Học cách trồng cam của người Lào, nhiều người dân vùng biên thoát nghèo

GD&TĐ - Nhiều hộ dân Suối Tuốt, Con Dao, vùng biên Mường Lát đã thành công từ việc học kinh nghiệm và mang giống cam Lào về trồng cho thu nhập trăm triệu đồng.

Cây cam Lào đã giúp bà con bản Suối Tuốt, Con Dao thoát nghèo.
Cây cam Lào đã giúp bà con bản Suối Tuốt, Con Dao thoát nghèo.

Thu nhập 100 triệu đồng/năm

Là người dân gốc Lào, bà Tặng Thị Mụi về làm dâu ở Suối Tút (xã Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hoá) đã 10 năm. Ngay khi đặt chân về mảnh đất này, bà Mụi đã nhen nhóm khởi nghiệp từ việc mang giống cam trên quê hương mình về để phát triển kinh tế.

Hơn 10 năm làm dâu đất khách cũng từng ấy năm cây cam lớn lên trên đồi đất Quang Chiểu. Từ 10 gốc cam ban đầu, đến nay gia đình bà đã trồng gần 300 gốc cam, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 60 - 70 kg. Trừ tất cả chi phí, gia đình thu được trên 100 triệu đồng/năm.

Cũng thành công từ mô hình trồng cam Lào, ông Tặng Văn Lai (49 tuổi, bản Suối Tút) hiện đã có 400 gốc cam.

Ông Lai (áo trắng) khoe thành quả sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn Lào.

Ông Lai (áo trắng) khoe thành quả sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn Lào.

Ông Lai phấn khởi cho biết: “Năm vừa rồi, gần 1ha cam Lào, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, tôi thu về 60 triệu đồng”.

Để có được thành công hôm nay, gần 10 năm trước, người đàn ông này đã sang Lào xin được làm thuê cho các trang trại trồng cam.

Quả thực như lời giới thiệu của người thân trước đó, ông Lai không bất ngờ khi chứng kiến những quả đồi ở cụm Sóc Tong được bao phủ bởi vựa cam Lào. Ông Lai nhận ra, người dân nơi đây, thoát nghèo, có “của ăn, của để”, nhiều nhà có đến 3 xe máy, con cái được đến trường cũng nhờ cây cam. Ngày ngày, ông Lai theo người dân lên đồi trồng, chăm sóc cam mà không lấy công để học kinh nghiệm.

Giống cam lào cho vị ngọt, mát khác biệt so với cam thường.
Giống cam lào cho vị ngọt, mát khác biệt so với cam thường.

“Tôi xin bà con được ăn cơm, uống nước, ở nhờ, mong bà con dạy tôi cách trồng cam. Đổi lại, tôi sẽ ở lại đồi, trồng, chăm sóc cam giúp mà không cần trả tiền công. Sau thời gian ở Piềng Liềng, tôi nhận ra, chất đất, khí hậu ở đây giống với Suối Tút nên đã mua thử 100 cây cam giống về trồng”, ông Lai kể lại.

100 cây cam đầu tiên trồng không bị chết, ông Lai tiếp tục lên đường sang Lào học thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cam. Cứ như thế, trong năm 2013, ông Lai đã 4 lần “xuất ngoại”, mang về 400 cây cam giống và trồng trên gần 1ha đất của gia đình.

Thấy vườn cam của ông Lai phát triển tốt, cho thu nhập cao, đồng bào Dao ở bản Suối Tút đã mạnh dạn đến nhà ông Lai để học hỏi kinh nghiệm trồng cam.

Theo người dân bản địa, cam là cây trồng khó tính và rất dễ bị bệnh. Đất trồng cam phải luôn tơi, xốp và độ ẩm phù hợp.

Diện tích đồi ở bản Suối Tút trước đây rất khó canh tác, vì dốc lại khan hiếm nguồn nước. Nhiều người dân đã trồng nhiều loài cây như ngô, sắn, mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất nhanh bạc màu. Trồng cam Lào, hiệu quả gấp đôi so với trồng ngô, sắn.

Ngoài bản Suối Tuốt, ở bản Con Dao, bà con cũng đua nhau trồng cam. Điển hình như nhà Trưởng bản Tặng Văn Cấu, vườn cam của gia đình ông cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Hàng chục hộ thoát nghèo

Hiện nay, hầu hết các hộ ở bản Con Dao, Suối Tút đều trồng cam, nhà ít cũng vài chục gốc, nhiều tính bằng ha. Đây trở thành “thủ phủ” cam của xã Quang Chiểu với hơn 20 ha cam, trong đó có ngót 5 ha đã cho thu hái quả. Câu chuyện thu tiền trăm triệu từ cam không còn xa lạ đối với đồng bào Dao.

Hầu hết các hộ ở bản Con Dao và Suối Tuốt đều trồng cam.
Hầu hết các hộ ở bản Con Dao và Suối Tuốt đều trồng cam.

Những năm trở lại đây, cam phát triển nhanh cho thu hoạch cao. Các hộ dân tiếp tục nghĩ ra cách tiêu thụ chủ động để không phụ thuộc nhiều vào thương lái. Trừ những nhà trồng ít bán tại vườn, còn lại người dân tự gom thêm cam nhà khác rồi chở xuống huyện bán.

Ngoài trồng cam lấy quả bán, người dân còn biết mở rộng thành mô hình du lịch cộng đồng, “Nhà vườn San Mụi” ở bản Suối Tút, “Nhà vườn May Mắn” ở bản Con Dao đã ra đời... Tại đây, khách có thể đến tham quan, chụp ảnh và hái cam ăn thoải mái, mà chỉ mất tiền vé vào cửa là 20.000 đồng/người.

Theo báo cáo, vài ba năm trước, đồng bào dân tộc Dao sống ở Quang Chiểu 100% là hộ nghèo, thì đến nay, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự vươn lên của bà con, hiện có 28/80 hộ thoát nghèo.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng cam Lào, diện tích hơn 5ha, tập trung ở 2 bản Suối Tút và Con Dao. Sắp tới, UBND xã sẽ vận động bà con chuyển đổi thêm 5ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam Lào.

“Sự đổi thay ở bản Con Dao, Suối Tút không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất mà ngay trong nhận thức của bà con về xóa đói giảm nghèo và kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình đều có sự tiến bộ rõ rệt”, ông Thứ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ