(GD&TĐ) - Có những người trình độ học vấn không cao nhưng vẫn có thể thành công trong nghề nghiệp mà mình lựa chọn, nếu họ có khả năng và đam mê thực sự. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ không tự học, không tự thu nhận kiến thức theo cách riêng của mình. Học tập có rất nhiều hình thức và không bao giờ muộn với bất kỳ ai.
Tự học – Nhu cầu tự thân
Nguyễn Thị Ngọc (Thọ Xuân, Thanh Hóa) ra Hà Nội lập nghiệp từ năm 15 tuổi. Lúc đó, Ngọc vừa hoàn thành một khóa học cắt may ở thành phố Thanh Hóa. Một người chị cùng quê đang mở cửa hàng cắt may ở Cầu Giấy, Hà Nội rủ Ngọc ra làm cùng.
Thế là cô bé 15 tuổi khăn gói lên đường. Làm thợ được hơn 2 năm, Ngọc tích cóp được một số vốn, mở hàng may của riêng mình ở làng Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Nơi Ngọc mở hàng may đông sinh viên ở trọ, Ngọc cắt may khéo, giá lại rẻ, nên khách hàng ngày một đông. Ngọc phải tuyển thêm hai thợ phụ. Cửa hàng nhỏ xíu của cô trở nên quá chật chội. Ngọc quyết định tìm thuê một cửa hàng khác rộng rãi hơn và cô chọn được một ngôi nhà mặt ngõ gần phố Chùa Hà.
Đã có lúc, Ngọc mơ tới một thương hiệu thời trang của riêng mình. Để hiện thực hóa dần ước mơ, Ngọc rất chịu khó lên mạng, mua catalogue mày mò tự học các kỹ thuật cắt may mới. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những kiến thức ít ỏi về cắt may cô học được qua một khóa học ngắn ngủi, cùng với những kiến thức tự học và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm làm nghề, Ngọc biết rằng, cô không thể thực hiện được ước mơ của mình.
Trước đây, một phần vì gia đình khó khăn, một phần bởi suy nghĩ “Con gái không cần học nhiều” nên tốt nghiệp THCS, Ngọc nghỉ học để đi làm kiếm tiền đỡ đần bố mẹ nuôi hai đứa em. Giờ đây, mong muốn đi học lại cứ trở đi trở lại trong cô. Ngọc dự định lấy xong bằng bổ túc THPT sẽ tiếp tục thi hệ ĐH vừa học vừa làm của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tuy vậy, cô có phần ngại ngần vì giờ cô đã 22 tuổi, sợ bị trêu chọc nếu đi học bổ túc chung với các em ít tuổi hơn nhiều…
Anh Phạm Thanh Tân (Ứng Hòa, Hà Nội) rời quê vào TPHCM lập nghiệp khi vừa tốt nghiệp hệ TCCN ngành Hướng dẫn du lịch Trường CĐ Du lịch Hội. Sau 8 năm lăn lộn ở các công ty du lịch tư nhân có, nhà nước có, anh và vợ quyết định thành lập công ty riêng, chuyên bán tour qua mạng Internet.
Cùng thời điểm này, anh nhận thấy những kinh nghiệm mình tích lũy được trong quá trình làm việc thực tế chưa đủ để anh có thể quản lý công ty của mình một cách hiệu quả nhất, mặc dù nó mới ở quy mô rất nhỏ. Nếu sau này có ý định mở rộng quy mô của công ty, chắc chắn anh Tân còn vấp phải nhiều khó khăn hơn. Do vậy, anh Tân quyết định học ĐH Quản trị kinh doanh hệ vừa học vừa làm.
Song song với đó, anh tự học tiếng Anh trên mạng. Anh Tân chia sẻ: “Nắm chắc ngoại ngữ cho tôi nhiều cơ hội thu hút được khách nước ngoài. Hiện nay, đến 2/3 khách của tôi là người nước ngoài. Những chỉ dẫn cụ thể, thực tế cộng với sự giao tiếp thường xuyên của tôi với khách trên trang web của công ty khiến khách nước ngoài rất thích”.
Hình thức vừa học văn hóa vừa học nghề ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: Hoàng Đan |
Nhiều hình thức học tập suốt đời
Nhiều người cho rằng, phải học ở trường lớp tử tế, theo một chương trình nhất định mới là học. Tuy nhiên, thực tế, quá trình học tập có thể diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Các hoạt động học tập suốt đời có thể thông qua những phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ… Tại các địa phương, những trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, cơ hội học tập cho người dân. Ưu điểm của các TTHTCĐ là có thể mở rộng địa bàn hoạt động đến các thôn, bản, cụm dân cư với nội dung giáo dục đa dạng.
Cũng cần chú ý đến vai trò của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trong việc quá trình xây dựng xã hội học tập hiện nay. Với xã hội hiện đại, tin học và ngoại ngữ là những hành trang không thể thiếu với tất cả mọi người. Không ít người đã làm việc lâu năm vẫn quyết định đi học thêm ngoại ngữ, tin học để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.
Bên cạnh đó, hình thức học từ xa, học qua mạng cũng rất được ưa chuộng và phù hợp với điều kiện thời gian của nhiều người, nhất là những người đã đi làm. Trong thời đại bùng nổ Internet hiện nay, hình thức học qua mạng được những “công dân @” lựa chọn phổ biến vì sự tiện lợi, linh hoạt, phù hợp với nhiều mục đích khác nhau. Mặt khác, người học cũng có thể biết ngay được kết quả học tập của mình nhờ tính năng nhận xét, chấm điểm trực tuyến…
Tuy nhiên, hình thức học trực tuyến chỉ phù hợp với ai có nhu cầu học thực sự và quyết tâm cao, bởi sẽ không ai thúc ép bạn học, hay trách phạt nếu bạn không học ngoài chính bản thân người học.
Anh Tân chia sẻ: Tôi quyết định tự học tiếng Anh qua mạng vì không có thời gian đến các lớp học tập trung. Nhưng tôi học có động cơ và mục đích rõ ràng, đồng thời còn thêm một lý do khiến tôi học rất chuyên tâm – Nếu không học, công ty của tôi sẽ bỏ lỡ thị trường khách hàng người nước ngoài rất tiềm năng, doanh thu thấp, cuộc sống của gia đình tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề…
Để có thể hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời, tại Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020, Chính phủ đã có các giải pháp: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ theo địa bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; Xây dựng cơ chế đánh giá, công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích mọi người dân tự học, tự tích lũy kiến thức; Tổ chức biên soạn tài liệu học tập về các lĩnh vực của đời sống xã hội đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân; Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá phù hợp với việc học tập của người lớn tuổi. |
Chu Minh