Xóa đói giảm nghèo nhờ cây mận tam hoa
Xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Nhờ khí hậu ổn hòa, mát mẻ, cảnh sắc núi non hùng vĩ nên nơi đây được ví là “cổng trời” của xứ Nghệ.
Những năm 90 thế kỷ trước, sau khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, chính quyền huyện Kỳ Sơn nghiên cứu mang về nhiều loại cây trồng cho người dân canh tác thay thế. Trong đó, cây mận tam hoa có nguồn gốc từ tỉnh Lào Cai được đưa về trồng tại xã Mường Lống.
Nhờ thích nghi với khí hậu ở Mường Lống nên mận tam hoa sinh trưởng tốt, sau 3 năm cho ra quả. Cây mận ra hoa vào đầu mùa Xuân và cho thu hoạch quả vào đầu mùa Hè.
Đang chăm sóc vườn mận gần 300 gốc của gia đình, ông Hờ Chồng Pó (trú tại bản Mường Lống 2, xã Mường Lống) cho biết, năm nay quả mận được mùa, lại chín sớm hơn những năm trước nên người dân rất phấn khởi.
Với mức giá từ 20.000-30.000 đồng/kg tùy thời điểm đầu hay cuối vụ, vườn mận của ông Pó ước tính cho thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng.
Theo người đàn ông này, mận tam hoa trồng ở xã Mường Lống quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ, nên có quả to, giòn và ngọt. Ngoài ra, nhờ được trồng hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo vệ thực vật nên được thị trường ưa chuộng. Quả chín bao nhiêu thương lái thu mua hết ngay tại vườn.
Bên cạnh bán quả, nhiều hộ dân ở Mường Lống còn liên kết với nhau để làm du lịch. Dưới tán những gốc mận cổ thụ, người dân dọn dẹp cỏ, làm tiểu cảnh để đón du khách vào tham quan, hái mận hoặc chụp ảnh.
Tuy nhiên, theo ông Pó, mùa mận chín chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhiều nhất là vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Bởi vậy trong thời gian tới cần thu hoạch nhanh, bán nhanh để được giá.
“Vào mùa hoa mận nở và lúc quả chín du khách về rất đông. Vì muốn quảng bá vườn mận để phát triển du lịch nên người dân không thu vé vào vườn, chỉ bán mận cho người nào mua”, ông Pó nói.
Với 300 gốc mận, gia đình ông Hờ Chồng Pó thu về hàng chục triệu đồng/năm. |
Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, thực hiện chủ trương trồng cây mận tam hoa thay thế cây thuốc phiện, năm 1995, toàn xã trồng được khoảng 50ha mận. Thời điểm đó, mận là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Tuy nhiên, có thời điểm, mận khó tiêu thụ, bà con chặt bỏ một phần để trồng cây khác, do đó diện tích mận của xã Mường Lống hiện còn khoảng 23 ha, tập trung ở bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2. Trong đó, có 5 vườn trồng tập trung, còn lại rải rác trong vườn các hộ dân.
Những năm được mùa, sản lượng mận lên tới gần 100 tấn. Thường đầu mùa, quả mận đẹp được bán với giá 30.000 đồng/kg, sau đó vào mùa chín rộ giá cũng giảm dần.
Theo ông Xà, những năm gần đây, du khách đến với Mường Lống ngày càng nhiều, nhất là vào dịp mùa Xuân mận ra hoa và quả mận chín vào mùa Hè. Nhờ có tiềm năng du lịch nên xã có chủ trương vận động bà con mở rộng diện tích mận để phát triển du lịch.
Nhân rộng mô hình cây ăn quả kết hợp du lịch
Với mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách du lịch, năm 2023 và 2024, huyện Kỳ Sơn và xã Mường Lống tổ chức Ngày hội hái mận với nhiều hoạt động phong phú như: văn nghệ, thi hái mận, chọi trâu, bò… thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, thương lái.
Đây là dịp tạo sự tương tác giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, qua đó thu hút du khách đến thăm quan, du lịch ở Mường Lống nói riêng và huyện vùng cao Kỳ Sơn nói chung.
Không chỉ vậy, đến với ngày hội hái mận này du khách còn được trải nghiệm ẩm thực, cùng tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào người Mông, cảm nhận không khí mát mẻ ở Mường Lống.
Hội thi mận đẹp, mận ngon tại Ngày hội hái mận xã Mường Lống. |
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn huyện hiện có hơn 45ha cây mận, trồng nhiều ở các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Na Ngoi. Trong đó, xã Mường Lống diện tích trồng mận nhiều nhất với 23ha. Với năng suất 4-5 tấn/ha, mỗi năm cho năng suất trên 250 tấn quả.
Xác định đây là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, huyện Kỳ Sơn chỉ đạo phối hợp tìm hướng tiêu thụ ổn định cho người dân và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, khả quan.
Theo ông Rê, cùng với tìm đầu ra, mở rộng diện tích, huyện cũng sẽ quan tâm đến vấn đề đầu tư thâm canh, để làm sao vẫn giữ được thương hiệu mận sạch, đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ cung ứng ra thị trường mà mận còn phục vụ phát triển du lịch, nhờ đó du khách biết đến huyện Kỳ Sơn nhiều hơn. Sau khi Ngày hội hái mận năm 2024 tổ chức thành công, chính quyền sẽ tiếp tục quảng bá các sản phẩm du lịch, phát triển cây mận mang lại giá trị kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.