Tiếp sức từ những mô hình giảm nghèo
Năm 2023, gia đình anh Lý Văn Coóng ở xóm Tha Hoài là một trong số 18 hộ nghèo, cận nghèo của xã An Lạc, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) được hỗ trợ bò cái sinh sản theo chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với hỗ trợ con giống, gia đình còn được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi và vệ sinh thú y.
Đến nay, bò giống đã và đang phát triển tốt, đây là tín hiệu lạc quan giúp gia đình anh sớm thoát nghèo, anh Coóng dự tính: Với con bò giống sinh sản 1 lứa/năm. Sau 3 tháng chăn nuôi sẽ xuất bán bê con với giá từ 12-15 triệu đồng, thu nhập từ chăn nuôi và các nguồn thu khác, mục tiêu thoát nghèo của gia đình không còn xa.
Bên cạnh mô hình hỗ trợ bò sinh sản, trong những năm gần đây, người dân xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đã chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng giống lạc đỏ địa phương mang lại hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng khác. Theo chia sẻ của người dân: “Điều kiện thời tiết và đất đai ở đây rất phù hợp. Giống lạc đỏ địa phương cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô nhiều. Hiện nay, đa số người dân cũng đã nắm vững kỹ thuật, sang vụ tới, nhà nước không hỗ trợ phân bón và giống nữa thì người dân vẫn tiếp tục trồng giống lạc này bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Mô hình trồng lạc đỏ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân |
Hiện nay, xã Lý Quốc là một trong những địa phương có diện tích trồng lạc nhiều nhất trên địa bàn huyện Hạ Lang, hàng năm, từ sản phẩm lạc đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con địa phương.
Để đảm bảo triển khai và mở rộng mô hình, ông Nông Văn Lưu, chủ tịch UBND xã Lý Quốc cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị triển khai dự án có trách nhiệm cung ứng giống lạc, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ tham gia, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, thu hoạch lạc theo đúng quy trình kỹ thuật và tuyên truyền vận động các hộ tham gia dự án thực hiện đúng hợp đồng”.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới
Hạ Lang là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước, với hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, lồng ghép các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo.
Nhiều mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi đã phát huy hiệu quả như chăn nuôi lợn nái sinh sản, bò cái sinh sản, hỗ trợ sản xuất ngô thương phẩm, trồng mía nguyên liệu đã và đang phát huy hiệu quả.
Nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, hết năm 2023, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều của huyện Hạ Lang giảm còn 2.437 hộ, chiếm tỷ lệ 39,68%, mục tiêu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,01% còn 2.068 hộ.
Bà Nông Thị Hồng Gấm, Phó trưởng phòng Lao động- Thương binh & Xã hội huyện Hạ Lang chia sẻ: Căn cứ kế hoạch vốn được phân bổ, phòng Lao động- Thương binh & Xã hội tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch theo giai đoạn, cụ thể hoá từng dự án cụ thể, lựa chọn các đơn vị thực hiện trên cơ sở nhu cầu và điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương.
Bên cạnh đó, phòng thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện dự án. Qua đó, giúp các dự án phát huy hiệu quả.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để huyện miền núi Hạ Lang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là để những hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm thoát nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.