Theo đánh giá của thầy Hữu Thắng, các thầy cô trong tổ luôn chủ động trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi tìm tòi để đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng rèn 4 kĩ năng, nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. Không chỉ dạy học Tiếng Anh, giáo viên còn lồng ghép dạy kỹ năng cho học trò như về giao tiếp, văn hóa, làm việc nhóm, thuyết trình… thông qua nhiều chuyên đề dạy học bổ ích.

Được biết, Tổ Tiếng Anh của trường có 12 giáo viên thì 11 giáo viên đạt chuẩn B2. Cũng theo thầy Hữu Thắng, trường thành lập CLB cho học sinh sinh hoạt, trong năm tổ chức tuần lễ bộ môn và Tổ Ngoại ngữ sẽ có nhiều hoạt động bổ ích như ca hát, đóng kịch, trò chơi… “Thông qua tuần lễ bộ môn, cũng như sinh hoạt theo CLB, các em tự tin thể hiện khả năng ngoại ngữ, tự tin trao đổi với bạn bè, giáo viên nước ngoài, với thầy cô, từ đó mạnh dạn hơn và có thêm được rất nhiều điều bổ ích”, thầy Thắng nhận xét.

Còn tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), nhằm tạo môi trường cho học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, trong suốt năm học vừa qua, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường đã thực hiện ý tưởng Ăn sáng cùng hiệu trưởng (Breakfast with Principal) vào sáng thứ Ba hằng tuần.

Theo đó, những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, trong các phong trào thể dục thể thao… của trường đều nhận được một lá thư mời ăn sáng cùng cô hiệu trưởng. Bữa ăn sáng có một yêu cầu khá đặc biệt - cô và trò sẽ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh, từ việc gọi món ăn, gọi đồ uống cho đến việc cùng trao đổi về gia đình, chuyện học tập, và những dự định mà các em ấp ủ cũng như mong muốn của các em với ngôi trường của mình…

Cô Thúy An cho hay: “Đầu năm về nhận công tác ở trường, tôi thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em khá tốt, và tôi nghĩ nếu sử dụng ngôn ngữ này để trò chuyện trong chương trình sẽ vô cùng hữu ích. Nó tạo ra môi trường để các em giao tiếp, thể hiện sự tự tin, bổ sung nhiều vốn từ vựng hơn. Còn với bạn nào tiếng Anh chưa thực sự tốt, thì thông qua việc gặp gỡ trò chuyện này, các em cũng có những cố gắng hơn trong học tập, thấy được tiếng Anh rất quan trọng trong cuộc sống”.

Không chỉ với học trò, với các giáo viên bộ môn bồi dưỡng các em học sinh giỏi, cô Thúy An cũng mời thầy cô cùng ăn sáng và trao đổi bằng tiếng Anh với nhau để từ đó kích thích các thầy cô bộ môn khác trau dồi vốn ngoại ngữ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.